Tài Chính

Hàng loạt ngân hàng có nợ xấu gia tăng

Vũ Hoài Thứ Tư | 22/04/2020 14:33

Phần lớn nợ xấu của các ngân hàng đều có xu hướng tăng trong quý I do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo số liệu trên báo cáo được các ngân hàng công bố mới đây, đa phần dư nợ cho vay của các ngân hàng đều tăng bình quân 2-3% so với đầu năm 2020.

Điển hình như Vietcombank, với tổng dư nợ hơn 754.505 tỉ đồng hồi cuối quý I/2020, tăng 2,7% so với đầu năm. Hay như TPBank với dư nợ cho vay tăng hơn 5% trong quý I/2020, ghi nhận  100.508 tỉ đồng tại thời điểm 31.3.2020.

Nợ xấu của các Ngân hàng có xu hướng tăng trong quý I/2020. Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Nợ xấu của các Ngân hàng có xu hướng tăng trong quý I/2020. Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng có xu hướng tăng. Tiêu biểu như TPBank với khoản nợ xấu hơn 1.884 tỉ đồng (31.3.2020), tăng hơn 52,5% so với đầu năm 2020.

Hay như ACB, nợ xấu cũng tăng hơn 23,7% trong quý I/2020, ghi nhận hơn 1.792 tỉ đồng vào ngày 31.3.2020.

Trong 5 ngân hàng trên, chỉ có VPBank có nợ xấu giảm hơn 9,2% trong quý I/2020, ghi nhận mức 7.983 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn). Nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, kéo theo đó tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng trong thời gian qua. 

Theo lý thuyết, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải bỏ thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến việc giải quyết các khoản nợ xấu này, bao gồm: chi phí để tăng cường giám sát những khách hàng vay quá hạn và các tài sản thế chấp của họ, chi phí phân tích và thỏa thuận với khách hàng về các khoản vay này, chi phí duy trì và xử lý tài sản đảm bảo,... 

Rất nhiều chi phí được phát sinh liên quan đến nợ xấu, điều này sẽ đẩy chi phí chung tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. 

Đi kèm với những khoản nợ xấu, dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng cũng tăng mạnh trong thời điểm này.

Dự phòng rủi ro tín dụng của các Ngân hàng trong quý I/2020. Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Dự phòng rủi ro tín dụng của các Ngân hàng trong quý I/2020. Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Đáng chú ý nhất là Vietcombank với hơn 14.548 tỉ đồng dự phòng rủi ro tín dụng hồi 31.3.2020, tăng hơn 39% so với hồi đầu năm. 

Vào cuối quý I.2020, tổng nợ xấu của Vietcombank là hơn 6.191 tỉ đồng. Khoản dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này là hơn 14.548 tỉ đồng. Theo đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu) của Vietcombank đang là gần 235%, cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Vietcombank đang dự phòng nhiều hơn số nợ xấu mà mình đang có, bởi khoản dự phòng này còn bao gồm những khoản mục khác, không chỉ riêng dự phòng cho nợ xấu.

Ngân hàng TPBank cũng tăng mạnh dự phòng, ghi nhận mức tăng hơn 18,5% trong quý I/2020. Ghi nhận mức dự phòng 1.432 tỉ đồng hồi 31.3.2020. 

Quý I/2020, kinh tế thế giới đặt trong bối cảnh suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran và đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu.

Trước tình hình đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Ở trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Có thể nói, quý I vừa qua là thời điểm rất khó khăn đối với nền kinh tế khi GDP chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh những động thái mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng được đề xuất đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 thông qua tư vấn, hỗ trợ và đặc biệt là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cũng như tái cơ cấu thời gian trả nợ hay khoanh nợ, giãn nợ.

* Có thể bạn quan tâm 

►Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM vượt qua khó khăn do COVID-19

►Chứng khoán SSI thu về hơn 44 tỉ đồng nhờ bán cổ phiếu Dabaco


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày