Kinh Doanh

Khi nào một ngân hàng rơi vào diện “kiểm soát đặc biệt”?

Thứ Hai | 17/08/2015 11:42

Lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam đã không ít tổ chức tín dụng bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt và nhiều trường hợp "hồi sinh" sau tái cơ cấu.

Điều kiện để một tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt?

Việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được quy định tại Thông tư 07/2013/TT-NHNN và trước đó là Thông tư 08/2010/TT-NHNN.

Theo Thông tư cũ, NHNN xác định tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dựa vào các chỉ tiêu định lượng.

Cụ thể như số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% tổng số vốn điều lệ thực có và các quỹ; có nguy cơ mất khả năng chi trả, biểu hiện qua 3 lần liên tiếp không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tổng tài sản “Có” có thể thanh toán ngay trong khoảng thời gian 7 ngày tiếp theo và tổng tài sản “Nợ” phải thanh toán ngay trong khoảng thời gian 7 ngày tiếp theo đối với từng loại đồng tiền, vàng..; Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, được biểu hiện: Nợ xấu chiếm từ 10% trở lên so với tổng dư nợ cho vay hoặc từ 100% tổng vốn tự có trở lên trong vòng 33 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, Thông tư cũ nãy đã hết hiệu lực và được thay thế với Thông tư 07/2013 kể từ ngày 27/4/2013.

Thông tư 07 cho biết Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.Các con số định lượng về các chỉ tiêu tài chính đã không còn được đề cập đến trong Thông tư mới.

Khi nào chấm dứt kiểm soát đặc biệt?

Theo khoản 1 Điều 152 của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt khi hoạt động của tổ chức tín dụng trở lại bình thường hoặc trong quá trình kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào một tổ chức tín dụng khác.

Ngoài ra, khi tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán, TCTD đó cũng sẽ chấm dứt kiểm soát đặc biệt. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản tới Tòa án về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi thanh toán và yêu cầu tổ chức tín dụng đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Cơ hội hồi sinh

Trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam, đã không ít trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào diện này. Nhiều ngân hàng đã trở lại sau giai đoạn khó. Điền hình là trường hợp của Eximbank, ngân hàng cổ phần đầu tiên của Việt Nam, đã có thời điểm ôm khối nợ xấu cả nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ do liên quan đến một vụ án kinh tế.

Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khi đó NHNN đã phải đưa Vietcombank vào quản lý. Mặc dù trong thực tế, Nhà nước không bỏ một đồng nào vào Eximbank nhưng ngân hàng này đã hồi sinh, nhiều năm sau đó tăng trưởng vượt bậc.

Những cái tên khác cũng đã từng kinh qua một thời gian khó nhưng đã hồi sinh và “sống khỏe” như VPBank (2002), Maritime Bank (2001), thậm chí cả ngân hàng lớn như VietinBank (đầu năm 2001, Incombank, tên cũ của VietinBank đã rơi vào tình trạng phá sản về mặt kỹ thuật).

Dù vậy, trong quá trình tái cơ cấu cũng có những cái tên đã biến mất sau khi bị đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" mà không thể khắc phục được hậu quả như Ngân hàng Việt Hoa, Nam Đô, Vũng Tàu, Châu Á Thái Bình Dương.

Cuối năm 2014 và nửa đầu năm 2015, đã có 4 ngân hàng đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và đều có sự hiện diện giúp đỡ của ngân hàng lớn.

Cụ thể, VietcomBank đã cử người hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng, người Vietinbank tham gia quản trị điều hành OceanBank và GPBank giai đoạn mới và sắp tới đây người BIDV sẽ được NHNN cử sang hỗ trợ Ngân hàng Đông Á.

Theo thông tư 07/2013, thông tin kiểm soát đặc biệt sẽ được công bố. Tuy nhiên thời điểm, nội dung và hình thức công bố sẽ do Thống đốc NHNN quyết định. Trong khi ba trường hợp của VNCB, OceanBank và GPBank, thông tin về việc kiểm soát đặc biệt được chính thức công bố tại ĐHĐCĐ thường niên, riêng với GPBank là ĐHĐCĐ bất thường khi ngân hàng này tổ chức họp ĐHĐCĐ bàn chuyện tăng vốn.

Trong khi đó đối với ngân hàng Đông Á, chiều ngày 14/8/2015, NHNN đã chính thức ra thông cáo trên Website của cơ quan .

Đánh giá về Ngân hàng Đông Á, bản thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã từng nhận xét Đông Á về cơ bản là một ngân hàng có hệ thống mạng lưới tốt, công nghệ tốt, bộ máy nhân sự không đến nỗi nào, có kinh nghiệm kinh doanh và tương đối bảo thủ trong phát triển tín dụng.

Chưa rõ tương lai trong dài hạn của Đông Á nhưng đối hiện nay NHNN khẳng định Ngân hàng Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản đầy đủ, kịp thời để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi của người dân và hoạt động bình thường của Ngân hàng Đông Á.

Nguồn NDH


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày