Tài Chính

P2P đã vào sandbox

Trực Thanh Thứ Hai | 12/05/2025 08:32

Hiện tại, rào cản lớn nhất đối với cho vay tiêu dùng, ngoài vấn đề sức cầu, chính là khả năng thu hồi nợ. Ảnh: Shutterstock.com

Đưa một thị trường có tiềm năng bùng nổ vào khuôn khổ nhằm thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực tài chính.
Hiện tại, rào cản lớn nhất đối với cho vay tiêu dùng, ngoài vấn đề sức cầu, chính là khả năng thu hồi nợ. Ảnh: Shutterstock.com

Từ ngày 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở. Đây là cơ chế được thị trường chờ đợi từ rất lâu cùng với sự bùng nổ của thị trường cho vay tiêu dùng thông qua nhiều hình thức.

Trong đó, cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Hiện có 4 mô hình P2P khác nhau: công ty ứng dụng công nghệ kết nối người đi vay và cho vay qua App; công ty kết nối và thẩm định khả năng trả nợ của người vay để thông báo cho người cho vay; công ty kết nối, đề xuất lãi suất cho vay, tư vấn quản lý rủi ro, pháp lý thu hồi nợ; và cuối cùng là công ty huy động vốn của người dân rồi cho vay lại, hoạt động như một ngân hàng.

 

Theo Statista, quy mô thị trường cho vay P2P toàn cầu được tính toán đạt 176,5 tỉ USD vào năm 2025 và dự kiến lên tới 1.381 tỉ USD vào năm 2034, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 25,73% trong cùng giai đoạn. Thị trường P2P tại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đạt 214 tỉ USD vào năm 2030, với CAGR trung bình 27,5% trong 6 năm tới. Thị trường chiếm 30% doanh thu toàn cầu vào năm 2023, cho thấy vị thế vững chắc của thị trường này.

Sự bùng nổ của mô hình P2P được sự hỗ trợ từ tỉ lệ thâm nhập internet và điện thoại di động tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bản chất trực tuyến của các nền tảng P2P, giúp giảm chi phí và tăng phạm vi tiếp cận. Số người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn lớn. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp ngày càng tìm đến mô hình vay ngang hàng là một giải pháp thay thế khả thi cho những rào cản từ ngân hàng.

Vì thế, P2P tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, có thời điểm lên tới 200 công ty với những cái tên như Tima, Vaymuon.vn, Lendbiz,  Fiin, Trust Circle... Trên thị trường đã có những công ty kinh doanh theo mô hình P2P xử lý vài ngàn hồ sơ vay mỗi ngày, tổng dư nợ có quy mô ngang bằng một ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các loại hình cho vay qua App bùng phát với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp... Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending thiếu minh bạch, chưa có cơ chế giám sát nên có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên. Mặt khác, nhiều ứng dụng núp bóng để trở thành tín dụng đen biến tướng...

 

Vì vậy, việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với fintech cho vay ngang hàng là cần thiết. FiinGroup đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc với hơn 40% GDP, Hong Kong với hơn 20%... “Tại các nước phát triển, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhận xét.

Theo nghiên cứu của World Bank, chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm hơn 68% GDP của Việt Nam. Con số này cho thấy vai trò quan trọng của tiêu dùng cá nhân trong tăng trưởng quốc gia. Khoản chi tiêu từ nguồn vốn vay không chỉ giúp người vay cải thiện cuộc sống, mà còn tạo ra cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán hàng, tăng sản xuất, tạo việc làm, đóng góp vào GDP.

Công ty Chứng khoán MB dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Có thể thấy, mô hình P2P sẽ góp phần khiến thị trường vay mượn sôi động hơn khi có thể huy động nguồn vốn từ người dân. Mặt khác, đây là kênh đầu tư cho nhiều người dân có tiền và có nhu cầu đầu tư nếu mọi thứ được an toàn, minh bạch, sinh lời và hợp pháp. Mô hình này cũng thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực tài chính khi tạo áp lực cạnh tranh và khuyến khích các tổ chức tài chính truyền thống cải thiện dịch vụ.

Hiện tại, rào cản lớn nhất đối với cho vay tiêu dùng, ngoài vấn đề sức cầu, chính là khả năng thu hồi nợ. Đây là kinh nghiệm từ các thị trường P2P trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt sau cú sập của mô hình P2P tại Trung Quốc với số nợ xấu, theo Bloomberg, ước tính lên tới 192 tỉ USD.

Với bài học này, Indonesia, hiện là thị trường P2P lending lớn nhất Đông Nam Á với giá trị 5,2 tỉ USD năm 2024, áp dụng các biện pháp công nghệ và tài chính để quản lý rủi ro. Các nền tảng như Investree và Amartha sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu phi truyền thống, như giao dịch ví điện tử hoặc hóa đơn tiện ích, nhằm đánh giá khả năng trả nợ. Phương pháp này giảm tỉ lệ vỡ nợ từ 5% năm 2020 xuống 3-4% năm 2024. 

Có thể bạn quan tâm 

Thế hệ 3 không, 1 có


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày