Áp lực chi phí của sữa

Thời điểm hiện nay, thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của hàng trăm thương hiệu nội địa và quốc tế. Ảnh: TL
Cuộc chiến về giá và chi phí marketing tăng cao khiến áp lực duy trì thị phần của ngành sữa đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.Tổng doanh thu thuần quý I/2025 của 5 doanh nghiệp trong ngành sữa gồm Vinamilk, Hanoimilk, Công ty Sữa Quốc tế LOF (IDP), Công ty Giống bò sữa Mộc Châu và Công ty Đường Quảng Ngãi đạt hơn 17.800 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm tới gần 30% xuống còn 2.100 tỉ đồng.
Sức ép lợi nhuận
Chi phí bán hàng, marketing và giá nguyên liệu tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngành sữa suy giảm. Chẳng hạn, theo IDP, chi phí bán hàng tăng từ 307 tỉ đồng lên 512 tỉ đồng, khiến lợi nhuận bị co hẹp rõ rệt. Trong quý đầu năm 2025, tỉ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần của IDP lên tới 27,9%, tăng mạnh so với trung bình khoảng 19% cùng kỳ các năm trước.
“Trong ngành sữa, các công ty đều gia tăng hoạt động truyền thông và khuyến mãi kèm theo việc chạy đua sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều nhãn hàng có chung phân khúc sản phẩm”, lãnh đạo IDP đánh giá. Trong khi đó, chi phí vận hành, quảng cáo và nghiên cứu thị trường của Vinamilk tăng lên. Tỉ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần trong quý I của Vinamilk lên tới 24,5%, mức cao nhất trong nhiều năm.
![]() |
Khó khăn chung của cả ngành vẫn là đối mặt với áp lực sụt giảm doanh thu nội địa. Dù một số báo cáo chỉ ra sự phục hồi nhẹ trong năm 2024, tổng thể ngành sữa vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp, thậm chí giảm sút về giá trị. Đặc biệt, ngành sữa vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 60% nguyên liệu đầu vào). Điều này khiến chi phí sản xuất cao và giảm khả năng cạnh tranh so với sữa nhập khẩu.
Dữ liệu từ Global Dairy Trade cho thấy trong năm 2024, giá sữa bột nguyên chất (WMP) tăng 10-15%, sữa bột tách béo (SMP) tăng 2-5% so với năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng vào đầu năm 2025. Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Vinamilk, nguyên vật liệu chiếm tới 50%, khiến biên lợi nhuận gộp chịu tác động lớn từ biến động giá bột sữa nguyên liệu nhập khẩu.
Thời điểm hiện nay, thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của hàng trăm thương hiệu nội địa và quốc tế. Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%).
![]() |
Thêm một yếu tố nữa là sức ép gia tăng của sữa ngoại nhập. Chẳng hạn, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam đạt gần 451 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỉ đồng), tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến cuộc chiến về giá và chi phí marketing tăng cao, khiến áp lực duy trì thị phần đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Nhất là vào thời điểm ngành sữa nước cho thấy dấu hiệu bão hòa ở một số phân khúc.
Giai đoạn điều chỉnh
Bên cạnh đó, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng phân mảnh, không còn thống nhất. Khách hàng tìm kiếm sản phẩm chuyên biệt hơn như sữa hữu cơ, sữa không đường, sữa không lactose, sữa thực vật... Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm.
Chẳng hạn, trong quý I, với thị trường trong nước, Vinamilk đã tái cấu trúc hệ thống phân phối và kinh doanh, tung mới và tái tung gần 20 sản phẩm. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết sữa hạt, sữa chua uống men sống và sữa tươi Green Farm có tốc độ tăng trưởng rất tốt trong năm 2024. Công ty có kế hoạch khai thác phân khúc nhu cầu mới của nhóm người cao tuổi, phát triển giải pháp dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh, người cao tuổi...
Sau 3 tháng đầu năm với nhiều khó khăn và áp lực chi phí đè nặng lên biên lợi nhuận, ngành sữa được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong quý II/2025, đặc biệt với những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk. Bước sang năm 2026, báo cáo của Công ty Chứng khoán ACBS dự báo Vinamilk có thể phục hồi nhẹ với doanh thu thuần đạt 63.343 tỉ đồng (tăng 4,1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.474 tỉ đồng (tăng 4,9%).
Trong khi đó, IDP vừa thông qua kế hoạch mua lại 34,29% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hồ Toản trong kế hoạch mở rộng thị trường. Tuy nhiên, Công ty lập kế hoạch kinh doanh năm 2025 thận trọng với mục tiêu doanh thu ở mức 8.400-8.800 tỉ đồng, tương ứng tăng trưởng 10-14% so với thực hiện của năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ từ 360-440 tỉ đồng, giảm 50-59% so với năm ngoái.
Có thể thấy, ngành sữa về cơ bản đang trong giai đoạn điều chỉnh để vượt qua thách thức. “Tốc độ tăng trưởng của ngành sữa nước trong giai đoạn 2024-2029 dự kiến ở mức khá khiêm tốn do đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các lựa chọn thay thế như sữa thực vật”, Công ty Chứng khoán Phú Hưng phân tích. Euromonitor cũng dự báo, doanh số ngành sữa công thức sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR 0,8%/năm giai đoạn 2024-2029, phản ánh những khó khăn vẫn đang hiện hữu đối với ngành hàng này.
Có thể bạn quan tâm
Đối tác trong chuỗi giá trị truyền thông
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư