Dịch vụ MES: Sức mạnh 360 độ
Đầu tháng 3.2015, Obi Worldphone, thương hiệu điện thoại thông minh của Mỹ, do cựu Tổng Giám đốc của Apple và Pepsi-Cola đồng sáng lập, đã đến Việt Nam. Không lâu sau, những mẫu smartphone Obi SF1, Obi SJ 1.5, Obi MV1 của Obi Worldphone lần lượt xuất hiện và nhanh chóng cháy hàng. Đó là nhờ sức hút sản phẩm của Obi Worldphone và cũng nhờ hãng này giao việc phát triển thị trường (Market Expansion Service - MES) cho Digiworld (DGW).
Theo hợp tác chiến lược giữa đôi bên, Obi Worldphone chấp nhận lãi ít để đưa vào Việt Nam những sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh. Về phần Digiworld triển khai tất cả các phần việc liên quan đến MES, từ phân tích thị trường để định vị phân khúc khách hàng, lên kế hoạch chiến lược và triển khai marketing đến phân phối bán hàng, kế hoạch nhập kho và dịch vụ hậu mãi. Mục đích làm sao để thương hiệu Obi Worldphone được nhận diện rộng rãi và chiếm được thị phần tại Việt Nam.
Với hợp đồng này, Digiworld không còn là nhà phân phối đơn thuần mà làm cả marketing và bán hàng cho Obi Worldphone. Tương tự, Digiworld cũng đã triển khai dịch vụ MES cho hãng điện thoại Intex (Ấn Độ) và Freetel (Nhật). Cả hai tên tuổi này chỉ mới thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016 và đều chọn Digiworld để gởi gắm các mục tiêu tiếp cận thị trường.
Obi Worldphone, Intex và Freetel bước chân vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường điện thoại di động đã trở nên đông đúc, với nhiều thương hiệu đình đám như Samsung, Apple, LG, HTC... Ngoài ra, theo GfK Việt Nam, với đà tăng trưởng ngành ICT ở mức 2 con số, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều hãng Trung Quốc như Oppo, Huawei, Xiaomi, Vivo... Cạnh tranh kinh doanh sản phẩm công nghệ vì thế càng khốc liệt.
Là đơn vị đi sau, lại còn khá xa lạ với Việt Nam, Obi Worldphone, Intex, Freetel không thể chọn cách tự phát triển thị trường, trước quá nhiều thách thức, từ hệ thống luật pháp đến khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. Đó là chưa nói đến sự hạn chế về kinh nghiệm và nguồn lực để tiếp cận thị trường. Tự phát triển thị trường luôn mất nhiều chi phí và thời gian. Đến lúc bắt tay thì xu hướng tiêu dùng có thể đã thay đổi. Giải pháp sử dụng dịch vụ MES có thể giúp nhà sản xuất giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả khi thâm nhập thị trường.
Thực tế, dịch vụ MES đã trở thành nhu cầu cần thiết cho các công ty muốn tấn công vào thị trường mới. Báo cáo của Roland Berger AG Strategy Consultants (RBSC) cho rằng, những ai muốn thành công tại các thị trường mới nổi đều phải liên tục thay đổi và thích ứng với các chiến lược tiếp thị và bán hàng mới. Nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng đủ khả năng thấu hiểu nhu cầu khách hàng và nắm bắt các thông tin chuyển động. Đây là lý do vì sao, dù đủ tài lực, nhân lực, kinh nghiệm và cũng đã chủ động tự thực hiện MES ở một số thị trường, nhưng Procter & Gamble (P&G) vẫn giao thị trường Hồng Kông cho DKSH làm dịch vụ MES.
Ở châu Á, DKSH là tên tuổi nổi bật trong cung cấp dịch vụ MES. Kinh nghiệm dày dạn suốt nhiều thập niên cùng khả năng hoạt động toàn cầu đã giúp DKSH có được sự tín nhiệm của P&G lẫn nhiều khách hàng khác như Samsung Electronics tại thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, tại Việt Nam, DKSH chỉ mới tập trung vào ngành hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật công nghệ và hóa chất. Đối với ngành hàng công nghệ ở Việt Nam, chưa có nhà phân phối nào triển khai MES. Đây là lợi thế để Digiworld đẩy mạnh năng lực làm dịch vụ MES của mình.
Theo thông tin từ Digiworld, Công ty đã làm dịch vụ MES trên 10 năm từ khi phân phối cho Acer, Lemax... Nhưng thời điểm đó, Digiworld không biết những hoạt động mình làm là MES. Công ty chỉ nghĩ đơn giản là triển khai các dịch vụ nhằm hỗ trợ việc bán hàng cho các nhà bán lẻ. Phải đến năm 2014, nhất là sau khi Digiworld bị mất đi nguồn thu từ mảng điện thoại Nokia, nên đã vận dụng năng lực làm MES lâu nay để đưa các thương hiệu điện thoại mới vào Việt Nam.
Cho đến nay, theo đại diện Digiworld, Công ty đã hoàn thiện xong nền tảng nhân lực, hạ tầng kho bãi, hậu cần, phần mềm quản lý hàng tồn kho, mạng lưới phân phối đa kênh, hơn 6.000 điểm bán... đủ để triển khai dịch vụ MES chuyên nghiệp. Kết quả, Obi Worldphone, Intex, Freetel đã chọn Digiworld làm nhà phân phối và triển khai dịch vụ MES tại Việt Nam. Đây là động lực cho Digiworld đề ra kế hoạch từ năm 2017 sẽ tận dụng năng lực MES để lấn sang các ngành khác ngoài ICT, cũng như sẵn sàng bán từng dịch vụ trong chuỗi MES theo nhu cầu khác nhau của khách hàng mà không nhất thiết phải làm phân phối, miễn là doanh số dịch vụ đó đủ lớn để thuyết phục Digiworld gật đầu.
Các nhà phân phối sản phẩm công nghệ khác như FPT Trading, Petrosetco... dự báo cũng sẽ triển khai MES. Bởi như ông Bùi Văn Hòa, Giám đốc Freetel ở Việt Nam, từng nhận định xu hướng nhà sản xuất là muốn tìm đối tác có thể giúp phát triển thị trường. Khi nhà phân phối không thực hiện được nhu cầu này, họ có thể để mất nhiều khách hàng, kéo theo suy giảm doanh thu và thị phần. Ngoài ra, vì công nghệ là sản phẩm có vòng đời thấp nên nếu không có khả năng thực thi MES, nhà phân phối sẽ khó lòng nắm được nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, khó cùng các hãng sản xuất linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như không thể gia tăng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhờ cắt bỏ các khâu trung gian.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý, muốn có được hợp đồng MES, nhà cung cấp MES phải chuyên nghiệp, uy tín và đáng tin cậy. Chắc chắn, nhà sản xuất sẽ không liều lĩnh giao phó “đứa con” của mình cho một đối tác mà họ không yên tâm. Bởi lẽ, hơn ai hết, họ hiểu rõ nhà cung cấp MES - người giữ chìa khóa “đầu ra” của nhà sản xuất - có thể gây khó khăn và đẩy nhà sản xuất vào thế bị động, bị phụ thuộc, bị chèn ép. Về phía nhà cung cấp MES, áp lực cần tính đến là nhà sản xuất có thể sẽ không chi tiền khi chưa nhìn thấy hiệu quả. Hoặc nhà sản xuất chỉ muốn giao hẳn sản phẩm với chiết khấu hấp dẫn để nhà cung cấp MES tự tính toán “lời ăn lỗ chịu”.
Trong khi đó, như Digiworld chia sẻ, thực thi MES là không dễ dàng, đòi hỏi đầu tư lớn cả về nhân sự cấp cao lẫn cơ sở hạ tầng và thời gian, đòi hỏi những nghiệp vụ liên quan đến bán lẻ, trái ngược hoàn toàn với các hoạt động phân phối truyền thống. Rõ ràng, sân chơi MES không dành cho “tay mơ”.
Đây phải chăng là lý do chỉ mới Digiworld là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong cung cấp dịch vụ MES. Trong tương lai, khi MES trở thành dịch vụ tất yếu và thị trường công nghệ Việt Nam có thêm những nhà cung cấp dịch vụ MES mới, Digiworld cho biết, Công ty vẫn có lợi thế của người đi trước và sẽ tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện dịch vụ MES này.
Ngọc Thủy
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư