Giấy Sài Gòn về tay người Nhật và câu chuyện 3 lần "gả bán"
Career
Sau đối tác Daio của Nhật Bản, Giấy Sài Gòn lại tiếp tục bị mua lại bởi một đối tác Nhật khác là Sojitz vào tháng 6 vừa qua.Có lẽ Công ty Cổ phần giấy Sài gòn có duyên với người Nhật, ngược lại người Nhật cũng thích ngành giấy Việt.
Người Nhật vào ngành giấy Việt
Sau 3 năm thương lượng, cuộc hôn phối giữa Công ty Giấy Sài Gòn và Sojitz đã hoàn tất. Ngay khi thông tin được báo Nhật đưa tin cũng là lúc ông Cao Tiến Vị bàn giao vai trò CEO cho cổ đông mới và chỉ còn là cổ đông sáng lập tại doanh nghiệp này.
Trong thương vụ này, Sojitz chọn hình thức tăng tỉ lệ sở hữu tại Giấy Sài Gòn thông qua việc mua số cổ phần cũ và phát hành thêm cổ phần như một sự đầu tư cho phát triển của thương hiệu Giấy Sài Gòn. Theo thông tin từ Giấy Sài Gòn, đối tác Nhật sẽ tăng công suất và đầu tư vào sản xuất giấy vệ sinh và giấy công nghiệp
Giấy Sài Gòn được ví như một cô gái đẹp đào hoa nhưng cũng không kém phần truân chuyên dù chỉ vừa bước qua tuổi 20. Ông Cao Tiến Vị thành lập nhà máy giấy Sài Gòn vào năm 1997. Vừa tròn 14, giấy Sài gòn đã bị "gả bán" cho đối tác Nhật là Daio, thời điểm đó “M&A là con đường duy nhất để Giấy Sài Gòn có thể phát triển”, ông Cao tiến Vị từng chia sẻ ở thời điểm năm 2011, khi Giấy Sài Gòn vừa về tay Daio.
Thời điểm đó, ông Vị đã quyết định phát hành cổ phần cho đối tác ngoại vào cuối tháng 4.2011, vì ông hiểu rằng muốn Giấy Sài Gòn phát triển thì chỉ có con đường hợp tác. Theo đó, Công ty Daio Paper Corporation (Daio), một nhà sản xuất giấy lớn của Nhật, và quỹ đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản DBJ, đã nắm giữ tỉ lệ 38% cổ phần). Lúc này, Giấy Sài Gòn đang chiếm khoảng 24% thị phần giấy tiêu dùng, đứng thứ hai tại thị trường Việt Nam. Sau đó, đối tác Nhật nâng tỉ lệ sở hữu lên 42,3%, và chính thức sở hữu Giấy Sài Gòn.
Thực tế, Daio đã coi như chiếc phao để Giấy Sài Gòn bám vào. Bởi thời điểm đó, Công ty gặp phải khó khăn về tài chính, chiến lược kinh doanh. Có thể nói, câu chuyện của Giấy Sài Gòn khá thú vị vì sau đó 2 năm, Giấy Sài Gòn đã có vụ thâu tóm ngược lại đối tác Nhật vào tháng 8.2013, dưới sự giúp đỡ của ông Mai Hữu Tín, một doanh nhân đầu tư khá thành công trong mảng nông nghiệp công nghệ cao và cũng nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư đa ngành. Công ty của ông Tín có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch.
Vào tháng 9.2013, Công ty này đã mua lại toàn bộ số cổ phần và cả khoản nợ của Công ty giấy Daio (Nhật) đã đầu tư vào Giấy Sài Gòn, tương đương 416 tỉ đồng vốn điều lệ ở thời điểm đó. Còn lại 57,7% cổ phần do ông Vị và 2 quỹ đầu tư nắm giữ. Cũng chính công ty của ông Mai Hữu Tín đã giúp cho Giấy Sài gòn thoát cảnh khó khăn lần 2 khi đối tác Daio thoái vốn do có những bất đồng nội bộ. Giấy Sài gòn chơi vơi và đã có cuộc kết hôn lần 2 với Công ty Mai và cộng sự do ông Tín làm chủ tịch.
Sau thương vụ mua lại này, Giấy Sài Gòn đã nhanh chóng đầu tư 120 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại với công nghệ xử lý nước thải tân tiến. Ở Việt Nam, hầu hết các công ty sản xuất giấy chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc chưa hoàn thành được công đoạn này.
Có đối tác mới, doanh thu của Giấy Sài Gòn đã tăng khá đáng kể. Cụ thể, 2016 tăng 20% đạt 2.400 tỉ đồng và năm 2017, doanh thu cũng tăng trưởng lên 3.300 tỉ đồng. Giấy Sài đã chiếm năng lực sản xuất khoảng 18% thị trường. Công ty dù tăng doanh thu nhưng vẫn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại của Thái Lan như Vinakraft, công ty New Toyo của Singapore, Toyo Pulppy của Nhật, hay Công ty giấy Chính Dư của Trung Quốc… một điều cũng phải nói rõ, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ. Lợi nhuận 2016 chỉ 6 tỉ đồng. Nhiều khoản nợ cũ từ trước đây để lại cũng gây khó cho GM.
Sojitz liệu có hời?
Sau khi thâu tóm Công ty Giấy Sài Gòn, Công ty Sojitz sẽ đưa 6 nhà quản lý từ Nhật vào Giấy Sài Gòn để đổi mới hệ thống tài chính, kế toán, đồng thời xem xét nâng cấp các cơ sở sản xuất của Công ty này. Sojitz thông qua Công ty Giấy Sài gòn để xử lý rác thải có thể tái chế từ các khu công nghiệp, các cửa hàng tiện lợi Ministop Nhật Bản, cơ sở hậu cần… Sojitz đang nuôi hy vọng thị trường giấy Việt Nam có thể giúp họ tăng doanh số tại thị trường lên khoảng 40% và đạt mức doanh thu 18 tỉ JPY (Yên) vào năm 2022.
Hiện nay, Giấy Sài Gòn đang sản xuất 2 loại giấy là Bless you, giấy vệ sinh và bìa carton. Công suất của nhà máy khá lớn với 40.000 tấn giấy vệ sinh và 230.000 tấn giấy công nghiệp. Với giá bán hiện tại sẽ mang về doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm cho công ty này. Sojitz thực tế còn nhắm đến thị trường xuất khẩu vì vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng khăn giấy, giấy bìa cứng ngày càng tăng cao tại thị trường Đông Nam Á, Sojitz kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở thị trường này sau thâu tóm.
Sojitz nhắm đến Giấy Sài Gòn vì có thể công ty này hội tụ khá nhiều ưu điểm. Đầu tiên, phải kể đến là Công ty có đầu tư bài bản về công nghệ mới, hệ thống xử lý nước thải rất hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn môi trường. Nước sau nhiều khâu xử lý thậm chí có thể uống được, ông Vị từng chia sẻ.
Về tiêu chuẩn và công nghệ sản xuất, Giấy Sài Gòn từng được đào tạo và đầu tư bài bản của Daio, một đối tác Nhật lâu năm trong ngành giấy. Giấy Sài Gòn lại có nhà máy lớn, công suất lớn và có thể sản xuất được nhiều loại giấy. Chẳng hạn, giấy tiêu dùng gồm khăn ăn, khăn giấy lụa, khăn bỏ túi, khăn bếp, khăn y tế và giấy vệ sinh tiện dụng, an toàn sức khỏe và thân thiện môi trường thông qua hai nhãn hiệu là Bless You (thuộc phân khúc cao cấp) và SaiGon (thuộc phân khúc phổ thông).
Ngoài ra, Giấy Sài Gòn còn cung cấp các sản phẩm giấy công nghiệp như chipboard, chipboard lưng xám, coreboard, medium, testliner phục vụ nhu cầu sản xuất bao bì carton. Sojitz là tập đoàn đa ngành hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, hóa chất thực phẩm, hạ tầng khu công nghiệp và đặc biệt công ty này từng có tham vọng lấn sân ngành giấy.
Năm 2013, Sojitz và một công ty Ấn Độ có kế hoạch xây dựng nhà máy bột giấy khoảng 154 triệu USD tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Đến năm 2015, dự án chuyển ra Quảng Ninh do vướng quy hoạch.
Ở thời điểm mới rót vốn vào Giấy Sài Gòn, ông Tín từng chia sẻ sẽ đầu tư vốn dài hạn nếu khoản đầu tư vẫn tốt. Tuy nhiên, nhìn chung tại thời điểm này, tình hình kinh doanh của Công ty đang tốt dần lên nhưng ông Tín và ông Vị vẫn quyết định bán. Có thể vì sức cạnh tranh của thị trường ngày càng giảm. Cụ thể ngành giấy gặp nhiều khó khăn trong năm 2017. Mặc dù nhu cầu sử dựng giấy ngày càng cao nhưng thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, trong khi các doanh nghiệp ngoại ngày càng đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý nữa là trong thương vụ này, ông Tín bỏ 416 tỉ đồng mua 42,3% cổ phần của Công ty Giấy Sài Gòn thời điểm 2013. Đến thời điểm bán nhà máy cho SoJitz, trị giá Công ty là 2.000 tỉ đồng. Giá trị tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận quá trình đầu tư trước đó, Sojitz đã không hớ khi mua lại Giấy Sài gòn vì Công ty này từng bỏ ra khoản đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại tại Mỹ Xuân 2 lên đến 120 triệu USD. Nhìn ở góc độ người sáng lập, Ông Vị từng khởi nghiệp với một công ty quy mô nhỏ nhưng đến nay đã trở thành công ty ngàn tỉ, đó cũng là một thành công.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư