Công Nghệ

Hấp dẫn bán dẫn

Trực Thanh Thứ Sáu | 22/11/2024 08:00

Việt Nam nổi lên như trung tâm sản xuất công nghệ thế giới và cũng đang thu hút sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp bán dẫn. Ảnh: Ảnh: shutterstock.com.

Trước sự dịch chuyển lớn của các doanh nghiệp hàng đầu, bản đồ ngành bán dẫn đang được vẽ lại và điểm tên Việt Nam.
Việt Nam nổi lên như trung tâm sản xuất công nghệ thế giới và cũng đang thu hút sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp bán dẫn. Ảnh: Ảnh: shutterstock.com.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Ban lãnh đạo Tập đoàn FPT nói nhiều đến kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2025, nhờ chi tiêu công nghệ thông tin (IT) gia tăng trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump. 

Trước đó, FPT đã rốt ráo mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, gồm mô hình chip thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử. Trong đó, có dự án xây dựng nhà máy rộng 1.000 m2 gần Hà Nội, dự kiến sẽ hoạt động vào đầu năm sau với 10 máy thử nghiệm, với khoản đầu tư tổng cộng lên đến 30 triệu USD... 

Những công ty như FPT đang rất quyết tâm đón đầu cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn vào thời điểm Việt Nam xác định mục tiêu cao là trở thành một trung tâm sản xuất chip đầu cuối (back-end). Hiện nay, sản xuất bán dẫn ở giai đoạn back-end chủ yếu do Trung Quốc chi phối. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty nước ngoài dịch chuyển hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip sang Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Boston Consulting Group, Việt Nam có thể chiếm từ 8-9% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, tăng đáng kể từ mức 1% hiện tại.

Việt Nam nổi lên như trung tâm sản xuất công nghệ thế giới và cũng đang thu hút sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp bán dẫn. Ngoài những thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung, đã có hơn 50 doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, chế tạo, ứng dụng điện tử tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp quốc tế và trong nước đang từng bước đầu tư vào ngành bán dẫn vi mạch tại TP.HCM như Microchip Technology, Texas Instruments và Synopsys... 

Ông Cho Hyung Rae, Phó Tổng Giám đốc Hana Micron Việt Nam, cho biết Công ty đang mở rộng tại đây để đáp ứng yêu cầu từ các khách hàng muốn đa dạng năng lực sản xuất. Công ty Hàn Quốc này dự kiến đầu tư 930,49 triệu USD đến năm 2026 để tăng cường hoạt động đóng gói chip nhớ thế hệ trước. Amkor Technology, có trụ sở tại Mỹ, cũng đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỉ USD năm ngoái để xây nhà máy rộng 200.000 m2 và là cơ sở lớn và tiên tiến nhất của Công ty tại Việt Nam. 

Với một loạt chính sách từ những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới, bản đồ ngành bán dẫn đang được vẽ lại. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này và đạt được mục tiêu của mình? 

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), cho rằng, trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp này. Đó là nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Đặc biệt, đang có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi tin rằng trong vài năm tới, khi 5G trở nên phổ biến, nhiều quốc gia sẽ áp dụng và thời đại IoT sẽ bùng nổ. Thị trường này rất lớn, ước khoảng 1.300 tỉ USD. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa chuỗi sản xuất thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, nhận định và tiết lộ hiện FPT đã có đơn đặt hàng 70 triệu chip đến năm 2025. 

Về năng lực sản xuất, Viettel và FPT là 2 công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip, trong đó Viettel tập trung vào 5G, còn FPT tập trung vào PMIC (mạch tích hợp quản lý năng lượng). Tuy nhiên, hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam còn rất mới, tập trung chủ yếu vào mảng thiết kế - kiểm thử, đóng gói. Dù vậy, với sự thành công trong việc thu hút đầu tư của một loạt doanh nghiệp lớn toàn cầu, đây là nền móng rất quan trọng để Việt Nam học hỏi và các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ thế giới. 

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2030 đạt trên 25 tỉ USD/năm. Giai đoạn 2040-2050 sẽ đạt 100 tỉ USD/năm, hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn… Muốn đạt được tham vọng này, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm trong thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, hướng tới việc chuyển giao công nghệ; đào tạo nhân lực… 

Nằm trong kế hoạch chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bằng công nghệ, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), tiết lộ đang tiếp tục chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào TP.HCM. “Để chuẩn bị hạ tầng cho các nhà đầu tư, Hepza dự kiến đầu tư mới Khu công nghiệp Phạm Văn Hai. Thành phố sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng như hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn”, ông Hà nói.

Làm việc tại các thị trường bán dẫn hàng đầu thế giới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, nói rằng ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực nhưng để có hàng triệu kỹ sư bán dẫn thì không phải nước nào cũng có khả năng. “Chính quyền Đài Loan cấp học bổng bán dẫn nhưng không có người học. Hàn Quốc xây dựng thành phố bán dẫn cũng không người làm...”, ông Bình nói về cơ hội của Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Có một hiện tượng đáng chú ý là vài năm gần đây, nhiều trường đại học đua nhau mở ngành vi mạch bán dẫn khi Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học. Còn FPT có kế hoạch đào tạo khoảng 10.000 nhân lực đến năm 2030. “Ước mơ của chúng ta là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho toàn thế giới. Đấy mới là ước mơ thật của chúng tôi - Việt Nam có 1 triệu nhân lực bán dẫn”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày