Sóng cộng hưởng EdTech + A.I

Theo Statista, doanh thu EdTech Việt Nam ước tính đạt 364 triệu USD năm 2024 và đạt hơn 550 triệu USD vào năm 2028. Ảnh: shutterstock.com.
Sự xuất hiện kịp thời của A.i tạo ra trợ lực mới cho edtech vốn đang gặp nhiều thách thức.Các công ty công nghệ giáo dục (EdTech) vẫn chưa tìm lại thời hoàng kim từ sau đỉnh huy động vốn vào năm 2021. Generative A.I (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) xuất hiện thổi một làn gió mới vào lĩnh vực này với những viễn cảnh thay đổi cách dạy và học.
Bước chuyển từ tăng trưởng nóng
Đúng như dự đoán của Holon IQ, hãng nghiên cứu và phân tích dữ liệu toàn cầu về các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và khí hậu, tổng vốn đầu tư vào các công ty EdTech toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 3 tỉ USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức huy động vốn thấp nhất của ngành công nghiệp này kể từ năm 2016.
Sự sụt giảm của dòng vốn vào EdTech xuất phát một phần vì ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, phần còn lại vì nhiều lý do như bối cảnh chính trị xã hội của từng đất nước, hay chính chiến lược phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp EdTech chưa thực sự phù hợp với lĩnh vực được cho là giàu tiềm năng này.
Trong bối cảnh đó, việc huy động vốn của EdTech Việt Nam có phần trái ngược so với thế giới gây ra nhiều bất ngờ. Kết thúc năm 2023, thị trường Việt Nam có 6 thương vụ EdTech huy động vốn thành công (công bố với truyền thông) với tổng vốn huy động hơn 35 triệu USD, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Dẫn đầu về quy mô huy động là MindX (15 triệu USD), kế tiếp là DTP Education (8 triệu USD), Vuihoc (6 triệu USD) và Teky (5 triệu USD).
Sở dĩ EdTech Việt Nam miễn nhiễm với tác động của ngành trên toàn cầu là do các nhà đầu tư đánh giá khá cao về tiềm năng phát triển của ngành này tại Việt Nam dựa trên văn hóa và truyền thống coi trọng giáo dục của người Việt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, trung bình mỗi gia đình Việt chi khoảng 7 triệu đồng cho 1 thành viên đi học. Đây là mức chi tiêu khá cao so với thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/tháng của người Việt. Theo Statista, doanh thu EdTech Việt Nam ước tính đạt 364 triệu USD năm 2024 và đạt hơn 550 triệu USD vào năm 2028 với CAGR 10,89%.
“Các đợt phong tỏa chỉ là cú hích trong ngắn hạn của các EdTech Việt Nam. Giờ đây mọi việc đang trở lại bình thường”, bà Hồ Hồng Bảo Trâm, Giám đốc Điều hành Dream Viet Education, cho biết.
Dù rằng tỉ lệ học online có giảm xuống nhưng người học tại Việt Nam đã hình thành một thói quen mới là kết hợp việc học online với offline và tỉ trọng học online ngày một tăng lên, đặc biệt là trong nhóm người học từ 15 tuổi trở lên.
Sau dịch bệnh COVID-19, Kyna English, một nền tảng dạy tiếng Anh cho trẻ từ 5-16 tuổi và người đi làm thuộc sở hữu của Dream Viet Education, cho biết số lượng học viên tại các thành phố lớn của họ giảm đáng kể, khách hàng chủ yếu thời điểm này là khách hàng ở các đô thị loại 2, hiện nhóm này chiếm 90% doanh thu của Kyna English.
“Ở các tỉnh, thành, ngoài việc không có trung tâm nhiều, vấn đề chất lượng cũng là điều trở ngại. Do vậy, khi phụ huynh và học viên tiếp cận được giải pháp học online chất lượng hơn, tiện lợi và chi phí phải chăng, chắc chắn họ sẽ chọn lựa giải pháp này”, bà Bảo Trâm giải thích.
![]() |
Điều này cũng dẫn đến những bước chuyển của các nền tảng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam khi những công ty như Galaxy Education, Kyna… tích cực mở rộng hoạt động. Trong khi đó, những công ty như MindX và Teky, vốn có xuất phát điểm là đơn vị dạy học theo hình thức học truyền thống, từ khi có dịch COVID-19 đã mở thêm kênh online và hiện nay vẫn duy trì song song cả online và offline.
Galaxy Education là một startup thành lập năm 2020, có hệ sinh thái học tập trực tuyến trải dài nhiều cấp học từ giáo dục phổ thông lớp 1 tới lớp 12, tới giáo dục đại học và dạy nghề với hơn 1 triệu học viên trả phí. Sau COVID-19, công ty này công bố mở rộng đầu tư vào FUNiX - thương hiệu chuyên đào tạo công nghệ thông tin với hơn 30.000 học viên trả phí. Với động thái này, Galaxy Education đang là đơn vị có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về mặt quy mô lẫn thương hiệu ở thị trường Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.
“Không thể phủ nhận giai đoạn phong tỏa thời dịch bệnh khiến thị trường giáo dục trực tuyến tăng trưởng nóng và bây giờ nó đang trở lại chu trình bình thường. Nhưng đây không phải là chậm tăng trưởng, mà sau giai đoạn tăng trưởng nóng, chúng tôi bước vào giai đoạn tăng trưởng hợp lý và bền vững hơn đúng với quy luật vốn có của ngành này. Đây cũng là xu hướng của nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam khi chú trọng vào quản trị, vận hành và chất lượng sản phẩm”, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Galaxy Education, nhận định.
Có thể thấy tiềm năng của thị trường EdTech tại Việt Nam với nhiều yếu tố hậu thuẫn của một nền kinh tế đang phát triển. Theo báo cáo của Ken Research, thị trường EdTech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019-2023.
Mặc dù vậy, EdTech tại Việt Nam vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản cũng như rủi ro đối với các khoản đầu tư vào EdTech. Đó là nhu cầu về giáo viên và thói quen dạy trực tiếp vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sự sôi động của thị trường này với hàng loạt startup trong và ngoài nước tham gia khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các chuyên gia phân tích cho rằng, giáo dục đòi hỏi khoản đầu tư dài hạn, khái niệm siêu tăng trưởng dường như không tồn tại trong ngành này. Các nhà đầu tư phải chuẩn bị trong ít nhất 5 năm để thấy sản phẩm, thị trường phù hợp.
Về phần mình, ông Phạm Giang Linh cho biết trong hơn 10 năm qua, có 3 lý do khiến không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến ở Việt Nam phải bỏ cuộc chơi. Một là những doanh nghiệp hướng tới kinh doanh giáo dục, coi giáo dục là một sản phẩm như bao sản phẩm khác để kinh doanh thay vì làm giáo dục thực sự. Mục tiêu ấy sẽ khiến doanh nghiệp sớm rời cuộc chơi vì vỡ mộng trong bài toán kinh tế và không đáp ứng được thị trường sản phẩm giáo dục trực tuyến. Hai là những doanh nghiệp làm EdTech để phục vụ mục đích khác thì khó bền do không có đầu tư tương xứng. Cuối cùng là các EdTech có ý định nghiêm túc nhưng lại thiếu kiên nhẫn và không đủ nguồn lực để theo đuổi ước mơ.
![]() |
Đó là chưa kể hành lang pháp lý chưa phát triển tương ứng với tốc độ phát triển của ngành. Vấn đề bản quyền nội dung giáo dục trực tuyến là ví dụ. Nhìn chung, bên cạnh yếu tố công nghệ, để EdTech có thể tồn tại đòi hỏi sự kiên trì, tầm nhìn và nguồn lực không chỉ của các nhà lãnh đạo công ty EdTech mà còn là các quỹ đầu tư. “EdTech thế giới đã phát triển trước đó, công nghệ hay hạ tầng là chuyện có thể đầu tư được. Để tồn tại với ngành này, cần có sự kiên nhẫn và cái nhìn rộng hơn, vượt qua mục tiêu kinh tế trước mắt”, ông Linh nói.
![]() |
Galaxy Education hiện vẫn theo đuổi định vị “Nền tảng giáo dục trực tuyến”. “Nền tảng giáo dục trực tuyến có thể đáp ứng nhu cầu học tập của người Việt trên toàn quốc không bị giới hạn về hạ tầng và địa lý. Đó là cơ sở để Galaxy Education kỳ vọng cho khả năng tăng trưởng trong thời gian sắp tới”, đại diện Galaxy Education nhận định.
Lực đẩy lớn từ A.I
Với sức ảnh hưởng không nhỏ của các yếu tố ngoại cảnh, tưởng chừng EdTech vẫn sẽ là tiềm năng và chờ thời, thế nhưng cánh cửa mang tên A.I tạo sinh lại mở ra một cơ hội khá lớn. Nhiều công ty EdTech đã kết hợp với A.I hoặc phát triển dựa trên nền tảng A.I để thu hút dòng vốn. Mới đây nhất, EdTech thành lập năm 2013, ConveGenius (Ấn Độ) đã huy động được 7 triệu USD, nâng tổng số các công ty EdTech kết hợp hoặc hướng đến yếu tố A.I trên toàn cầu huy động vốn lên 43. Công ty huy động vốn lớn nhất trong lĩnh vực này là Ocelot (Mỹ), thành lập năm 2003 cung cấp tin nhắn và hệ thống A.I chatbot cho các tổ chức giáo dục đại học. Theo Crunchbase, tính đến nay Ocelot đã huy động được 117 triệu USD.
Ở Việt Nam, các công ty EdTech gần đây cũng công bố tham gia vào ứng dụng A.I trong dạy và học. Vuihoc sau khi nhận đầu tư 6 triệu USD, ông Đỗ Ngọc Lâm, Giám đốc Điều hành Công ty, cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để cải tiến sản phẩm và đẩy mạnh việc khai thác công nghệ A.I để mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng học sinh.
![]() |
Cho đến nay, vẫn chưa thấy rõ sự khác biệt lớn ở các khóa học trực tuyến do A.I mang lại ở Việt Nam, nhưng bên trong các doanh nghiệp EdTech, A.I đang giúp họ tối ưu rất nhiều chi phí so với trước kia. Điển hình như Kyna ứng dụng A.I vào nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất khóa học trực tuyến và tiết kiệm chi phí đáng kể. Ví dụ, chi phí thuê quay video, thu âm và vẽ minh họa trước đây tốn tối thiểu 100 triệu đồng/tháng. Khi sử dụng A.I tạo sinh để thay thế, Công ty tối ưu được chi phí nhân sự hậu kỳ chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
“Do một phần công việc đã được A.I thực hiện nên các nhân sự sẽ được nâng cấp lên và có thời gian tương tác trao đổi với giáo viên nhằm tiếp tục cải thiện chất lượng đào tạo”, bà Bảo Trâm nói.
Cũng là một trong những đơn vị đầu tư nghiêm túc vào chất lượng các khóa học, Galaxy Education đã nghiên cứu và cho ứng dụng A.I vào phòng luyện ảo, giúp người học có thể luyện đọc tiếng Anh bằng ứng dụng A.I 100% mà không cần có giáo viên bên cạnh. Công ty này cũng đã dùng “giáo viên A.I” để chấm bài kiểm tra trên lớp cho học sinh các lớp học tiếng Anh, giúp giảm chi phí đến 90% so với thông thường. Trong thời gian tới, đơn vị này cũng lên kế hoạch ứng dụng A.I trong việc kiểm soát chất lượng của từng buổi học bao gồm thời gian dạy thực, mức độ tương tác, giọng đọc, thậm chí sau mỗi buổi dạy A.I cũng sẽ giúp đánh giá tiến bộ của học sinh, cũng như khả năng truyền đạt kiến thức của thầy cô giáo, từ đó gửi báo cáo để đơn vị đánh giá chất lượng của từng buổi học, lên kế hoạch và lộ trình học tập chuyên biệt cho mỗi một cá nhân, giúp nâng cao trải nghiệm của người học.
![]() |
Ngoài áp dụng A.I vào quá trình tạo ra các khóa học thì khâu tiếp thị, chăm sóc khách hàng cũng là hoạt động nên cân nhắc ứng dụng công nghệ này vì có thể tiết kiệm được chi phí vận hành. Ảnh: shutterstock.com |
Cùng quan điểm là câu chuyện của Học viện Ứng dụng A.I Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo bán hàng cho doanh nghiệp lĩnh vực Fintech (tài chính công nghệ), phần mềm như một dịch vụ. Theo ông Wilson Liêu, nguyên Giám đốc Điều hành Công ty kiêm Chủ tịch Liên minh Phát triển Nguồn nhân lực số Việt Nam, cách làm video bài giảng thông thường mất tầm 1 tháng cho việc lên ý tưởng, quay, dựng và làm hậu kỳ. Giờ đây thời gian này được rút xuống còn 7 ngày.
Hay việc tạo các eBook để thu hút khách hàng để lại thông tin, trước đây Công ty mất 1 tháng để tạo ra 1 cuốn thì nay có thể tạo ra 3 cuốn trong cùng thời gian. “Đối với lĩnh vực đào tạo bán hàng, thời gian học nhanh, dễ tiếp cận và đa dạng nội dung là điểm mấu chốt để cạnh tranh”, ông Wilson nói.
Nền tảng cho những yếu tố bất ngờ
Như đã đề cập trước đó, việc tích hợp A.I vào giáo dục vẫn đang được các công ty thực hành thận trọng và những tác động đầy đủ của nó đến người thụ hưởng giáo dục vẫn chưa được nhìn thấy rõ. 2024 được xem là năm quan trọng để các công ty EdTech chuẩn bị sản phẩm, tối ưu hoạt động cho các cuộc cạnh tranh trong thời gian tới khi mà dòng vốn huy động vào lĩnh vực này có thể không còn dễ dàng như trước kia.
Đó là chưa kể áp lực từ các đối thủ ngoại đã có như việc gia nhập thị trường Việt Nam thông qua việc đầu tư Mclass, EdTech trong lĩnh vực giáo dục phổ thông thành lập năm 2017 của Ruangguru (Indonesia). Ruangguru đã huy động được hơn 212 triệu USD và hiện cung cấp hơn 100 khóa học phục vụ nhóm học sinh phổ thông lớp 1 đến lớp 12 cho 40 triệu người sử dụng ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Với chỉ số EBITDA từ 10-12%, EdTech nào quản lý chi phí hiệu quả hơn và duy trì được khả năng gắn kết của người học sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, A.I đóng vai trò như thế nào khi mà việc sử dụng của bên thứ 3 (như Microsoft, Google hay Amazon) hoặc tự xây dựng đều tốn một khoản đầu tư không nhỏ của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, việc lựa chọn sai có thể khiến các EdTech khó xoay xở kịp.
Bà Bảo Trâm cho biết việc tối ưu chi phí và nâng cao năng suất nhân viên bằng A.I là điều không bàn cãi và Công ty hài lòng với mức đầu tư bỏ ra cho nó. A.I khó có thể thay thế hoàn toàn giáo viên đặc biệt như các môn học về kỹ năng. Tuy nhiên, công nghệ này sẽ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao vai trò của giáo viên. Thứ đến, A.I có thể giúp các EdTech tiến đến điểm hòa vốn nhanh hơn trước kia nhưng nó phụ thuộc rất lớn vào mô hình kinh doanh của công ty đó đã có hiệu quả, quy mô đủ lớn.
Trao đổi với NCĐT, ông Phan Thanh Giản, chuyên gia công nghệ, cho biết A.I là xu hướng mà nhiều công ty trong đó có EdTech sử dụng để gọi vốn trong thời gian qua. Cần nhìn nhận rằng chính các công ty A.I vẫn đang tìm lại thời điểm đỉnh cao huy động vốn vào năm 2021 (hơn 69 tỉ USD). Dòng vốn đang có xu hướng giảm từ năm 2022 (45,8 tỉ USD) đến nay (50 tỉ USD) bất chấp sự xuất hiện của A.I tạo sinh.
Sự sụt giảm do các công ty A.I đã không đạt được kỳ vọng về doanh thu trong mắt nhà đầu tư. Do đó, việc các EdTech sử dụng A.I cần thời gian để chứng minh. Trong bối cảnh đó, các A.I hẹp xử lý từng lĩnh vực sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn so với việc cung cấp các dịch vụ A.I tạo sinh hướng tới nhiều đối tượng. Cụ thể, các quy trình mang tính lặp lại, có khuôn khổ, có thể tính toán bằng công thức thì dùng A.I làm công cụ quản trị là rất tốt. Còn trong giáo dục, A.I sẽ là trợ thủ đắc lực cho những cá nhân có khả năng tự học tốt nhờ khả năng tìm kiếm thông tin của nó. “Ngược lại, khi số lượng người tự học chưa cao thì thầy cô vẫn đóng vai trò không thể thay thế. A.I chỉ giúp việc tổ chức tài liệu, soạn tài liệu nhanh hơn mà thôi”, ông Giản nói.
![]() |
Về mặt hiệu quả đầu tư, dấu ấn lớn nhất của A.I trong tất cả các ngành, kể cả EdTech thể hiện qua chi phí nhân sự. Tuy nhiên, ban điều hành cần phải chuẩn bị các tiêu chí trước khi áp dụng, lựa chọn bộ phận ứng dụng để cải thiện chi phí.
Ngoài áp dụng A.I vào quá trình tạo ra các khóa học thì khâu tiếp thị, chăm sóc khách hàng cũng là hoạt động nên cân nhắc ứng dụng công nghệ này vì có thể tiết kiệm được chi phí vận hành. “Đầu tư con người ứng dụng A.I phạm vi hẹp, tập trung vào các công cụ A.I như một dịch vụ để tối ưu chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường là một chiến lược phù hợp trong bối cảnh A.I trong EdTech vẫn còn khá mới như hiện nay”, ông Giản nhận định.
Vì vậy, đại diện của Galaxy Education cho rằng, cùng với A.I, tất cả các yếu tố như hạ tầng công nghệ và các đường hướng chiến lược về chuyển đổi số quốc gia đang trở thành những động lực mới cho sự phát triển sản phẩm EdTech ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những động lực kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình đầu tư vào thị trường này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư