A.I trên đường đua xe công nghệ

Ảnh: Shutterstocks
Các công ty gọi xe ở Ðông Nam Á đang lao vào một cuộc đua mới, không phải bằng số lượng xe mà bằng genAI (A.I tạo sinh).Trí tuệ nhân tạo (A.I) giờ đây là con át chủ bài, từ tối ưu hóa lộ trình, giữ chân khách hàng cho đến mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới khi mô hình siêu ứng dụng đã nguội lạnh.
Grab đang là cái tên dẫn đầu trong cuộc đua ứng dụng A.I vào mô hình kinh doanh. Báo cáo “Grab’s ESG progress in 2023: Serving more people, better” chỉ ra rằng Công ty đã triển khai các sáng kiến A.I như hyperbatching và Grab Navigation trong năm 2023, dẫn đến tăng 5,6% số chuyến mỗi giờ vận chuyển trên toàn khu vực. Đến năm 2024, họ hợp tác với OpenAI, tích hợp GenAI vào ứng dụng, ra mắt chatbot hỗ trợ khách hàng, giảm 30% thời gian phản hồi so với nhân viên. Kết quả là số chuyến xe hằng ngày tăng vọt lên 1,8 triệu, theo Bloomberg.
Trao đổi với NCĐT qua email, ông Suthen Thomas, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Grab, cho biết thực ra, kể từ năm 2018 Công ty đã đưa A.I vào sản phẩm, dịch vụ của mình. Có hơn 1.000 mô hình A.I được Công ty ứng dụng trong hầu hết các hoạt động từ đặt xe, hỗ trợ đối tác nhà hàng tiếp cận khách hàng cho đến nâng cao năng suất làm việc của nhân viên Grab. Để đáp ứng nhu cầu này, Trung tâm R&D của Grab thành lập năm 2017 đã tăng 60% nhân sự trong giai đoạn 2023-2024.
![]() |
“Các giải pháp công nghệ cho dịch vụ Grab For Business được phát triển chủ yếu tại Việt Nam nhưng được sử dụng trên toàn bộ 8 thị trường mà Grab đang hoạt động”, ông Suthen Thomas nói.
Không chịu thua, Gojek (nay là GoTo) cũng đẩy mạnh đầu tư A.I. EqualOcean ghi nhận Gojek đầu tư vào A.I định tuyến tại Indonesia, giảm thời gian chờ từ 5 phút xuống 3 phút, tăng doanh thu giao hàng 10% trong nửa đầu năm 2024. Họ còn triển khai chatbot A.I tại Bangkok (Thái Lan), nâng tỉ lệ hài lòng khách hàng lên 15%. Những con số này cho thấy A.I không chỉ là công cụ phụ mà đã trở thành động lực chính để họ giữ vững vị thế trong cuộc chơi.
Nhưng cuộc đua này không hề rẻ. Tổng cộng Grab đã chi 150 triệu USD cho A.I từ năm 2019 đến nay, theo Bloomberg. EqualOcean thì cho biết Gojek đã bỏ ra hàng chục triệu USD từ năm 2023-2024 cho A.I định tuyến và chatbot.
![]() |
Việc 2 công ty gọi xe lớn nhất Đông Nam Á dấy lên cuộc đua đầu tư A.I buộc các công ty có quy mô nhỏ phải tham gia. Điển hình như Be Group tại Việt Nam, dù không công khai chi tiết, cũng được EqualOcean đề cập là đang thử nghiệm A.I dự đoán nhu cầu để cạnh tranh với Grab.
Dù quy mô nhỏ hơn, Be Group vẫn nhắm đến việc tăng 300.000 chuyến xe mỗi ngày lên 350.000 nhờ A.I. Thông tin từ Công ty cho biết Be Group đã và đang thúc đẩy ứng dụng A.I sâu rộng thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với Aitomatic, một công ty A.I có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ được sáng lập bởi Tiến sĩ Christopher Nguyễn. “Việc tích hợp sâu A.I vào nền tảng vận hành qua hợp tác với Aitomatic giúp Be không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn thể hiện năng lực cạnh tranh của công ty công nghệ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu”, đại diện Be Group chia sẻ tại họp báo.
Dường như A.I đang định hình lại cách các công ty gọi xe ở Đông Nam Á vận hành, giúp họ không chỉ sống sót mà còn tiến xa trong thị trường vốn đã đông đúc. Nhìn vào thực trạng thị trường gọi xe ở Đông Nam Á có thể thấy Grab, sau khi lên sàn Nasdaq, đã cắt giảm 1.000 nhân sự (tương đương 11%) năm 2023 để tối ưu chi phí, nhằm hòa vốn EBITDA cuối năm đó. GoTo, niêm yết tại Indonesia, giảm lỗ từ 1,1 tỉ USD năm 2022 xuống 600 triệu USD năm 2023 bằng cách cắt 20% chi phí quảng cáo và nhân sự.
Có thể đầu tư A.I rất tốn kém, trong khi các công ty đều trong giai đoạn cam kết giảm lỗ và hướng đến lợi nhuận với các nhà đầu tư. Nhưng nếu không làm, mọi việc có thể còn tệ hơn. Báo cáo e-Conomy SEA năm 2023 của Google, Temasek và Bain & Company đã chỉ ra rằng thị trường gọi xe ở Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5-7%, so với 15-20% giai đoạn 2018-2020. Số người dùng mới gần như đứng yên, chỉ tăng từ 150 triệu lên 160 triệu từ năm 2023-2024 (theo Statista).
Điều này có nghĩa là Grab, Gojek không còn dư địa để kéo thêm khách mới như trước. Thay vào đó, họ phải tranh giành khách hiện có và đây là lúc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Thị trường bão hòa đẩy các công ty vào thế phải giữ chân người dùng bằng mọi giá. Trong khi đó, theo Nikkei Asia, chiến lược quảng cáo để duy trì thị phần khiến chi phí quảng cáo và khuyến mãi tăng 30% để giữ khách, làm lợi nhuận giảm.
Áp lực không chỉ dừng lại ở đó. Các đối thủ địa phương như Be Group, Maxim (Indonesia) và cả Shopee, Lazada cạnh tranh trong mảng giao hàng, giao thức ăn, làm giảm giá trung bình một chuyến xe từ 1,5 USD xuống 1,2 USD.
A.I trở thành một giải pháp không thể tốt hơn. Trước hết, nó giúp tăng tốc độ dịch vụ. Khi khách chọn hãng nhanh nhất, A.I là yếu tố sống còn. Hơn nữa, A.I giúp giảm chi phí vận hành. Báo cáo tài chính năm 2024 của Grab cho thấy cả năm Công ty lỗ 158 triệu USD (giảm 76% so với 434 triệu USD năm 2023), EBITDA điều chỉnh năm 2024 là 313 triệu USD, tăng mạnh từ 35 triệu USD năm 2023. Gojek không công bố lợi nhuận nhưng cho biết tiết kiệm 15% nhiên liệu, tăng doanh thu 10% qua A.I định tuyến.
Bên cạnh việc tối ưu hóa nhờ A.I, các công ty gọi xe ở Đông Nam Á còn nhìn thấy một con đường khác: gọi vốn mới. Thị trường siêu ứng dụng, từng là đỉnh cao của Grab, Gojek với tham vọng làm mọi thứ (gọi xe, giao hàng, thanh toán), đã qua thời hoàng kim. Nhà đầu tư giờ không còn hào hứng với mô hình “ôm đồm” mà muốn thấy lợi nhuận cụ thể.
Trách nhiệm thu hút nguồn vốn mới đang dồn vào A.I. Hợp tác với OpenAI năm 2024 mở đường cho Grab có những nhân tố mới để huy động vốn trong thời gian tới. Bloomberg gần đây cho biết Grab đang đàm phán vay 2 tỉ USD để hỗ trợ cho kế hoạch thâu tóm GoTo, công ty mẹ của Gojek.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư