Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thảo luận về giải pháp chuyển đổi xanh tại VSBF 2024
Tọa đàm “Cơ hội tăng trưởng trong quá trình chuyển đổi xanh ở đâu?” tại Diễn đàn Quản trị Cấp cao Việt Nam - Singapore 2024
Ngày 24/5, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore (VSBF 2024), do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VIETSTAR) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) đồng tổ chức.
Tiên phong các giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp
Diễn đàn VSBF 2024 có chủ đề chủ đề "Hành trình lãnh đạo cho tương lai: Tiên phong từ những giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp". Diễn đàn tập trung vào khám phá các thách thức và cơ hội phía trước từ sự bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, doanh nghiệp xanh, công nghệ xanh, tài chính xanh; đồng thời là nơi để các nhà lãnh đạo đồng cấp học hỏi lẫn nhau và xem xét các xu hướng kinh tế, các yếu tố bền vững về kinh doanh và môi trường tác động đến các quyết định chiến lược.
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra góc nhìn về bức tranh chuyển đổi xanh trên thế giới và định hướng của Chính phủ Việt Nam đối với chuyển đổi xanh. Theo đó, chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã đề ra các định hướng và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm: Xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất sạch, tái chế, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác quốc tế về đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Thực tế từ câu chuyện chuyển đổi xanh mà các doanh nghiệp Singapore đã triển khai, ông Lim Boon Heng, Nguyên Bộ trưởng Nội các Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Singapore, Chủ tịch Temasek Holdings, thành viên Ban cố vấn VSBF cho biết: Singapore đã bắt tay vào "Kế hoạch xanh Singapore 2030" với chiến lược phát triển bền vững toàn quốc tác động đến mọi lĩnh vực, tổ chức. Đây là một sáng kiến đầy tham vọng và toàn diện nhằm biến đổi đất nước thành một quốc gia, một thành phố đô thị xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
“Ở Việt Nam, tôi được biết Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” ông Lim Boon Heng nhận xét và cho biết, các mục tiêu phát triển bền vững có tính chất biến đổi, đòi hỏi các giải pháp táo bạo, sáng tạo để giải quyết. Do vậy, đây là lúc các nhà lãnh đạo ở Việt Nam - Singapore và trên thế giới phải làm việc cùng nhau để khai thác các nguồn lực, khả năng cho môi trường xanh và cơ hội kinh doanh bền vững để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050.
Chia sẻ góc nhìn “Hàm ý chiến lược từ COP28: Động lực, thách thức và các khía cạnh tương lai: Tại sao doanh nghiệp phải là một phần của giải pháp”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) chỉ ra rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu của giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP28 và các nỗ lực toàn cầu.
“Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, giao thông vận tải, nông nghiệp là những tác nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính và những tác động đến môi trường. Nếu không có sự tham gia và cam kết tích cực sẽ rất khó đạt được các mục tiêu về bền vững và khí hậu toàn cầu”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ban cố vấn VSBF; Hội đồng diễn giả VSBF cùng đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới tham dự Diễn đàn Quản trị Cấp cao Việt Nam - Singapore 2024. |
Về giải pháp, theo ông Hồ Sỹ Hùng, doanh nghiệp có thể nghiên cứu và triển khai năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu dùng bền vững.
“Chuyển đổi năng lượng công bằng để phát triển bền vững có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững. Tôi tin rằng sự tham gia tích cực và hợp tác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết thách thức toàn cầu này và đó cũng là lý do cho sự góp mặt của chúng ta tại đây cùng nhau tại VSBF 2024”, ông Hồ Sỹ Hùng nêu quan điểm.
Khai thác cơ hội từ chuyển đổi xanh
Đối với việc “Khai thác các cơ hội liên quan đến ESG: Cách tiếp cận chiến lược”, ông Shai Ganu, Thành viên Hội đồng chuyên gia về Quản trị và Khí hậu - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); Giám đốc điều hành; Nhà lãnh đạo tư vấn toàn cầu về nhân tài và đãi ngộ cho lãnh đạo cấp cao khu vực ASEAN và Nam Á tại Willis Towers Watson khẳng định: Giám sát ESG là vấn đề của toàn thể hội đồng quản trị với sự chú tâm lớn từ các Ủy ban Phát triển bền vững. Và quản lý rủi ro hiệu quả sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn và ổn định hơn cho các cổ đông và hoạt động kinh doanh bền vững hơn trong dài hạn.
Liên quan đến vấn đề tài chính, Giáo sư Hao Liang, Đồng Giám đốc Trung tâm Tài chính xanh Singapore đã chia sẻ chủ đề “Tiến bộ trong tài chính xanh và bền vững: Giảm thiểu rủi ro bền vững, nắm bắt cơ hội và hoạch định chiến lược”. Trong bài trình bày, ông cũng nhấn mạnh rằng, tài chính xanh và bền vững đề cập đến việc sử dụng các công cụ tài chính hoặc khoản đầu tư nhằm điều hướng nguồn vốn vào một doanh nghiệp hoặc dự án, để mang lại các tác động bên ngoài tích cực về môi trường và xã hội.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Diễn đàn VSBF, Giám đốc điều hành VIETSTAR đúc kết: Lý do Diễn đàn năm nay chọn chủ để "Tiên phong từ những giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp" vì quá trình đưa phát thải ròng bằng “0” sẽ định hình lại nền kinh tế, mở ra thi trường mới đối với một số ngành nghề, tuy nhiên lại thu hẹp thị trường của một số ngành nghề khác. “Với tiềm năng doanh thu hàng năm là 12 nghìn tỉ USD từ các dịch vụ xanh có tiềm năng lớn vào năm 2030, nhiều cơ hội triển vọng lớn sẽ mở ra. Các doanh nghiệp tiên phong nắm bắt và áp dụng các giải pháp chuyển đổi xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể”, bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết.
Thực tế, qua 3 lần tổ chức, VSBF đã ghi dấu ấn và trở thành Diễn đàn tiên phong trong khu vực, mang lại cơ hội cho các lãnh đạo đồng cấp Việt Nam, Singapore và trên toàn thế giới cơ hội chia sẻ kinh nghiệm. Cụ thể là VSBF năm ngoái tập trung vào các giải pháp kinh doanh bền vững và toàn diện tăng trưởng trong kỷ nguyên số. Những chia sẻ của diễn đàn đã giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập lộ trình chuyển đổi bền vững và thu hẹp khoảng cách giữa tính bền vững và lợi nhuận.
Chính vì vậy, tại Diễn đàn năm nay, bên cạnh phần trình bày của các diễn giả, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - Singapore và thế giới đã tập trung thảo luận về các nội dung như: Tăng tốc hướng tới Net-zero: Cơ hội xây dựng doanh nghiệp xanh; Điều hướng rủi ro và nắm bắt cơ hội ESG sẽ tập trung vào khai thác các cơ hội liên quan đến ESG; Những tiến bộ trong tài chính xanh bền vững và cách để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, hoạch định chiến lược…
Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Temasek Holdings Singapore, Tổng giám đốc Tập đoàn Sembcorp Industries, Thành viên Hội đồng chuyên gia về Quản trị và Khí hậu - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), lãnh đạo Tập đoàn GE - Hoa Kỳ, đồng Giám đốc Trung tâm Tài chính xanh Singapore, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. |
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư