Kinh Doanh

Chủ tịch Sợi Thế Kỷ: Phòng vệ thương mại với hành vi chống bán phá giá sợi xơ dài là đúng đắn

Thứ Tư | 04/03/2015 10:14

Năm 2015 Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu gần 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 116 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, hiện nay có nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Maylaysia, Đài Loan...đang vào Việt Nam và bán phá giá loại sợi filament. Chúng tôi đã có trao đổi với ông Đặng Triệu Hòa – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ về vấn đề này.


Ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch kiêm TGĐ Sợi Thế Kỷ (ngoài cùng bên phải)

Thưa ông thời gian vừa qua Hiệp hội Bông sợi Việt nam vừa nhận được đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp hội viên về việc tiến hành thủ tục khởi kiện chống bán phá giá các mặt hàng sợi filament nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Ấn độ Trung Quốc với giá bán chỉ bằng 1/3 giá sản xuất tại Việt Nam. Việc bán phá giá này có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Sợi Thế Kỷ không và quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Đặng Triệu Hòa: Tôi nghĩ rằng kiến nghị của Hiệp hội Bông sợi lên Chính phủ và Bộ Công thương để thực hiện biện pháp phòng vệ thương mại đối với hành vi bán phá giá sợi xơ dài vào Việt Nam của các nhà sản xuất từ các nước Châu Á (đặc biệt là các nhà sản xuất ở Trung Quốc với khối lượng rất lớn) là hành động đúng đắn. Thực ra việc bán phá giá của các nhà sản xuất vào thị trường Việt Nam đã có từ nhiều năm qua và mức độ phá giá cũng như khối lượng ngày càng có xu hướng khốc liệt hơn.

Theo như số liệu qua các năm 2010 đến 2014 của Hiệp hội công bố thì chúng ta thấy rõ giá bán càng ngày càng thấp và khối lượng xuất khẩu sang VN ngày càng nhiều. Sở dĩ họ làm được như vậy vì họ có chính sách tài trợ xuất khẩu (thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách tiền tệ và hoàn thuế xuất khẩu) trong khi Chính phủ Việt Nam lại chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trước sự lấn át thị trường của họ.

Điều đáng nói là nếu so sánh về giá thành sản xuất thì giá thành của các doanh nghiệp Trung Quốc không rẻ hơn so với giá thành của các doanh nghiệp Việt Nam.

Do áp lực bán phá giá ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam (trong đó có Sợi Thế Kỷ) buộc phải tìm cách tăng cường xuất khẩu sang những thị trường cạnh tranh công bằng hơn để bù đắp sự sút giảm thị phần ở thị trường nội địa.

Nếu khối lượng bán phá giá tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như hiện nay thì trong tương lai gần sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng ngành của Việt Nam (nếu không có khả năng xuất khẩu) phải đối mặt với tình trạng không còn tiếp tục tồn tại được trước sự cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cạnh tranh nước ngoài bán phá giá vào thị trường Việt Nam.

Trên thế giới, các nước khác đều có chính sách bảo vệ ngành công nghiệp nguyên vật liệu trong nước họ để làm nền tảng phát triển cho dệt may. Hiện nay, các nước đã phát triển hơn Việt Nam như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan vẫn áp dụng thuế nhập khẩu đối với sợi xơ dài Polyester (mức thuế suất từ 4~8%).

Ngoài ra, một số nước như Đài Loan/Trung Quốc còn áp dụng cơ chế cấp hạn ngạch (quota) cho từng năm đồng thời doanh nghiệp phải xin giấy phép nhập khẩu cho từng lần nhập khẩu sợi vào trong nước họ để đảm bảo tổng lượng hàng nhập trong năm không được vượt quá hạn ngạch.

Hoặc một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu vào nước họ (ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá 0.35USD/kg, thuế VAT 8% và thuế nhập khẩu (Custom Tax) 4% trên mức giá tính thuế tối thiểu từ 2.10~2.50USD/kg đối với sợi nhập khẩu từ Trung Quốc). Từ những chính sách này, ngành nguyên liệu sợi của họ mới được phát triển bền vững và trở thành ngành công nghiệp hỗ trợ thiết thực đối với ngành dệt may.

Sợi Thế Kỷ có chiến lược đầu tư phát triển vào ngành dệt nhuộm sản xuất vải
TPP mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sợi trong nước để đáp ứng các điều kiện về xuất xứ sản phẩm “từ sợi trở đi”, nhưng cùng với đó là làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam xây nhà máy, thậm chí làm từ A-Z, vậy điều này ảnh hưởng gì đến nền dệt may Việt Nam và bản thân Sợi Thế Kỷ có chuẩn bị gì cho cuộc đổ bộ này không?

TPP mang lại lợi thế và cơ hội cho ngành dệt may cũng như ngành sợi VN do sức hút các đơn hàng may mặc lớn từ các nước sang VN, nhu cầu về vải sợi sẽ lớn và gia tăng.

Theo tôi thì làn sóng đầu tư đầu tiên sẽ là việc thành lập các doanh nghiệp dệt nhuộm hoàn tất (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI và Việt Nam) để sản xuất vải đáp ứng cho nhu cầu của ngành may mặc do Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vải.

Sau đó một vài năm khi quy mô ngành dệt Việt Nam đã tăng trưởng và lớn hơn nhiều so với hiện nay thì nguồn cung sợi sẽ không còn đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành dệt và khi đó các doanh nghiệp sợi trong nước cũng như nước ngoài sẽ nắm bắt cơ hội để đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Như vậy, làn sóng đầu tư vào sợi, dệt, nhuôm sẽ có lợi cho nền kinh tế cũng như phát triển của ngành, tạo công ăn việc làm thêm cho người lao động.

Trên thương trường luôn luôn tồn tại sự cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có biện pháp để nâng cao hiệu năng hoạt động SXKD thông qua sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hệ thống quản trị hiện đại và đào tạo đúng chuẩn quốc tế cho đội ngũ quản lý và lao động. Làm được như vậy thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm, thời gian đáp ứng nhu cầu hàng hóa của khách hàng mới được nâng lên thêm khi trực diện với đối thủ từ các nước khác sang. Tôi cho rằng có cạnh tranh mới có tiến bộ.

Sợi Thế Kỷ được thành lập và hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ trên trường quốc tế (doanh thu xuất khẩu của Sợi Thế Kỷ ở mức 70~80%). Nhờ vào đầu tư thiết bị công nghệ, thiết bị, hệ thống quản trị thuộc loại tiên tiến nhất hiện tại, có chiến lược hiệu quả trong việc tiếp nhận công nghệ kỹ thuật chuyển giao từ các nước Đức, Đài Loan, nên khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành của Sợi Thế Kỷ thể hiện không thua so với các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới, kể cả có thể cạnh tranh tốt so với doanh nghiệp FDI đang sản xuất sợi tại Việt Nam thuộc tập đoàn Formosa group (một trong các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới trong ngành sợi xơ dài).

Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ cũng đang có chiến lược đầu tư phát triển vào ngành dệt nhuộm sản xuất vải để gia tăng thêm sức cạnh tranh cũng như giá trị kinh doanh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho ngành may mặc Việt Nam.

Chiến lược phát triển này cũng sẽ khai thác thêm được ưu thế kinh doanh cho công ty trong khuôn khổ hiệp định TPP cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường trong tương lai.

Biên lợi nhuận cải thiện nhờ giá hạt chip giảm

Giá dầu đã giảm 50% trong thời gian qua, vậy biên lợi nhuận của Sợi Thế Kỷ có tăng theo biến động giá dầu không khi nguyên liệu đầu vào của Sợi Thế Kỷ là hạt polyester chip?

Như trước đây đã từng trao đổi, ngành sợi xơ dài (polyester filament) có tính liên quan mật thiết với các sản phẩm từ hóa dầu như PX, PTA và MEG. Cho nên, giá thành nguyên liệu cho ngành (polyester chip) cũng như giá bán sợi thành phẩm (polyester filament) phần nào chịu tác động của giá dầu/gas trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, giá PX, PTA, MEG, polyester chip và polyester filament còn chịu tác động của cán cân cung cầu của chính từng dòng sản phẩm.

Trong thời gian qua, mặc dù giá dầu giảm mạnh, nhưng do cán cân cung cầu nên giá các sản phẩm sợi giảm chậm hơn so với giá các sản phẩm phụ trợ từ hóa dầu. Nhờ vậy mà công ty có được khoản spread (mức chênh lệch giữa giá mua nguyên liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra) hơi nhỉnh hơn so với mức spread chuẩn.

Năm 2014 dự kiến trả cổ tức 15% tiền mặt và thưởng cổ phiếu 10%

Ông có thể cho biết tiến trình xây nhà máy sợi Trảng Bàng 3 đã đến đâu và lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ? Sau đợt IPO thành công với giá chào bán bình quân cao hơn 34% giá khởi điểm, năm tới Sợi Thế Kỷ có kế hoạch tăng vốn nữa không?

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án mở rộng nhà máy Trảng Bàng 3 đã gần như hoàn thiện phần thô và đang trong quá trình lắp ráp máy móc, trang thiết bị.

Công ty đã ký kết 100% các hợp đồng mua máy móc thiết bị và sẽ giải ngân hết toàn bộ ngân sách đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 2014-2015. STK cũng dự kiến đưa vào sản xuất thương mại 50% công suất (7.500 tấn) vào tháng 7 – 2015 và 100% công suất (15.000 tấn) vào Quý 1 – 2016.

STK cũng đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ niêm yết để kịp tiến độ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào giữa năm 2015.

Tùy thuộc vào việc ĐHĐCĐ 2015 phê chuẩn kế hoạch phân phối lợi nhuận của năm tài chính 2014, Công ty STK dự kiến trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10% từ lợi nhuận giữ lại. Kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong năm 2015 tùy thuộc vào nhu cầu tiếp tục đầu tư thêm thiết bị sản xuất sợi cho phần nhà xưởng còn lại tại Trảng Bàng và dự án đầu tư tiềm năng về sợi/dệt/nhuộm vải.

Năm 2015 đặt kế hoạch lãi 116 tỷ đồng LNST

Ông có hài lòng với kết quả kinh doanh năm 2014 của công ty? Năm 2015 mục tiêu của Sợi Thế Kỷ là gì thưa ông?

Trong năm 2014, STK đã đạt doanh thu 1.457,5 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 106,1 tỷ đồng. Tôi khá hài lòng với sự tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận sau thuế với mức tăng 42% so với năm 2013, vượt kế hoạch lợi nhuận 14%. Đạt được kết quả này là nhờ sự cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ công nhân viên công ty trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng mạng lưới khách hàng, kiểm soát tốt chi phí, nắm vững diễn biến thị trường và linh hoạt chủ động trong điều hành kinh doanh.

Đối với năm 2015, tùy thuộc vào phê chuẩn của ĐHĐCĐ 2015, Công ty đặt mục tiêu doanh thu là 1.694,8 tỷ đồng (tăng trưởng 16,3%) và lợi nhuận sau thuế khoảng 116 tỷ đồng (tăng trưởng 9,3%).

Các mục tiêu chính của Công ty trong năm 2015 sẽ bao gồm việc triển khai và đưa vào khai thác dự án Trảng Bàng 3, mở rộng mạng lưới khách hàng và phát triển sản phẩm mới nhằm tạo giá trị gia tăng.

Bên cạnh ngành kinh doanh sợi cốt lõi, Công ty đang nghiên cứu tính khả thi cho việc mở rộng sang lĩnh vực sợi/dệt/nhuộm trong thời gian trung hạn.

Công ty sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt dự án (công suất, tổng vốn đầu tư, các giai đoạn triển khai, doanh thu và lợi nhuận dự kiến) sau khi đã hoàn tất nghiên cứu khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn NDH


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày