Công Nghệ

UAV Việt Nam cất cánh

Cẩm Tú Chủ Nhật | 23/02/2025 08:00

Tuy nhiên, sản phẩm trên trong tương lai sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ hay các quốc gia cho rằng đó là sản phẩm nhạy cảm và cần kiểm soát. Ảnh: daibieunhandan.vn

Ngành công nghiệp hàng không không người lái đang là một trong những ngành công nghiệp mới nổi phát triển nhanh nhất và tiềm năng nhất.
Tuy nhiên, sản phẩm trên trong tương lai sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ hay các quốc gia cho rằng đó là sản phẩm nhạy cảm và cần kiểm soát. Ảnh: daibieunhandan.vn

Thiết bị bay không người lái (UAV) mở ra nhiều dịch vụ kinh doanh mới đầy tiềm năng và hoạt động sản xuất UAV tại Việt Nam cũng bắt đầu đem lại những giá trị hấp dẫn.

Từ năm 2023, khi bắt đầu sử dụng UAV kết hợp A.I (trí tuệ nhân tạo), Công ty Điện lực Quảng Trị tiết kiệm được khoảng 25 tỉ đồng/năm cho hoạt động giám sát an toàn lưới điện.

Doanh nghiệp lớn nhập cuộc

Những ứng dụng như vậy giúp thị trường UAV tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ khi phạm vi ứng dụng được mở rộng nhanh chóng. Mới đây, một tập đoàn khách sạn 5 sao rầm rộ ra mắt dịch vụ tổ chức lễ cầu hôn kết hợp với trình diễn ánh sáng drone. Đại diện tập đoàn này cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng tại cả thị trường trong nước và nước ngoài cho dịch vụ cầu hôn bằng drone, đặc biệt có cả đặt hàng từ một số gia đình siêu giàu tại Ấn Độ.

Có quy mô khoảng 40 tỉ USD trên toàn cầu và ước tính từ 300-500 triệu USD ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình xấp xỉ 14%/năm, ngành công nghiệp hàng không không người lái đang là một trong những ngành công nghiệp mới nổi phát triển nhanh nhất và tiềm năng nhất. Sản xuất UAV cũng trở thành một chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực công nghệ, khả năng đổi mới và trình độ sản xuất công nghệ cao của quốc gia.

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam mới đây, Viettel High Tech giới thiệu một số sản phẩm UAV do công ty này làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế tạo trong nước 100%. Trong khi đó, CT UAV (một thành viên của CT Group), giới thiệu mô hình 1:6 của nguyên mẫu chiếc UAV điện chở khách mang tên CT-2W1. Với tốc độ tối đa 200 km/h, khả năng chở 5 người và thời gian bay liên tục lên đến 2 giờ, CT-2W1 được kỳ vọng sẽ là bước nhảy vọt trong giao thông đô thị. Ngoài ra, theo ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group, CT UAV hướng tới sử dụng cho việc chở người, ứng dụng trong các lĩnh vực như hậu cần viễn thông, quảng cáo; tín chỉ carbon...

Mới đây, trong một hội thảo có chủ đề về xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho rằng Việt Nam có cơ hội sản xuất UAV hạng nhẹ, hay còn gọi là drone tầm gần để xuất khẩu sang Mỹ. Theo ông Thành, trên thế giới chưa có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này và Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu với 80% sản lượng.

Gia tăng phát minh và thiết kế riêng  

Tuy nhiên, sản phẩm trên trong tương lai sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ hay các quốc gia cho rằng đó là sản phẩm nhạy cảm và cần kiểm soát. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam. Với rào cản ngành không quá lớn, nhiều doanh nghiệp và kỹ sư Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. “Doanh nghiệp Việt Nam có thể vừa sản xuất và nhận đơn hàng sản xuất từ nước ngoài”, ông Vũ Tú Thành nhận định.

Hoạt động sản xuất UAV cỡ nhỏ tại Việt Nam chỉ mới ở bước đầu nhưng có nhiều tín hiệu khả quan. Năm 2019 khi mới được thành lập, công ty sản xuất drone nông nghiệp MiSmart gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các linh kiện. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, công ty này đã cung cấp được 100 sản phẩm ra thị trường trong nước và nhận được các đơn hàng thiết kế riêng cho các vùng chuyên canh. Đến nay, MiSmart đã làm chủ được việc sản xuất bộ phận cơ khí, khung carbon và phần mềm của drone, doanh nghiệp này cũng nghiên cứu sản xuất pin tại Việt Nam.

Một ví dụ khác là drone Hera, phát minh 100% của người Việt được cấp 2 bằng sáng chế của Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Mỹ và xuất khẩu thành công sang Bắc Mỹ. RtR, công ty đầu tiên xuất khẩu Hera, sản phẩm drone 100% “made in Vietnam”, cũng đang tiến tới ký hợp đồng để xuất khẩu Hera sang Israel. Doanh nghiệp có 60 kỹ sư và năng lực sản xuất 1.000 chiếc drone mỗi năm này đang nuôi tham vọng trở thành công ty chế tạo drone chuyên dụng có quy mô Top đầu thế giới.

Ông Lương Việt Quốc, CEO Công ty RtR, cho rằng bên cạnh việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, việc nỗ lực tự chế tạo để có được phát minh và thiết kế của mình cũng là điều doanh nghiệp Việt nên hướng đến. Bởi vì, trong cấu thành giá bán của một sản phẩm công nghệ thì phát minh và thiết kế chiếm đến 60%, nên ngay cả khi nội địa hóa được 100% một dòng sản phẩm gia công nào đó, doanh nghiệp vẫn chỉ thu về được khoảng 30% giá trị sản phẩm.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực UAV nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn từ các ngành công nghiệp trong nước. Đây cũng là một trong những lý do khiến các doanh nhân như ông Lương Việt Quốc tin tưởng rằng trong nước sẽ sớm có thêm những doanh nghiệp thành công trong việc sản xuất UAV 100% “made in Vietnam”. Điều quan trọng hơn, với chi phí gia nhập ngành không quá lớn và với lực lượng kỹ sư trong nước ngày càng chất lượng, chế tạo UAV là một con đường mang lại cơ hội thành công trong việc tạo giá trị thông qua phát minh và sáng chế, thay vì cạnh tranh bằng phiên bản công nghệ giá rẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày