Kiều bào

Lượng kiều hối giai đoạn 1993-2022 sánh ngang lượng vốn FDI giải ngân

Cẩm Tú Thứ Năm | 28/12/2023 17:09

Ảnh: T.L

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD.
Ảnh: T.L

Nhiều thông tin đáng chú ý được công bố tại Hội nghị "Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp", do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức.

 

Hội nghị ngày hôm nay là sự tiếp nối loạt sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối mà Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã tổ chức trong những năm vừa qua, nhằm gia tăng sự gắn kết giữa kiều bào với trong nước; tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững nhằm khuyến khích kiều bào tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 5%/năm. Kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển.

Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12%, tương đương khoảng 600 nghìn người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng...

Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000-150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước khi trở về với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.

Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Australia… hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Theo thống kê đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.

Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như nghị sĩ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố. Số người Việt Nam/gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Năm 2022, lượng kiều hối đạt 19 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Ước tính năm 2023, chỉ tính riêng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong 11 tháng đạt gần 9 tỉ USD, tăng hơn 35% so với năm 2022.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày