Công Nghệ

Phaata “đi chợ” logistics

Công Sang Thứ Tư | 25/05/2022 07:30

Ảnh: Quý Hòa

Đầu năm 2020, Phaata chính thức đi vào hoạt động, công ty là nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các công ty logistics ở Việt Nam.
Ảnh: Quý Hòa

Cung cấp giải pháp kết nối giao dịch giữa chủ hàng và công ty logistics quốc tế ở Việt Nam, Phaata đang giúp tối giản cách các ông chủ đưa hàng hóa từ Việt Nam ra nước ngoài.

Đầu năm 2020, Phaata chính thức đi vào hoạt động. Công ty là nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các công ty logistics ở Việt Nam. Thông qua Phaata, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể lựa chọn đối tác vận chuyển, ngày khởi hành, thời gian vận chuyển, đặc biệt, chi phí vận chuyển được báo rất chi tiết theo giá cước và từng loại phụ phí phát sinh… chỉ bằng vài cú click chuột thay vì phải chờ đợi cả ngày hoặc lâu hơn như trước đây.

Tìm container bằng click chuột

Giống như những sàn thương mại điện tử khác, doanh thu của Phaata hiện nay đến từ thu phí các gian hàng “premium” và hợp đồng quảng cáo từ các công ty logistics, hãng tàu và cảng. Ông Nguyễn Hoài Chung, sáng lập Phaata, cho biết gần như không tốn nhiều chi phí tiếp thị để có khách hàng. Trước đó, ông Chung đã phát triển cộng đồng logistics lên đến hơn 220.000 thành viên trên các mạng xã hội.

Phaata đã cố gắng giới thiệu và mời các thành viên sang sử dụng nền tảng mới, vốn được thiết kế chuyên biệt cho ngành logistics với nhiều tính năng và công cụ quản lý phù hợp nhằm giúp cho việc kết nối giao dịch được hiệu quả hơn. Phaata hiện đã có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics tham gia. Ông Chung cho biết ở Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và khoảng 90.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Với nhiều lợi ích từ mô hình của sàn giao dịch mang đến, Công ty đặt mục tiêu sẽ mời được hầu hết các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu ở Việt Nam tham gia sử dụng Phaata trong vòng 2 năm tới, từ đó làm bàn đạp cho kế hoạch mở rộng sang các nước Đông Nam Á. Cũng như Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đang thiếu một nền tảng thông tin minh bạch.

Việc lựa chọn và phát triển được số lượng lớn các công ty logistics tham gia sàn giao dịch cũng là một bước đi có tính toán của người sáng lập Phaata.

“Các công ty logistics rất linh hoạt và có khả năng tùy biến dịch vụ rất cao để đáp ứng nhu cầu của các chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu. Số lượng lớn công ty logistics trên thị trường sẽ mang đến cho các chủ hàng có rất nhiều sự lựa chọn, từ đó giúp tìm được giải pháp tối ưu chi phí logistics nhất và tăng năng lực cạnh tranh thông qua logistics”, ông Chung nói.

Cơ hội từ thị trường phân mảnh

Ông Chung tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngoại thương, có bằng quản trị chuỗi cung ứng cao cấp của Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) và bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Bolton (Anh). Trước khi khởi nghiệp xây dựng Phaata, ông đảm nhiệm vị trí Phó phòng Sales & Marketing của Cosco, hãng tàu biển lớn thứ 4 trên thế giới hiện nay.

 

Trong thời gian đó, ông hiểu rõ khó khăn của các chủ hàng/doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Các chủ hàng luôn mong muốn tìm được giá cước vận chuyển tốt trên thị trường để tối ưu chi phí logistics cho từng lô hàng. Tuy nhiên, để có được thông tin giá cước đầy đủ của thị trường là rất khó vì chủ hàng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và tổng hợp. 

Ngoài ra, trước đây, chủ hàng chỉ có thể lựa chọn đối tác logistics dựa trên số ít đối tác mà mình biết, trong khi những công ty logistics này lại chưa phải là công ty logistics phù hợp, bị chào giá cước cao, không chuyên tuyến, dịch vụ kém… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí vận chuyển cao và nhiều rủi ro phát sinh đi kèm trong quá trình sử dụng dịch vụ.

“Phaata đang giải quyết nỗi đau cho các chủ hàng. Giờ đây, lần đầu tiên họ có thể “đi chợ” logistics, dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn  được công ty logistics phù hợp nhất một cách nhanh chóng và thuận tiện”, ông Chung nói.

Đối với các công ty logistics, lợi ích mà Phaata mang đến cho họ là một nền tảng tập trung rất nhiều chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu. Phaata có thể giúp họ tìm được khách hàng mới, phát triển sales & marketing hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực vận tải quốc tế, giá cước thường có hiệu lực khá ngắn, có khi hiệu lực chỉ một vài ngày. Vì vậy, khi có giá cước tốt, các công ty logistics cần phải chào bán dịch vụ thật nhanh ra thị trường, nếu không khi hết hạn sẽ thành vô nghĩa. Nền tảng Phaata giúp các công ty logistics có thể quảng bá tức thời dịch vụ ra khắp thị trường, từ đó có thể tối ưu cơ hội kinh doanh. Đồng thời cũng giúp cho chủ hàng có được cơ hội tìm được giá cước rất tốt.

Hai năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, các hoạt động truyền thống tắc nghẽn khiến làn sóng chuyển đổi số len lỏi đến nhiều lĩnh vực khác nhau, vận tải hàng hóa quốc tế cũng không ngoại lệ. Các quỹ đầu tư hiện quan tâm hơn đến những startup cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp vì có tập khách hàng trung thành cao và doanh thu ổn định. Quan trọng hơn, các startup B2B cũng mở ra cơ hội kết nối với các nền tảng tài chính nhúng trong tương lai.

 

Ông Trần Nhật Khanh, đồng sáng lập Quỹ đầu tư Touchstone Partners, cho biết,  thương mại điện tử Việt Nam trong mảng B2B còn rất tiềm năng vì nhu cầu mua bán của 2 đối tượng này hiện sôi động không kém. Thực tế cho thấy nhiều mô hình B2B đã được các nhà đầu tư quan tâm, điều mà hơn 10 năm qua không diễn ra. Có thể kể đến như Halana (nền tảng thương mại điện tử kết nối các khu công nghiệp), hay gần đây là RCE (kết nối khách hàng với các thiết bị công nghiệp hạng nặng).

Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư, các startup B2B phải có đội ngũ sáng lập giàu kinh nghiệm, có mạng lưới đối tác và uy tín trong ngành, công nghệ chỉ là yếu tố cộng thêm. “Gần như khi kết nối với chúng tôi, các đối tác đều tìm hiểu xem chúng tôi là ai. Vì thông tin giao dịch và giá cả là điều nhạy cảm đối với các công ty logistics, nên nếu như không có tính trung lập và minh bạch, thì Phaata sẽ rất khó để phát triển như hiện nay”, ông Chung nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày