Nghiên cứu thuốc điều trị COVID -19 đón những tín hiệu vui
Nhà điều hành của Wakamono đang thử nghiệm một loại thuốc kháng virus đường uống thế hệ mới có thể vừa kháng virus vừa kháng viêm giúp giảm viêm phổi. Ảnh: Qúy Hòa.
Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, nhiều hãng dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19, hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch khiến hơn 6 triệu người trên toàn cầu tử vong.
Đầu tháng 11/2021, thuốc kháng virus Molnupiravir của Merck & Co. (Mỹ) là thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc COVID-19 vừa và nặng.
Cuối năm ngoái, Pfizer (Mỹ) cũng đã xin cấp phép lưu hành tại Mỹ một loại thuốc viên kháng virus đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị COVID-19 có tên Paxlovid. Trong thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc viên dạng uống này cho thấy khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành.
Ngoài Mỹ, Pfizer đã hoàn tất quy trình xin cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid tại một số nước, trong đó có Anh, Úc, New Zealand và Hàn Quốc và sẽ xin cấp phép tại nhiều nước khác. Pfizer kỳ vọng Công ty có thể sản xuất ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm 2022.
Tại Việt Nam, ngày 17/2, 3 công ty dược được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc với hoạt chất Molnupiravir kháng virus SARS-CoV-2 gồm Boston Việt Nam (thuốc Molravir 400 mg), Mekophar (thuốc Movinavir 200 mg) và Stellapharm (thuốc Molnupiravir Stella 400 mg).
Thêm một tin vui về việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 là mới đây, nhà điều hành của Wakamono - công ty sản xuất ra chiếc khẩu trang diệt virus Corona - đang thử nghiệm một loại thuốc kháng virus đường uống thế hệ mới có thể vừa kháng virus vừa kháng viêm giúp giảm viêm phổi. Đây là Công ty PEM Biotech có trụ sở tại Texas, Mỹ, do ông Lại Nam Hải, CEO của Wakamono, làm Giám đốc Khoa học và Điều hành nghiên cứu.
Loại thuốc đang được PEM nghiên cứu được đặt tên là Anmonoliv, bắt đầu bước vào giai đoạn lâm sàng trên người giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Mỹ, Brazil và châu Âu. Ảnh: Qúy Hòa. |
“Mặc dù vaccine sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch, nhưng chúng ta sẽ cần các phương án điều trị để đón đầu virus. Thuốc điều trị chuyên biệt cho COVID-19 tác dụng trực tiếp sẽ vẫn là một phương án bổ sung cần thiết cùng vaccine để giảm lây truyền và giảm tác động đến các di chứng COVID-19 lâu dài”, ông Hải nói.
Loại thuốc đang được PEM nghiên cứu được đặt tên là Anmonoliv, bắt đầu bước vào giai đoạn lâm sàng trên người giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Mỹ, Brazil và châu Âu.
Ông Hải giải thích, các yếu tố để giảm nguy cơ nghiêm trọng đối với bệnh COVID-19 là làm giảm tải lượng virus. Tuy nhiên, có những trường hợp giảm rõ rệt tải lượng virus (CT> 30) nhưng vẫn diễn biến nặng, vì phổi và các cơ quan bị tổn thương. Đối với một người bị bệnh nặng, việc giảm nhanh tình trạng viêm và tổn thương mô phổi là điều quan trọng để cải thiện sức khỏe và giảm thiểu hệ lụy hậu COVID-19.
Theo điều tra của CDC (Mỹ) và các thống kê từ các bệnh viện ở Anh, tỉ lệ di chứng hậu COVID-19, không thể cải thiện sức khỏe về trạng thái bình thường lên đến hơn 35%; đặc biệt đối với những người nhập viện, tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19 lên đến 80%.
Các số liệu thử nghiệm cho thấy, Anmonoliv làm giảm rõ ràng tổn thương mô phổi, bảo vệ phổi, giảm các triệu chứng bệnh như giảm chết tế bào, giảm phù phế nang, giảm xuất huyết khi so sánh giữa nhóm nhiễm bệnh sử dụng thuốc với không sử dụng.
Ông Hải chia sẻ, lộ trình thuốc Anmonoliv được thử nghiệm cho thấy đây là một loại thuốc uống đầy tiềm năng điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trạng từ trung bình đến nặng, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ tiến triển bệnh lý xấu cần được quan tâm và chăm sóc. Nhóm bệnh nhân này chiếm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong cao (chiếm hơn 90% số người chết do COVID-19 ở Mỹ).
Bên cạnh những tín hiệu vui trong việc điều trị COVID-19, vẫn không thể phủ nhận sự cần thiết của vaccine ngừa COVID-19. Nhiều bác sĩ đã cảnh báo những người còn do dự tiêm chủng không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng bệnh bằng vaccine. Nhiều làn sóng COVID-19 đang bùng phát ở châu Âu những tuần qua cũng đã chỉ ra điểm yếu của hệ thống phòng thủ chống dịch lúc này chính là những người chưa tiêm vaccine. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa thuốc phòng bệnh (vaccine) và chữa bệnh (thuốc điều trị) mới là thứ vũ khí tốt nhất giúp thế giới chiến thắng dịch bệnh.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư