Doanh Nhân

Masdar: Thành phố không carbon

Thứ Hai | 29/03/2010 13:06

Không chỉ nổi tiếng với các mỏ dầu và bờ biển dài cát trắng, Abu Dhabi sẽ tiếp tục là tâm điểm của thế giới với dự án độc nhất vô nhị: Ốc đảo xanh giữa lòng sa mạc.

Thành phố Masdar, một dự án đặc biệt sẽ xuất hiện ở Abu Dhabi (một quốc gia thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) có thiết kế rộng khoảng 6 km2 với sức chứa 40.000 dân khi hoàn thành trong thập niên tới.

Theo thiết kế, năng lượng cung cấp cho thành phố này hoàn toàn đến từ các nguồn có thể tái tạo được. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế và chuyển hóa năng lượng cũng được tận dụng triệt để nhằm giảm lượng rác thải xuống mức gần bằng không, lượng carbon và khí thải công nghiệp thải ra thì hầu như không đáng kể. Sẽ không còn bóng dáng xe ôtô, thay vào đó là các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng mặt trời, chở được 6 người với 1.500 trạm dừng dưới lòng đất. Các công viên và khu thương mại được thiết kế theo mô hình khu vườn Ả Rập truyền thống ngập tràn màu xanh, khuyến khích người dân đi bộ. Những lối đi nhỏ giữa các tòa nhà được tận dụng để tranh thủ bóng râm và giảm nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.

Sự ra đời của thành phố Masdar không chỉ mang đến màu xanh cho vùng sa mạc khô cằn bao quanh, nó còn hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo trong khu vực luôn thiếu hụt nguồn nhân tài này (đặc biệt là trong các ngành khoa học). Có thể đây sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới được phong tặng danh hiệu “thành phố không carbon”.

Dự án Masdar là một phần của Công ty Sáng kiến Masdar, gồm một đơn vị quản lý carbon với nỗ lực cắt giảm các loại khí nhà kính, một đơn vị phát triển và vận hành các dịch vụ liên quan đến năng lượng tái tạo, một công ty quản lý tài sản chuyên đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch. Một viện đại học mang tên Học viện Khoa học Kỹ thuật Masdar cũng sẽ được xây dựng.

Sáng kiến Masdar là công ty con của Mubadala Development, công ty chuyên về đầu tư của Chính quyền Abu Dhabi. Năm 2008, Abu Dhabi đã phân bố cho dự án Sáng kiến Masdar 15 tỉ USD. Tháng 7.2009, Abu Dhabi đã giành được quyền tài trợ xây dựng trụ sở của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế tại thành phố Masdar. Nhìn chung, qua nhiều nỗ lực, chính quyền Abu Dhabi cho thấy cam kết của mình trong việc phát triển năng lượng tái tạo và duy trì vị thế “cánh chim đầu đàn” trong ngành năng lượng thế giới. Nhất là khi năng lượng hóa thạch, nguồn thu chính của nước này từ trước đến nay, đang cạn kiệt.

Trong một bài phỏng vấn ngắn trên Strategy & Business, ông Sultan Ahmed Al Jaber, CEO của Công ty Sáng kiến Masdar, đã chia sẻ tầm nhìn về tương lai của năng lượng sạch thể hiện qua thành phố mới này.

Điều gì thúc đẩy sự ra đời của Công ty Sáng kiến Masdar?

Việc thành lập Sáng kiến Masdar năm 2006 là nhờ vào nỗ lực của cố quốc vương Zayed bin Sultan Al Nahyan, một kiến trúc sư tài ba, một nhà môi trường học đi trước thời đại. Chẳng hạn, năm 1978, ông đã ban hành lệnh cấm đốt bỏ khí thừa ở các giàn khoan trong khi mãi đến năm 2002, lệnh cấm này mới được Ngân hàng Thế giới ban bố.

Chúng tôi đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động của nền kinh tế Abu Dhabi bởi chúng tôi hiểu rằng, dầu mỏ và khí tự nhiên không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Xây dựng một khu vực kinh tế dành cho năng lượng tái tạo sẽ giúp chúng tôi tận dụng được nguồn lực tài chính mạnh và hiểu biết của mình về lĩnh vực năng lượng, đồng thời thể hiện lòng tôn kính đối với tầm nhìn của Quốc vương để phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Trước khi thành lập Masdar, chúng tôi đã mất 4 tháng nghiên cứu thực tế trên khắp thế giới, bắt đầu từ châu Âu đến Mỹ, Canada, Nam Mỹ, châu Á và Bắc Phi. Tôi tham gia chuyến đi với suy nghĩ rằng, ngành năng lượng tái tạo còn non trẻ nhưng thực tế không phải vậy. Ngành này đã chín muồi, chỉ có điều người ta phát triển nó một cách manh mún. Các nhà nghiên cứu, doanh nhân, chủ ngân hàng, nhà làm luật và quan chức ở các nước đều chưa có tiếng nói đồng thuận về vấn đề này.

Và chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở đó. Chúng tôi sẽ là quốc gia đầu tiên phát triển sáng kiến bao gồm cả một chuỗi giá trị: Từ nghiên cứu, phát triển con người, thu hút tài trợ vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm và trực tiếp, đến thi công và triển khai trên quy mô lớn. Chúng tôi muốn biến Abu Dhabi thành cái nôi của năng lượng tái tạo.

Liệu tình trạng thiếu hụt tài năng ở UAE, nhất là trong các môn khoa học, có cản trở những mục tiêu nói trên?

Abu Dhabi hiện là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ công nghệ. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các năng lực và cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm đưa Abu Dhabi trở thành nhà phát triển và xuất khẩu công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi xây dựng Học viện Khoa học Kỹ thuật Masdar, tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) trong việc tuyển dụng nhân sự quản lý và giảng viên cho các khoa, thiết kế chương trình học và phát triển một số dự án nghiên cứu liên kết. Tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào của chúng tôi cũng tương tự như MIT. Khóa học đầu tiên đã bắt đầu từ tháng 9.2009 với 88 thí sinh được tuyển từ hơn 1.200 đơn đăng ký. Chúng tôi cũng hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới để đảm bảo sinh viên của mình trong quá trình học sẽ được giao lưu và tiếp cận nhiều phương pháp học tập khác nhau. Quan trọng hơn cả là chúng tôi tiếp tục tìm cách thu hút và giữ chân nhân tài cả trong và ngoài nước.

 

Masdar sẽ giúp khu vực hội nhập sâu hơn vào nỗ lực hướng tới phát triển bền vững trên toàn cầu?

Đúng thế! Để giải quyết khó khăn chung đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu. Những quốc gia đang phát triển phải tham gia vào quá trình ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng việc sử dụng năng lượng tái tạo. Các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm lớn hơn bởi họ góp phần nhiều nhất làm biến đổi khí hậu. Giải pháp tốt nhất là thương mại hóa những công nghệ năng lượng sạch (như công nghệ thu giữ carbon) để mọi đối tượng có thể tiếp cận và áp dụng.

Điều gì làm ông nghĩ thế giới ngày nay đã sẵn sàng cho những dự án phát triển bền vững với quy mô lớn như thế?

Trong cuộc họp của Liên hiệp Quốc mùa thu vừa rồi, chính vị Tổng Thư ký đã lên tiếng kêu gọi các nước hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đang nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và bắt đầu tìm thấy tiếng nói chung để cùng hành động.

(Theo Strategy-business.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày