Kiều bào

Trợ lực mới của ALOV

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 28/06/2024 06:30

Những năm qua Việt Nam đã có rất nhiều chính sách về đầu tư cũng như kêu gọi kiều bào đầu tư về nước. Ảnh: TL.

Các biện pháp của ALOV đang thúc đẩy mức độ quan tâm của người Việt ở nước ngoài đầu tư về nước.
Những năm qua Việt Nam đã có rất nhiều chính sách về đầu tư cũng như kêu gọi kiều bào đầu tư về nước. Ảnh: TL.

Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) mở rộng quy mô và cơ cấu lại một số trung tâm hoạt động không hiệu quả. Động thái này nhằm thúc đẩy xu hướng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nhân kiều bào. Một cộng đồng phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây là người Việt tại Nhật, với gần 5.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập tại xứ sở mặt trời mọc.

Những năm qua Việt Nam đã có rất nhiều chính sách về đầu tư cũng như kêu gọi kiều bào đầu tư về nước. Nhưng ở chiều ngược lại, xu hướng hiện nay đang phản ánh mức độ quan tâm của người Việt ở nước ngoài với kinh tế trong nước. Tính đến nay, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,72 tỉ USD.

Gần đây, những sửa đổi chính sách đã tạo tác động tích cực đến kiều bào trong đầu tư về nước. Tuy nhiên, trong quá trình người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, lo ngại về gánh nặng thủ tục hành chính vẫn chiếm tỉ lệ không nhỏ, theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Hòa, doanh nhân người Việt Nam tại Nhật. Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý, chậm trễ trong thủ tục phê duyệt, chi phí thời gian cho thủ tục hành chính còn khá lớn, gây cản trở hoặc đình trệ các dự án, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Hòa, kinh doanh tại Việt Nam gặp vướng mắc pháp lý và số lượng lớn các lần kiểm tra, kiểm định cũng như dai dẳng nguy cơ thiếu điện khiến các công ty khó xây dựng kế hoạch sản xuất và dự báo thời gian giao hàng. Ví dụ, sự thiếu nhất quán trong thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài đã trở thành gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Hiện tại, theo tính toán của nhiều doanh nhân Việt kiều, quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài mất khoảng 4-5 tháng, với nhiều thủ tục giấy tờ cũng như các yêu cầu công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự. Những khó khăn này đã gây nên khúc mắc, tốn kém về chi phí, thời gian của doanh nghiệp, chưa thật sự phát huy hiệu quả từ chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam hiện là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhân tài người Việt đang làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp củng cố quyết định trở về quê hương của người Việt Nam ở nước ngoài. Với xu hướng người Việt ở nước ngoài trở về trong thời gian tới, chắc chắn thị trường lao động tại Việt Nam sẽ trở nên sôi động.

Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, nguồn lực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài tập trung ở 3 lĩnh vực.

 

Thứ nhất là kinh tế. Đây là nguồn lực mang tính truyền thống và phổ biến. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, lượng kiều hối mà kiều bào gửi về trong nước đạt trên 206 tỉ USD, tương đương với lượng vốn FDI được giải ngân trong cùng thời kỳ. Lượng kiều hối này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ và duy trì an sinh xã hội.

Năm 2023, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối cả nước đạt mức trên 16 tỉ USD, tăng 32% so với năm 2022. Hoạt động đầu tư về nước của kiều bào đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động các địa phương có đầu tư.

Thứ 2 là tri thức. Cộng đồng nười Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 600.000 người, với hơn 10% có trình độ trên đại học, trong đó có nhiều nhà khoa học thành danh trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ. Nguồn lực này ngày càng phát triển do cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu sinh sống tại các quốc gia phát triển, có điều kiện tiếp cận với nền khoa học tiên tiến và trong độ tuổi thích hợp cho việc nắm bắt các công nghệ, xu thế phát triển mới của thế giới. Bên cạnh đó, lực lượng lao động người Việt Nam ở nước ngoài với kỹ năng, kinh nghiệm và tác phong công nghiệp được rèn luyện ở nước ngoài, sau khi về nước cũng được phát huy, đã và đang trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ 3 là văn hóa và kết nối, một nguồn lực mang tính bền vững, lâu dài. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng chính là những cầu nối văn hóa, giao lưu kinh tế, kết nối người Việt trong và ngoài nước, là nền tảng duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV, cho biết thời điểm này, ALOV tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy hợp tác với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, vận động doanh nhân kiều bào sử dụng tối đa nguồn lực về tài chính, ngôn ngữ và sự am hiểu thị trường, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới nhanh và hiệu quả.

Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài (INVESFOV) được ALOV đưa vào hoạt động năm 2024, nhằm tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là những khu vực có đông doanh nghiệp Việt kiều như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc hay ASEAN.

Đảm bảo cho các kế hoạch phát triển được xuyên suốt, ALOV một mặt giúp nghiên cứu, tham vấn xây dựng chính sách khuyến khích kiều bào đầu tư phát triển đất nước, mặt khác đảm bảo hoạt động đầu tư của người Việt Nam tại nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết. 

Có thể bạn quan tâm 

Ra mắt Hội Doanh nhân Việt Nam tại Angola


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày