Công Nghệ

Tầm nhìn chính sách A.I cho Việt Nam

Hải Vân Thứ Hai | 22/07/2024 10:21

Ảnh: KHCN

Google muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng một tương lai dựa trên A.I, mang lại lợi ích cho mọi người dân.
Ảnh: KHCN

Việt Nam đang có động lực để theo đuổi lợi thế cạnh tranh trong A.I, một công nghệ chủ chốt trong thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số Việt Nam trong năm 2024, nhóm nghiên cứu của Goole nhận định trong báo cáo mới nhất, phát hành hôm 17/7.

3 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược này kết hợp cùng Luật Công nghệ cao 2008 đã trở thành khung pháp lý giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (A.I) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, và A.I có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho Việt Nam. Tuy nhiên, những lợi ích này không đạt được một cách tự nhiên.

Từ các bài học rút ra trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu của Google tại khu vực Đông Nam Á, kiến nghị sáu chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam nên xem xét để đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực A.I có thể biến ý tưởng và dữ liệu thành những phát hiện, sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ nhất, do tính chất xuyên biên giới của quản trị A.I, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các luật và quy định về A.I trong nước phù hợp với các khung A.I trong khu vực và toàn cầu, như Hướng dẫn ASEAN về quản trị và đạo đức A.I, hay các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế về A.I.

 

Thứ 2, dữ liệu mở và các luồng dữ liệu xuyên biên giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác dữ liệu cần thiết cho hoạt động nghiên cứu và phát triển A.I tại Việt Nam, cũng như cung cấp các dịch vụ A.I, giúp cải thiện hiệu suất và độ chính xác của các hệ thống A.I.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các luồng dữ liệu xuyên biên giới đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), giúp họ tiếp cận một cách hiệu quả kiến thức và thông tin quan trọng để cạnh tranh với các tổ chức lớn hơn.

Thứ 3, như một nguyên tắc chung, do tính chất giao thoa của A.I với các lĩnh vực khác nhau, điều quan trọng là các chính phủ cần tránh tiếp cận đơn lẻ trong việc quy định A.I, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, y tế và thực thi pháp luật.

Thứ 4, việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro trong quản lý A.I đặc biệt là đối với các ứng dụng cuối cùng, là rất quan trọng, giúp các đơn vị phát triển, bên triển khai và cơ quan quản lý hiểu rõ mục đích sử dụng khuyến khích sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến A.I.

Phương pháp này cũng giúp các cơ quan quản lý xác định các bên (nhà lập trình, bên triển khai hoặc người dùng) có nguy cơ cao nhất để ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của công nghệ A.I và từ đó chịu trách nhiệm tương ứng.

Thứ 5, một khung pháp lý bản quyền hỗ trợ đổi mới và tích lũy sáng tạo, đóng vai trò quan trọng để dự báo khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực A.I của một quốc gia. Do đó, chính phủ cần cho phép người dùng, nhà khoa học, nhà đổi mới, nhà nghiên cứu và nhà sáng tạo nội dung được tham gia đầy đủ trong quá trình hoạch định chính sách.

Tại khu vực ASEAN, Singapore đã cập nhật Đạo luật Bản quyền vào năm 2021 để thêm một ngoại lệ cho phân tích dữ liệu tính toán, hỗ trợ mục tiêu quốc gia về A.I của Singapore bằng cách cung cấp sự bảo đảm pháp lý cho các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và các công ty A.I.

Thứ 6, chính phủ nên khuyến khích việc tích hợp các nguyên tắc bảo mật và quyền riêng tư ngay từ giai đoạn thiết kế để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, giúp người dùng được thông báo và có quyền kiểm soát phù hợp liên quan đến dữ liệu cá nhân của họ, và đảm bảo rằng các kết quả đầu ra của hệ thống A.I bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân.

Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ 2 luồng hành động pháp lý chính: Bảm bảo các khung pháp lý cơ bản, như khung pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sáng tạo dựa trên A.I. Và xây dựng những quy định phù hợp nhằm quản lý các công cụ A.I sau khi chúng được phát triển.

Cho nên, việc xây dựng các khung chính sách A.I cân bằng giữa việc đảm bảo an toàn, bảo mật và thúc đẩy sáng tạo là vô cùng quan trọng trong việc khai thác tiềm năng của công nghệ A.I, phục vụ xã hội Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế một cách nhanh chóng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày