Người Việt bốn phương (số 627)
Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Pháp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Theo Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện và có biện pháp hỗ trợ để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, hội nhập sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà nước đã có những chính sách thông thoáng, tạo điều kiện nhiều hơn cho bà con liên quan đến quốc tịch, miễn thị thực, sở hữu nhà ở, đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, trong số các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu phải kể đến việc nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước nổi tiếng, từ thời các trí thức thế hệ thứ nhất từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở Pháp theo lời kêu gọi của Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến, như Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Kỹ sư Võ Quý Huân, Giáo sư - Bác sĩ Trần Hữu Tước, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên... Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Hội người Việt Nam tại Pháp vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng, củng cố, phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VGLF Kết nối dựa trên tri thức, sáng tạo và trí tuệ
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) tại Pháp đã bàn về câu chuyện nâng tầm thương hiệu Việt. Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Lân Trung, đã đại diện Hội tham dự diễn đàn này. Diễn đàn, với 7 phiên làm việc về hơn 10 nội dung: Định hình tầm vóc quốc gia; Vai trò của mạng lưới nhân tài toàn cầu trong phát triển quốc gia và xây dựng thương hiệu quốc gia; Thương hiệu quốc gia: từ văn hóa, giáo dục đến con người, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp và các ngành thủ công truyền thống, số hóa, du lịch thông minh... Đây là những vấn đề mang tính chiến lược đối với một quốc gia đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững như Việt Nam.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global), sự kết nối dựa trên tri thức, sáng tạo và trí tuệ tập thể sẽ là chìa khóa đưa đến những cộng hưởng nguồn lực vô tận. VGLF thể hiện khát vọng của những người tổ chức, khách mời và đại biểu tham dự trong việc huy động nguồn lực người Việt ở khắp nơi trên thế giới để đóng góp vào sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. Diễn đàn là khởi đầu của chiến lược thu hút nhân tài, xây dựng nguồn lực cần thiết cho Việt Nam trong nền kinh tế tri thức. Trọng tâm trong thời gian tới là đưa mạng lưới vận hành trên những chương trình, dự án thiết thực.
6 nhóm vấn đề hội nhập của người Việt tại Nga
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Ivan Melnikov vừa có buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Ngô Đức Mạnh và lãnh đạo các hội người Việt tại Nga để bàn về vấn đề điều kiện hội nhập của người Việt đang sinh sống tại Liên bang Nga.
Theo Đại sứ Mạnh, những khó khăn người Việt ở Nga gặp phải chủ yếu phát sinh trong quá trình sinh sống. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên nhiều bà con vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình hội nhập và chưa phát huy hết vai trò của mình. Những khó khăn mà phần lớn bà con gặp phải là về kỹ năng mềm (ngôn ngữ, hiểu biết pháp luật...), thể chế (quy định, thủ tục định cư, nhập cư), tác động từ bối cảnh kinh tế - xã hội chung ở Nga. Đại sứ chia những khó khăn này thành 6 nhóm vấn đề (gồm nhập cảnh, học tập, du lịch, sản xuất kinh doanh, lao động, cư trú) và hy vọng lãnh đạo Duma Quốc gia Nga, cùng các bộ, ngành liên quan cùng nhau thảo luận tìm giải pháp, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt yên tâm sinh sống và hội nhập.
Ông Melnikov đánh giá cao những đề xuất từ phía lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam và khẳng định sẽ chuyển giao cho các ủy ban liên quan trong Duma quốc gia làm việc với các bộ, ngành hữu quan cũng như với Đại sứ quán Việt Nam để tìm hướng giải quyết trên tinh thần hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Bộ Ngoại giao đang tiến hành các biện pháp đưa Đoàn Thị Hương về nước
Tại phiên xét xử đối với công dân Đoàn Thị Hương, Thẩm phán tòa Thượng thẩm Shah Alam của Malaysia đã tuyên án 3 năm 4 tháng tù đối với Đoàn Thị Hương liên quan đến vụ án một công dân Triều Tiên tên là Kim Chol bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur. Phía Malaysia đã xem xét và chấp nhận các biện hộ của Luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương, nên công tố viên đã thay đổi cáo trạng từ tội danh giết người thành gây thương tích.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, cho biết, các cơ quan hữu quan đã thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo việc xét xử công bằng, khách quan và Hương sớm được thả tự do. Bộ Ngoại giao đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiến hành các biện pháp cần thiết để đưa công dân Đoàn Thị Hương về nước an toàn.
Việt Nam - Chile: Ký thỏa thuận sửa Công viên Hồ Chí Minh tại Cerro Navia
Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn và Thị trưởng Cerro Navia, ông Mauro Tamayo Rozas vừa ký Thỏa thuận tu sửa công viên mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quận Cerro Navia của Chile.
Thị trưởng Cerro Navia khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tiến hành tu sửa công viên sau 50 năm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng cam kết chính quyền địa phương sẽ quan tâm, thúc đẩy để công trình hoàn thành vào dịp diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC Chile 2019 (tháng 11.2019) để đón các đoàn Việt Nam thăm Chile và dự Hội nghị; đồng thời gửi lời cám ơn tới Tập đoàn Geleximco của Việt Nam đã quyết định tài trợ dự án này.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư