Sáp nhập, đổi tên có giúp Trường Thành đổi vận?
Thay tên đổi vận là cách mà ban lãnh đạo mới của Trường Thành đang muốn áp dụng cho doanh nghiệp này, sau khi tình hình kinh doanh sa sút.
Sáp nhập với Thiên Thanh
Từ một công ty lớn trong top 3 của ngành gỗ, Trường Thành dần đi xuống và mất hút trên thị trường xuất khẩu sau những lùm xùm tài chính. Từ đó đến nay, vận đen vẫn luôn đeo bám Trường Thành. Người sáng lập, vốn là ông chủ cũ của Công ty lâm vào cảnh phá sản ở tuổi xế chiều.
Những người lãnh đạo mới đang ra sức khôi phục lại công ty này bằng nhiều chiến lược. Trong đó, chiến lược đổi tên, tăng vốn và sáp nhập công ty, với hy vọng cứu vớt lại “hào quang”.
Tại cuộc họp chiều ngày 25.10, tỉ lệ sáp nhập được xác định là 8,21 cổ phiếu TTF đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Theo tài liệu công bố tại cuộc họp Đại hội Đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra chiều ngày 25.10, HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) trình cổ đông phương án nhận sáp nhập Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh.
Cụ thể, Gỗ Trường Thành sẽ nhận sáp nhập Công ty Sứ Thiên Thanh theo hình thức hoàn đổi cổ phiếu tỷ lệ 8,21:1, nghĩa là 8,21 cổ phiếu TTF đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh.
Theo đó, TTF sẽ phát hành khoảng 96,59 triệu cp để hoán đổi, vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng lên 3.112 tỉ đồng.
Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Công ty Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, Sứ Thiên Thanh thành công ty TNHH một thành viên. Kế hoạch kinh doanh cho công ty mới sau sáp nhập năm 2019 là doanh thu 252,8 tỉ đồng và lãi sau thuế 12,8 tỉ đồng.
Công ty Sứ Thiên Thanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ, vốn điều lệ 117,6 tỉ đồng. Công ty có cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Đồng Tâm (nắm 47,27%), đơn vị do ông Võ Quốc Thắng (thường gọi là bầu Thắng) làm Chủ tịch HĐQT.
Giai đoạn 2015-2017, Sứ Thiên Thanh ghi nhận doanh thu tăng từ 138 tỉ đồng lên 159 tỉ đồng, lãi sau thuế giảm dần từ 12,6 tỉ xuống 0,75 tỉ đồng. Năm 2018, công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 177,5 tỉ đồng và lãi sau thuế 5,1 tỉ đồng.
Đổi tên liệu có đổi vận?
Trong khi đó, TFF lại đang trong thua lỗ kéo dài. Nhiều chiến lược đưa ra trước đó không hiệu quả. Trường Thành ngày càng xa rời thị trường và có nguy cơ mất dần trên thị trường.
Nhiều người trong ngành cho rằng, chuyện Trường Thành đi đến ngày hôm nay là do bị ảnh hưởng của thị trường. Nhưng cũng nhiều ý kiến đánh giá là do chiến lược sai lầm của Trường Thành tại thời điểm 2012 đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Trong cuộc họp, HĐQT còn trình việc đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Total Furniturevới tên viết tắt là TTF và mã chứng khoán vẫn không thay đổi là TTF...
Thêm nữa là việc bổ sung thành viên HĐQT ông Nguyễn Trọng Hiếu sau khi ông Hà Hoàng Thế Quang thôi nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Ông Hiếu giữ chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 kể từ ngày 6.9.
Gỗ Trường Thành còn trình phương án phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi nhằm cơ cấu lại hoạt động của công ty.
Theo phương án, Gỗ Trường Thành sẽ phát hành khoảng 100 triệu cổ phiếu mới tương ứng giá trị phát hành 1.000 tỉ đồng nhằm hoán đổi cổ phần với công ty sáp nhập, để tăng vốn điều lệ từ 2.146 tỉ đồng hiện nay lên hơn 3.146 tỉ đồng.
Tỉ lệ hoán đổi sẽ được xác định trên cơ sở so sánh mức giá được xác định theo các phương pháp cho cổ phiếu TTF và công ty sáp nhập.
Số lượng phát hành dự kiến 100 triệu cổ phiếu, tương đương tăng thêm 1.000 tỉ đồng vốn điều lệ lên 3.146 tỉ đồng. Lượng phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu công ty đang lưu hành, do đó ảnh hưởng đáng kể đến mức độ pha loãng của cổ phiếu TTF.
Sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành sẽ giữ nguyên thành phần, nhiệm kỳ của HĐQT và Ban kiểm toán trực thuộc, tuy nhiên sẽ bổ sung thêm thành viên để phù hợp hoạt động.
Phương án sáp nhập tăng vốn sẽ giúp cho Gỗ Trường Thành thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ đang cận kề. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm sau soát xét, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế 2.092 tỉ đồng, tương đương 97,5% vốn điều lệ.
Liệu chiến lược mạnh tay sắp tới, TFF có thoát khỏi những khó khăn bủa vây hiện nay?
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư