Phát triển bền vững

Ngành công nghiệp không khói đang nhiều khói

Thứ Năm | 06/02/2025 14:34

Từ năm 2009 đến 2020, lượng khí thải từ du lịch tăng trung bình 3,5% mỗi năm. Ảnh: The Economist.

Du lịch chiếm gần 9% tổng lượng khí thải toàn cầu, với tốc độ tăng nhanh gấp đôi so với các ngành khác.
Từ năm 2009 đến 2020, lượng khí thải từ du lịch tăng trung bình 3,5% mỗi năm. Ảnh: The Economist.

Du lịch đang đối mặt với sự chỉ trích khi nhiều điểm đến nổi tiếng áp dụng phí tham quan và giới hạn du khách. Chẳng hạn như Venice thu €5 cho khách tham quan trong ngày, Rome cân nhắc phí €2 khi vào xem đài phun nước Trevi, còn New Zealand tăng phí đối với du khách quốc tế.

Nghiên cứu mới công bố trên Nature Communications cho thấy từ năm 2009 đến 2020, lượng khí thải từ du lịch tăng trung bình 3,5% mỗi năm, gấp đôi tốc độ tăng của các ngành khác. Năm 2019, ngành này tạo ra 5,2 gigaton CO2, tương đương gần 9% tổng lượng phát thải toàn cầu. Hàng không chiếm 52% lượng khí thải trực tiếp, trong khi 34% đến từ các dịch vụ gián tiếp như điện khách sạn.

Dù nhiều ngành giảm cường độ phát thải theo tăng trưởng, ngành du lịch lại có "cường độ carbon" cao hơn mức trung bình toàn cầu 30% vào năm 2019, và gấp 4 lần toàn ngành dịch vụ. “Các sáng kiến và cam kết giảm phát thải chưa mang lại hiệu quả rõ rệt”, TS. Ya-Yen Sun từ Đại học Queensland, nhận định. Theo Tiến sĩ Sun, nỗ lực của các hãng hàng không, như sử dụng nhiên liệu bền vững hay bù đắp carbon, thường thiếu hiệu quả.

Hơn nữa, du khách thường gây ra nhiều khí thải hơn khi đi du lịch so với lúc ở nhà, thông qua việc ăn uống, mua sắm và tận hưởng các dịch vụ xa xỉ. Vì lượng khí thải này đến từ quá nhiều nguồn khác nhau, nên các quốc gia khó có thể tính toán chính xác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phát thải từ du lịch không phân bổ đều. 20 quốc gia có lượng khí thải cao nhất chiếm tới 75% tổng phát thải toàn cầu. Lượng khí thải chủ yếu đến từ du lịch nội địa ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nghiên cứu cho rằng cần siết chặt quy định hàng không, tính toán chính xác phát thải và đặt giới hạn du khách. Các biện pháp này, dù không phổ biến tại các điểm đến phụ thuộc vào du lịch, đang dần thay đổi, điển hình như chính sách của Venice. Thúc đẩy năng lượng tái tạo được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tác động môi trường từ ngành du lịch.

Có thể bạn quan tâm:

Ba "ông lớn" Nhật Bản bàn chuyện hợp nhất

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày