Lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phân hóa mạnh
Các ngân hàng quốc doanh ghi nhận tăng trưởng tốt hơn trong quý II/2024. Ảnh: NCĐT.
Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank cho thấy các ngân hàng quốc doanh ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn trong quý II/2024.Kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của 17 ngân hàng niêm yết cho thấy sự khác biệt giữa tăng trưởng lợi nhuận/ROE và các chỉ số chất lượng tài sản suy giảm.
Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank cho thấy các ngân hàng quốc doanh ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn trong quý II/2024. Các ngân hàng tư nhân lớn (TCB, VPB, MBB, ACB, STB, HDB) cũng có mức tăng trưởng từ tốt đến mạnh; trong khi các ngân hàng nhỏ có sự phân hóa đáng kể.
Các ngân hàng quốc doanh ghi nhận tăng trưởng tốt hơn trong quý II/2024. Tuy nhiên, đối với 6 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng này có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn do NIM giảm nhẹ và phí thấp hơn (do dẫn đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay và phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ). Ngoài ra, theo quan điểm của Chứng khoán Maybank, CTG dường như đã quyết liệt quản lý lợi nhuận của mình bằng cách tăng dự phòng. Lưu ý rằng đây là năm đầu tiên tất cả các ngân hàng quốc doanh không đặt ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể. Tất cả đều được thông báo tại Đại hội đồng cổ đông (tổ chức vào tháng 4) rằng tăng trưởng lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào chỉ đạo và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Trong số các ngân hàng tư nhân, các ngân hàng lớn đã đạt được kết quả kinh doanh ổn định và mạnh mẽ hơn trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn cùng với NIM phục hồi tại một số ngân hàng như TCB, MBB, VPB, HDB.
"Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ hơn có sự phân hóa rõ rệt. Theo quan điểm của chúng tôi, hầu hết trong số các ngân hàng này vẫn chưa trích lập dự phòng đủ cho các khoản nợ xấu và rủi ro tín dụng tiềm ẩn. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng này vào cuối quý II/2024 khá mỏng", Chứng khoán Maybank nhận định.
Báo cáo của Chứng khoán Maybank chỉ ra rằng tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng tăng trưởng 21% so với cùng kỳ trong quý II/2024, cao hơn so với dự báo 16% của tổ chức này, nhờ kết quả lạc quan từ BID, TCB, VPB, HDB, LPB và SSB đã bù đắp cho kết quả kém khả quan của CTG, VIB, OCB, MSB.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng cao hơn trong quý II bù đắp cho biên lãi ròng (NIM) giảm nhẹ và thu nhập từ giao dịch ngoại hối mạnh mẽ hỗ trợ tổng thu nhập hoạt động (TOI) là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trong quý II.
Về mặt chi phí, chi phí hoạt động được kiểm soát ở hầu hết các ngân hàng (thông qua cắt giảm nhân sự và kiểm soát chi phí G&A), trong khi trích lập dự phòng nói chung được nới lỏng tại nhiều ngân hàng. Chỉ một số ít ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng hợp lý/thận trọng.
Bên cạnh kết quả về lợi nhuận, tỉ suất sinh lời, tức chỉ số ROE (tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) duy trì tốt ở mức trung bình là 18,4% (quy đổi theo 6 tháng đầu năm 2024) so với 18,9% cùng kỳ 2023 và 17,4% trong cả năm 2023. Một nửa số ngân hàng niêm yết duy trì ROE mạnh mẽ trên 18,5%. Trong đó, TCB, HDB, LBP, SHB, TPB là những ngân hàng có ROE cải thiện nhiều nhất.
Về chất lượng tài sản, báo cáo cũng cho thấy các chỉ số chất lượng tài sản của các ngân hàng giảm vừa phải trong quý II/2024.
Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu (NPL) bình quân không thay đổi so với quý trước, ở mức 1,97% nhưng tỉ lệ tái cơ cấu nợ tăng lên và tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 83% (so với 85% trong quý I/2024 và 94% trong quý IV/2023).
Nhìn chung, lợi nhuận và chỉ số ROE tăng trưởng tốt, tuy nhiên chỉ một số ít ngân hàng duy trì chất lượng tài sản ở mức tương đối trong nửa đầu năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư