Tài Chính

Lá chắn cổ tức trong thị trường biến động

Vũ Hoài Thứ Tư | 04/06/2025 07:30

Các công ty có mức nợ thấp có khả năng duy trì chi trả cổ tức tiền mặt cao hơn. Ảnh: T.L

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ở mức thấp và thị trường chứng khoán đầy biến động, các cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao đang trở nên thu hút.
Các công ty có mức nợ thấp có khả năng duy trì chi trả cổ tức tiền mặt cao hơn. Ảnh: T.L

Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM) mới đây thông báo về ngày giao dịch không hưởng quyền cho chi trả cổ tức đợt 3 năm 2024, với tỉ lệ lên đến 88% bằng tiền mặt. Với mỗi cổ phiếu HGM, nhà đầu tư sẽ nhận được 8.800 đồng tiền cổ tức. 

Đây là đợt chi trả cổ tức thứ 3 cho năm 2024, trước đó Công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỉ lệ là 50%, tương ứng 5.000 đồng/cổ phiếu. Với 12,6 triệu cổ phiếu HGM đang lưu hành, Công ty ước tính chi khoảng 110,88 tỉ đồng cho đợt chi trả cổ tức lần thứ 3 này.

Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang có 2 cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỉ lệ sở hữu 46,64% và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quốc tế DP với 7,9%. 2 tổ chức này sẽ hưởng lợi lớn trong đợt chi trả cổ tức hậu hĩnh của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.

Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (mã D2D) gần đây cũng thông báo về ngày giao dịch không hưởng quyền cho đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên đến 84%. Cơ cấu cổ đông của Công ty cho thấy, cổ đông Nhà nước sở hữu 57,86% cổ phần, ước tính thu về hơn 147 tỉ đồng tiền cổ tức. 

Tương tự, Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận (mã NNT) có kế hoạch chốt danh sách cổ đông cho đợt chi trả cổ tức năm 2024, với tỉ lệ hơn 60,67% bằng tiền mặt và thời gian thực hiện dự kiến cũng trong tháng 6. Xét cơ cấu cổ đông của Công ty Cấp nước Ninh Thuận tại thời điểm tháng 12/2024, cổ đông Nhà nước và cổ đông tổ chức nắm giữ phần lớn cổ phần, với tỉ lệ lần lượt 52% và 44%, trong khi cổ đông cá nhân chỉ nắm giữ khoảng 3,5% vốn cổ phần.

Việc lựa chọn cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao và ổn định được xem là lá chắn trong thị trường biến động. Khi lãi suất ngân hàng chỉ quanh mức 5-6%/năm, cổ tức của các doanh nghiệp mang lại mức lợi nhuận tương đối ổn định và giảm thiểu rủi ro thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phân biệt giữa doanh nghiệp chi trả cổ tức đều đặn nhờ hoạt động kinh doanh tốt với doanh nghiệp dùng cổ tức như mồi nhử.

Chia sẻ với NCĐT, bà Helena Shiu, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), đã chỉ ra 5 tiêu chí cần cân nhắc khi đầu tư theo chiến lược cổ tức. Đầu tiên, công ty cần có dòng tiền tự do dành cho vốn chủ sở hữu (FCFE) dương để tài trợ cho cổ tức bằng tiền mặt. Thứ 2 là nguồn gốc của dòng tiền. Nhà đầu tư cần cảnh giác với các công ty có dòng tiền yếu, một số công ty tài trợ cổ tức bằng cách bán tài sản, đi vay hoặc từ các khoản lãi đột biến, những dạng cổ tức này thường không bền vững.

Thứ 3 là lịch sử chi trả cổ tức. Đây là cách dễ nhất để đánh giá khả năng trả cổ tức. “Nhà đầu tư nên cẩn trọng với những thay đổi đột ngột trong chính sách cổ tức, ví dụ như tăng cổ tức mạnh mà không có tăng trưởng lợi nhuận hoặc trả cổ tức thất thường. Điều này có thể là dấu hiệu của sự thao túng”, chuyên gia của PHFM nhấn mạnh.

Thứ 4 là tỉ lệ nợ và thanh khoản. Các công ty có mức nợ thấp có khả năng duy trì chi trả cổ tức tiền mặt cao hơn. Các công ty sử dụng đòn bẩy quá mức có thể buộc phải cắt giảm cổ tức nếu lợi nhuận sụt giảm hoặc chi phí tái cấp vốn tăng.

Và cuối cùng, chuyên gia của PHFM cho rằng nhà đầu tư nên tìm các công ty có lợi nhuận hoặc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ổn định hoặc tăng trưởng theo thời gian. Lợi nhuận ổn định cho thấy cổ tức được chi trả từ nguồn nội lực bền vững của doanh nghiệp. “Chúng tôi cho rằng dòng tiền thực tế quan trọng hơn lợi nhuận kế toán khi xác định một cổ phiếu thực sự có khả năng chi trả cổ tức bền vững hay không”, bà Helena Shiu nói thêm.

Ở góc nhìn phân tích, các chuyên gia của Agriseco Research đã đưa ra 5 cổ phiếu có mức chi trả cổ tức cao và ước tính mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025 dựa trên kế hoạch chi trả cổ tức được công bố hoặc bằng với năm cũ. Cụ thể các dự kiến là VEA (13% trong năm 2025), QTP (12,8%), SAB (10,6%), QNS (10%) và BMP (8,8%).

Agriseco Research cho rằng bên cạnh yếu tố cổ tức hấp dẫn, các cổ phiếu được lựa chọn đều là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định và có triển vọng tăng trưởng trong trung - dài hạn, từ đó mang lại không chỉ nguồn thu nhập định kỳ mà còn tiềm năng tăng giá bền vững cho danh mục đầu tư.

Ở góc nhìn về thị trường, ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), cho rằng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trung bình trên thị trường ở mức 2 con số, có cơ sở để cho rằng VN-Index sẽ có một năm 2025 tăng trưởng tích cực.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày