Chuyên đề

Khai mỏ vàng tài sản số

Công Sang - Hằng Nguyễn Thứ Năm | 10/07/2025 07:30

Khối lượng giao dịch tiền số từ Việt Nam ước đạt 800 tỉ USD mỗi năm. Ảnh: shutterstock.com.

Tài sản số được mở đường, tạo điều kiện chính thức hóa thị trường hàng trăm tỉ USD tại Việt Nam, đưa một “nền kinh tế ngầm” khổng lồ vào khuôn khổ.
Khối lượng giao dịch tiền số từ Việt Nam ước đạt 800 tỉ USD mỗi năm. Ảnh: shutterstock.com.

Với việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), Việt Nam chính thức hợp pháp hóa việc sở hữu và sử dụng tài sản mã hóa. Dấu mốc này đã chấm dứt tình trạng nhiều năm mơ hồ về mặt pháp lý và ước tính khoảng 17 triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ tài sản mã hóa sẽ được công nhận và bảo vệ chính thức theo pháp luật”, Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao Đại học RMIT và chuyên gia về tài sản mã hóa, nhận định.

Gọi tên tài sản số

“Tài sản số” theo luật mới là mọi tài sản vô hình tồn tại dưới dạng dữ liệu số có giá trị kinh tế trên môi trường điện tử, được tạo ra và vận hành nhờ công nghệ số, đồng thời được pháp luật bảo hộ về quyền tài sản. Trong hệ sinh thái đó, tài sản mã hóa (crypto asset) là một tập hợp con, tài sản số được hình thành thông qua công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay sổ cái phân tán, tiêu biểu chính là các loại tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum, BNB...

Luật mới đã xác lập rõ crypto là tài sản, không phải tiền pháp định hay phương tiện thanh toán. Đây là điểm mấu chốt phân định ranh giới giữa tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và tiền mã hóa phi tập trung.

 

Tiền kỹ thuật số do Nhà nước phát hành (CBDC) ví dụ trong tương lai có thể là một phiên bản số hóa của đồng Việt Nam, mang đầy đủ chức năng của tiền pháp định, có giá trị thanh toán hợp pháp như tiền giấy hay tiền gửi ngân hàng. CBDC gắn liền với chính sách tiền tệ quốc gia do Ngân hàng Nhà nước phát hành và kiểm soát. 

Ngược lại, tiền mã hóa (cryptocurrency) như Bitcoin hay Ether lại không do ngân hàng trung ương phát hành, không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tồn tại nhờ công nghệ blockchain phi tập trung, giá trị biến động dựa trên cung cầu thị trường và được cộng đồng chấp nhận rộng rãi như một loại tài sản để đầu tư, giao dịch. 

Tiến sĩ Jeff Nijsse phân tích rằng tiền mã hóa tuy không phải là tiền tệ chính thức nhưng được xem là tài sản có giá, có quyền tài sản và có thể sử dụng như công cụ đầu tư tại Việt Nam. Sự khác biệt này cực kỳ quan trọng khi giúp phân loại rõ ràng các đối tượng trong thế giới tài sản kỹ thuật số để cơ quan quản lý áp dụng đúng quy định cho từng loại.

Bên cạnh tiền mã hóa, hệ sinh thái tài sản số còn bao gồm nhiều khái niệm mới như token tiện ích (utility token) cấp cho người nắm giữ quyền sử dụng một dịch vụ hoặc sản phẩm nào đó; token chứng khoán (security token) - tài sản số được phát hành dựa trên tài sản tài chính truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu; NFT (non-fungible token) - token không thể thay thế dùng để xác thực quyền sở hữu đối với tài sản số độc bản như tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm game... 

Tiến sĩ Jeff Nijsse phân tích rằng tiền mã hóa tuy không phải là tiền tệ chính thức nhưng được xem là tài sản có giá, có quyền tài sản và có thể sử dụng như công cụ đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: shutterstock.com
Tiến sĩ Jeff Nijsse phân tích rằng tiền mã hóa tuy không phải là tiền tệ chính thức nhưng được xem là tài sản có giá, có quyền tài sản và có thể sử dụng như công cụ đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: shutterstock.com

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết sự hoàn thiện nhanh chóng hành lang pháp lý về tài sản mã hóa là tiền đề quan trọng để ngành công nghệ blockchain và các dịch vụ liên quan phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam ghi dấu trên bản đồ công nghệ toàn cầu. 

Theo Chi hội Blockchain TP.HCM (HBA), khối lượng giao dịch tiền số từ Việt Nam ước đạt 800 tỉ USD mỗi năm. Thống kê được lãnh đạo HBA lấy từ báo cáo của Wall Street Journal, khi Việt Nam đứng thứ 4 trong các thị trường lớn nhất của sàn giao dịch Binance.

Tuy nhiên, lâu nay, tiền mã hóa tồn tại ở Việt Nam trong trạng thái “nửa hợp pháp”: không được công nhận là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, nhưng cũng không bị cấm sở hữu, giao dịch trên các sàn quốc tế. Sự mập mờ khiến nhiều hoạt động diễn ra ngoài vòng kiểm soát, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư lẫn hệ thống tài chính. Với luật mới, thị trường tiền mã hóa Việt Nam có cơ hội chuyển từ “vùng xám” sang “vùng sáng”, tức hoạt động giao dịch minh bạch, có đăng ký, chịu sự giám sát và tuân thủ quy định. 

Thu hút FDI kiểu mới 

Trong sự kiện ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty Chứng khoán SSI và các đối tác toàn cầu gần đây, ông Mai Huy Tuần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), cho biết đang ưu tiên phát triển các giải pháp số hóa tài sản gắn với giá trị thực như bất động sản, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, kể cả tín chỉ carbon. Những tài sản này khi được token hóa sẽ giúp việc lưu thông, giao dịch và huy động vốn trở nên hiệu quả hơn rất nhiều so với cách thức truyền thống. 

Khả năng token hóa các tài sản trong thế giới thực (real-world asset tokenization - RWA) theo đó dần trở thành hiện thực... Hình dung một dự án bất động sản có thể chia nhỏ giá trị thành các token, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ với vài chục triệu đồng cũng có thể sở hữu một phần dự án, điều gần như không thể trước đây. Token bất động sản cũng giúp giao dịch minh bạch và nhanh chóng hơn, nhờ tất cả các quyền sở hữu được ghi nhận trên blockchain và chuyển giao gần như tức thì qua mạng lưới.

Như vậy, với khung chính sách mới, có thể kỳ vọng sự xuất hiện của những loại tài sản số được bảo chứng bằng tài sản thực, từ nhà đất, dự án năng lượng tái tạo cho đến chứng khoán, hàng hóa. 

 

Bằng việc chuyển các tài sản hữu hình và cả vô hình thành token, Việt Nam có thể mở khóa nguồn vốn toàn cầu đổ vào các dự án nội địa, một hình thức thu hút FDI kiểu mới thông qua nền tảng số. Nếu token hóa tài sản thực là câu chuyện của tài sản hữu hình lên blockchain thì thế giới tài sản số phi vật thể cũng sôi động không kém với các trò chơi blockchain, NFT và các sản phẩm nội dung số “Make in Vietnam”. Nhất là khi trong vài năm qua, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ GameFi” của thế giới khi các dự án game blockchain liên tục gây tiếng vang.

Điển hình là Sky Mavis, studio đứng sau tựa game NFT Axie Infinity. Ra mắt từ năm 2018, Axie Infinity cho phép người chơi sưu tầm và chiến đấu bằng các “thú cưng” số dưới dạng NFT và kiếm thu nhập qua đồng token AXS. Đến năm 2021, Axie Infinity bùng nổ toàn cầu, có thời điểm đạt vốn hóa thị trường trên 10 tỉ USD cho các token.

Sau Axie Infinity, hàng loạt startup GameFi khác tại Việt Nam cũng ra đời như Sipher, CyBall, Summoners Arena… thu hút vốn đầu tư hàng triệu USD từ các quỹ quốc tế. Việt Nam nhanh chóng vươn lên Top 5 quốc gia về mức độ chấp nhận crypto gắn liền với làn sóng chơi game kiếm tiền. 

Không chỉ game, các bộ sưu tập NFT nghệ thuật của người Việt cũng bắt đầu xuất hiện, dù còn khiêm tốn. Một vài nghệ sĩ trẻ đã thử nghiệm bán tranh số dưới dạng NFT trên OpenSea; một số KOL (người có sức ảnh hưởng) và thương hiệu trong nước cũng phát hành NFT như vé tham dự sự kiện, quà tặng khách hàng thân thiết.

 

Gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM còn manh nha ý tưởng số hóa các tác phẩm nghệ thuật quý thành NFT để vừa bảo tồn vừa quảng bá ra quốc tế. Một loại tài sản vô hình nhưng giá trị rất lớn khác chính là dữ liệu số. Dữ liệu cá nhân, dữ liệu khách hàng, dữ liệu doanh nghiệp… nếu được token hóa hoặc đưa lên các nền tảng số an toàn có thể trở thành loại tài sản số tiếp theo thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2023, đồng thời thúc đẩy xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Big Data) trong nước. 

Các công ty như U2U Network đang hướng đến xây dựng hạ tầng kết hợp giữa điện toán đám mây và mạng phi tập trung để quản lý và khai thác dữ liệu một cách an toàn. U2U Network, một blockchain Layer-1 do người Việt phát triển, sử dụng kiến trúc DAG và các subnet để tạo khả năng mở rộng vô hạn, nhắm tới các ứng dụng phi tập trung về dữ liệu và internet vạn vật (IoT). 

Bà Trang Phùng, Giám đốc Điều hành U2U Network, tiết lộ mạng lưới của họ đã có gần 2 triệu người dùng, hơn 80 ứng dụng phi tập trung và được các đối tác tại Đức, Mỹ lựa chọn để tích hợp giải pháp. Điều đó cho thấy tiềm năng của một hạ tầng dữ liệu phi tập trung “Make in Vietnam”.  

Mặc dù các ngân hàng vẫn còn e dè với crypto do quy định hạn chế nhưng rất quan tâm đến CBDC và Stablecoin. Thống kê cho thấy năm 2023, có tới 134 ngân hàng trung ương trên thế giới đang nghiên cứu phát hành CBDC. Việt Nam tất nhiên không đứng ngoài: Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và thí điểm tiền kỹ thuật số trên nền tảng blockchain từ năm 2021. Dù chưa có thông tin chính thức về một đồng tiền số quốc gia, sự chuẩn bị này hứa hẹn tạo ra cầu nối giữa tài sản số công (CBDC) và tài sản số tư nhân (crypto) trong hệ sinh thái tương lai. Khi CBDC ra đời, việc tích hợp nó với các ví crypto, sàn giao dịch tài sản số sẽ là bước đi tất yếu để tận dụng lợi ích song song của 2 thế giới. 

Một môi trường pháp lý cởi mở cho tài sản số sẽ hấp dẫn các công ty blockchain, fintech quốc tế đến Việt Nam lập trụ sở, mở văn phòng R&D. Các quỹ lớn như Coinbase Ventures, Binance Labs đều đã rót vốn vào startup Việt (Sky Mavis, Coin98...). Nếu có khung pháp lý, những khoản đầu tư sẽ còn tăng mạnh hơn. 

“Bằng cách tạo ra hành lang pháp lý cho môi trường hoạt động, luật mới bảo vệ các nhà phát triển trong nước và cho phép các nhà đầu tư tự tin hơn, đồng thời tạo điều kiện cho những sàn giao dịch hiện tại có hướng đi rõ ràng để mở rộng tại thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể mong đợi sẽ có nhiều sàn giao dịch quốc tế chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2026 khi luật có hiệu lực”, Tiến sĩ Jeff Nijsse cho biết.

Tài sản số cũng thúc đẩy dịch vụ tài chính số và sự phổ cập tài chính. Tại Việt Nam, còn khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, nhưng tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh rất cao. Tài sản số, đặc biệt là tiền mã hóa và Stablecoin, có tiềm năng trở thành hệ thống tài chính song song giúp những người chưa tiếp cận ngân hàng có thể giao dịch, tiết kiệm, đầu tư theo cách riêng. 

Không chỉ game, các bộ sưu tập NFT nghệ thuật của người Việt cũng bắt đầu xuất hiện, dù còn khiêm tốn. Ảnh: shutterstock.com
Không chỉ game, các bộ sưu tập NFT nghệ thuật của người Việt cũng bắt đầu xuất hiện, dù còn khiêm tốn. Ảnh: shutterstock.com

Vùng xám còn bỏ ngỏ

Ở cấp quốc gia, luật mới tạo điều kiện chính thức hóa thị trường blockchain trị giá 105 tỉ USD tại Việt Nam. Mục tiêu chính ở tầm quốc gia là đưa một “nền kinh tế ngầm” khổng lồ, trước đây không bị đánh thuế vào khu vực chính thức. Bằng cách ban hành quy định cho lĩnh vực này, Việt Nam có thể theo dõi hoạt động, tạo ra nguồn thu thuế đáng kể và hạn chế tình trạng “tháo chạy vốn” thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.

Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 đã phác họa những nét đầu tiên cho bức tranh pháp lý về tài sản số. Song, để triển khai trong thực tiễn, vẫn cần nhiều mảnh ghép chi tiết hơn dưới dạng nghị định, thông tư và các chương trình thí điểm. Vậy hiện tại, Việt Nam đã có những quy định nào vẫn còn là những vùng xám còn bỏ ngỏ?

Trước hết, vẫn chưa có quy định chi tiết về việc thành lập và vận hành sàn giao dịch tài sản số. Luật mới ghi nhận tài sản số nhưng việc mua bán, trao đổi trong thực tế sẽ diễn ra thế nào? Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng nghị quyết thí điểm cho phép phát hành và giao dịch tài sản mã hóa trên phạm vi toàn quốc. Dự thảo cho thấy có khả năng các công ty cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa nước ngoài sẽ phải liên kết với đối tác trong nước nếu muốn hoạt động ở Việt Nam. Quy định này, nếu thành hiện thực, sẽ giống với mô hình tại một số nước (đòi hỏi sàn ngoại lập liên doanh với công ty nội để được cấp phép), qua đó tăng sự kiểm soát và thu thuế đối với dòng tiền mã hóa ngoại vào Việt Nam.

Một điểm chưa rõ khác là cơ chế quản lý các loại tài sản số không phải tiền mã hóa, ví dụ như NFT, token bất động sản, dữ liệu số... Hiện tại, luật chỉ định nghĩa chung, chưa có văn bản cấp dưới hướng dẫn chi tiết về phát hành, giao dịch những loại token này. Quyền sở hữu và bảo hộ đối với tài sản số cũng cần được chi tiết hóa trong Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ (điều chỉnh tài sản trí tuệ số). Khi một tài sản số bị đánh cắp hoặc tranh chấp, tòa án sẽ dựa vào căn cứ pháp lý nào để giải quyết? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Cuối cùng, bài toán bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng trong lĩnh vực tài sản số cũng cần được giải đáp bằng khung pháp lý. Luật mới ghi nhận tài sản số, nhưng các quy định về công bố thông tin, xử lý tranh chấp, chế tài vi phạm… vẫn chưa đầy đủ. 

Đi cùng cơ hội là những thách thức về lừa đảo tài chính, biến động thị trường và nguy cơ bong bóng. Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia có lưu lượng giao dịch gian lận cao nhất. Đây là lời nhắc nhở rằng sự hưng phấn với tài sản số cần đi kèm cái đầu tỉnh táo của nhà quản lý và nhà đầu tư.  

“Nếu luật quá khắt khe, sáng tạo sẽ bị kìm hãm và Việt Nam có thể đánh mất cơ hội trong cuộc đua tài sản số toàn cầu. Ngược lại, nếu biết tận dụng sandbox để vừa khuyến khích thử nghiệm vừa kiểm soát rủi ro, chúng ta sẽ giành nhiều lợi thế quan trọng”, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance Việt Nam, cảnh báo.

 

Theo Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên ngành tài chính của Đại học RMIT, Singapore thường được nhắc đến như một hình mẫu trong quản lý lĩnh vực tiền mã hóa và tài sản số. Triết lý của quốc đảo này là “quy định thông minh” (smart regulation), tức là quản lý chặt chẽ rủi ro nhưng không bóp nghẹt đổi mới. Năm 2019, Singapore ban hành Đạo luật Dịch vụ Thanh toán, trong đó tiền mã hóa được xem như một phần của hệ thống tài chính số và chịu sự quản lý như các dịch vụ thanh toán số khác. 

Muốn cung cấp dịch vụ liên quan đến token thanh toán kỹ thuật số (Digital Payment Token, tên gọi của crypto trong luật Singapore), doanh nghiệp phải xin giấy phép từ Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). MAS đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vốn tối thiểu, an ninh mạng, chống rửa tiền (AML) và bảo vệ tài sản khách hàng tương tự quy định cho tổ chức tài chính truyền thống. Nhờ đó, Singapore kiểm soát được các rủi ro chính yếu: sàn giao dịch phải chống rửa tiền, lưu ký tài sản an toàn, minh bạch với khách hàng.

Trong khi Singapore điều tiết qua luật dịch vụ thanh toán, Dubai (UAE) nổi lên vài năm gần đây như một thiên đường crypto mới nhờ chính sách rất cởi mở đi kèm bộ máy quản lý chuyên biệt. Từ năm 2022, Dubai thành lập Cơ quan Quản lý Tài sản ảo (VARA), cơ quan quản lý độc lập đầu tiên trên thế giới chỉ tập trung vào tài sản ảo. VARA được trao quyền cấp phép và giám sát các doanh nghiệp tài sản số hoạt động tại Dubai, đặc biệt trong khu kinh tế đặc biệt Dubai World Trade Centre, một “free zone” về kinh tế số.

Chính sách của Dubai có 2 phần: mở cửa thu hút doanh nghiệp và đạt chuẩn công nghệ cao. Dubai chào đón hầu hết mọi hoạt động crypto: sàn giao dịch, ví, ICO/IDO, dịch vụ DeFi… miễn là đăng ký với VARA. Tuy nhiên, cởi mở không có nghĩa buông lỏng. VARA ban hành các quy định công nghệ cao yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe… 

Đối với Việt Nam, Dubai gợi lên hình ảnh về một sandbox ở tầm thành phố. Quả thực, Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng mô hình trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng, trong đó đề xuất thử nghiệm sandbox cho sàn giao dịch tài sản số, tiền mã hóa bắt đầu từ ngày 1/7/2026. Đây là điểm khá tương đồng với Dubai là dành một khu vực (thành phố) để thí điểm cho phép các hoạt động crypto mà chưa triển khai đại trà trên phạm vi cả nước. Nếu làm tốt, TP.HCM có thể trở thành “Dubai của Đông Nam Á” trong lĩnh vực này, thu hút nguồn lực và tạo đà lan tỏa ra toàn quốc. 

“Việt Nam có thể học hỏi cách tiếp cận theo từng giai đoạn (phased approach), áp dụng luật nguyên tắc (principle-based regulation), kết hợp sandbox và đối thoại công - tư, để xây dựng một khung pháp lý vừa vững chắc vừa linh hoạt, bảo vệ được nhà đầu tư mà vẫn thúc đẩy đổi mới”, Tiến sĩ Anh Huy nhận định. 

Đại diện của SSI Digital tin tưởng nếu tận dụng tốt các lợi thế và kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành một trung tâm tài chính số mới nổi của khu vực trong 3-5 năm tới. Những sáng kiến hợp tác như giữa SSI Digital với Tether, AWS, U2U Network vừa qua là bước cụ thể hóa tầm nhìn đó. Việt Nam đang từng bước kết nối với hệ sinh thái tài sản số toàn cầu, nhưng đồng thời sẽ làm chủ cuộc chơi bằng một khung pháp lý phù hợp nhất với mình. 

Có thể bạn quan tâm 

Từ số 0 đến gia sản bạc tỉ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày