Những tỉ phú giàu nhất nước Mỹ thường học chuyên ngành nào?
Các tỉ phú (từ trái sang phải): Steve Cohen, Mark Cuban và Jeff Bezos. Ảnh: Bloomberg.
Theo Forbes, gần một nửa những người nằm trong danh sách giàu nhất nước Mỹ từng theo học một trong 3 chuyên ngành kinh doanh, kinh tế và kỹ thuật. Bất chấp sự phát triển của công nghệ, khoa học máy tính lại không nằm trong top 3 ngành học hàng đầu.
Khi đang học trung học cơ sở, vì không được phép tham gia lớp học kinh tế cho học sinh trung học nên tỉ phú Mark Cuban - chủ sở hữu của đội bóng Dallas Mavericks - đã quyết định tham gia các lớp học ban đêm tại Đại học Pittsburgh. Vị tỉ phú này sau đó quyết định bỏ học năm cuối cấp 3 và đăng ký vào Đại học Pittsburgh trước khi chuyển sang học chuyên ngành tài chính tại Đại học India.
Trong thời gian theo học ở Đại học Indiana, Mark Cuban đã “dự thính” các lớp MBA khi mới chỉ là sinh viên năm nhất, cho đến khi trường học phát hiện ra rằng Mark Cuban mới chỉ 18 tuổi và chưa bao giờ đăng ký tham gia các lớp học này. Cuối cùng, vị tỉ phú sinh năm 1958 đã tốt nghiệp với bằng kinh doanh tổng hợp.
Ông Mark Cuban là một trong những tỉ phú trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ Forbes 400 từng theo học chuyên ngành kinh doanh khi còn là sinh viên đại học. Các tỉ phú như huyền thoại đầu tư Warren Buffett, Marc Benioff của Salesforce và người thừa kế Walmart Jim Walton cũng đều từng theo học chuyên ngành kinh doanh.
Điều này khiến cho tấm bằng kinh doanh trở thành bằng đại học phổ biến nhất mà các thành viên trong danh sách Forbes 400 từng theo học. Kế tiếp đó là chuyên ngành kinh tế và kỹ thuật.
Thống kê cho thấy 58 thành viên Forbes 400 từng theo học chuyên ngành kinh tế. Những người giàu có nhất từng sở hữu tấm bằng này bao gồm nhà đầu tư kiêm ông chủ đội bóng chày New York Mets Steve Cohen (Đại học Pennsylvania), cặp song sinh tỉ phú Bitcoin Cameron và Tyler Winklevoss (Đại học Harvard) và nhà sáng lập công ty môi giới cùng tên Charles Schwab (Đại học Stanford).
Trong khi đó, 55 thành viên Forbes 400 sở hữu tấm bằng chuyên ngành kỹ thuật. Danh sách này bao gồm những cái tên như cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, cựu CEO Google Eric Schmidt. Tỉ phú Jeff Bezos của Amazon, người đứng đầu danh sách năm nay, đã theo học cả chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính.
Tỉ phú Warren Buffett và Bill Gates là những người bạn và là những người thúc đẩy hoạt động từ thiện. Ảnh: CNBC. |
Nhìn chung, gần một nửa trong số 400 thành viên của Forbes đã có bằng cử nhân chỉ trong 3 lĩnh vực trên.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới quyết định lựa chọn những ngành học này và rất nhiều trong số đó là vì lý do cá nhân.
Nhà đồng sáng lập Square Jim McKelvey ban đầu chọn ngành kinh tế vì cha ông nói với ông rằng các kỹ sư dành quá nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm và điều đó khiến ông Jim McKelvey cảm thấy đơn độc. Thế nhưng quyết định này cũng góp phần không nhỏ cho những thành công của ông sau này.
“Một vài khái niệm cơ bản trong kinh tế học rất hữu ích cho hoạt động kinh doanh", tỉ phú McKelvey cho hay. Ông Jim McKelvey hiện là thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis.
Nhưng kinh tế là không đủ đối với một người tham vọng như tỉ phú McKelvey. Sau này, ông đã từng có ý định theo học thêm chuyên ngành kỹ thuật với lý do “những đứa trẻ thông minh nhất đều là kỹ sư”, dù ban đầu không muốn học chuyên ngành này vì nguyên nhân gia đình. Cuối cùng, tỉ phú McKelvey đã nhận tấm bằng cử nhân thứ hai chuyên ngành khoa học máy tính – chuyên ngành phổ biến thứ 6 và là sự lựa chọn của 17 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ, bao gồm cả nhà sáng lập eBay Pierre Omidyar.
Nhà sáng lập công ty trả lương trực tuyến Paylocity Steven Sarowitz cũng có lý do riêng để theo học chuyên ngành kinh tế. Vị tỉ phú này “chọn chuyên ngành kinh tế học vì anh ấy đã trượt ngành kỹ thuật điện”, song khẳng định “kinh tế học rất phù hợp với Steve vì anh ấy có óc tập trung vào toán học và lý thuyết".
Các học giả được Forbes tư vấn không ngạc nhiên khi thấy chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính xếp hạng cao như vậy trong hồ sơ học bạ của những người giàu nhất nước Mỹ.
“Nếu nhìn vào khoảng thời gian 20 năm qua, có thể thấy công nghệ thông tin và các ngành liên quan đã góp phần rất lớn cho tăng trưởng kinh tế", Giám đốc chương trình Quản lý, Doanh nhân & Công nghệ Saikat Chaudhuri thuộc Đại học California cho biết.
Ông Saikat Chaudhuri nhận định: “Do đó, không bất ngờ khi thấy những người theo học chuyên ngành khoa học máy tính và tạo ra các công ty công nghệ như Facebook và Google, hoặc thậm chí dấn thân vào lĩnh vực tài chính thông qua các công ty đầu tư mạo hiểm hoặc ngân hàng, đều đạt được nhiều thành công".
Ngoài top 3 chuyên ngành phổ biến nhất là kinh doanh, kinh tế hoặc kỹ thuật, thì số thành viên còn lại của Forbes 400 đã theo học các chuyên ngành khác.
Bằng cử nhân thậm chí không phải là yêu cầu bắt buộc để được lọt vào Forbes 400. 19 thành viên trong danh sách chưa từng học đại học, bao gồm cả người đồng sáng lập Mailchimp Dan Kurzius, trước đây là DJ bán thời gian kiêm vận động viên trượt ván. 37 người khác đã bỏ học trước khi tốt nghiệp để bắt đầu hành trình kinh doanh của mình, trong đó có 4 cái tên thuộc danh sách 20 người đứng đầu Forbes 400 là Mark Zuckerberg của Facebook, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Larry Ellison của Oracle, cùng với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dell Technologies, Michael Dell.
Với những người đã từng theo học nhiều chuyên ngành khác nhau, ngoài kiến thức chuyên môn, có một điểm chung hợp nhất những gì họ học được để theo đuổi và đạt được thành công đó là sự tự tin.
Có thể bạn quan tâm:
Giải Nobel kinh tế thuộc về ba người tìm ra thí nghiệm trong cuộc sống thực
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư