Tài Chính

Trà sữa Index

Kim Dung Thứ Ba | 30/07/2024 07:30

Vì sao thay đổi thói quen uống trà sữa có thể giúp các bạn trẻ rút ngắn con đường trở thành triệu phú?

Đều đặn mỗi sáng, Thùy Linh (25 tuổi) đều cầm trên tay ly trà sữa yêu thích. Linh nói trà sữa không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là một phần không thể thiếu trong thói quen hằng ngày của cô. Hay ở các hội nhóm làm việc, nhiều bạn trẻ vui vẻ chia sẻ “những ngày không được đồng nghiệp rủ rê, tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền”, số khác thì bật mí tiền trà sữa và ăn vặt mỗi tháng lên đến 2-3 triệu đồng.

Lợi thế của thời gian 
Không thể phủ nhận, trà sữa có một sức hút vô hình với giới trẻ khi có nhiều hương vị phong phú, đa dạng, kết hợp với nhiều loại topping hấp dẫn. Thói quen uống trà sữa cũng trở thành một phần của phong cách sống hiện đại, giúp các bạn trẻ thể hiện cá tính và xu hướng. Tuy nhiên, có một bí mật trong tài chính mà có thể bạn đã biết hoặc chưa, rằng nếu tiết kiệm 1 ly trà sữa mỗi ngày và đem số tiền đó đi đầu tư, bạn có thể trở thành triệu phú chỉ trong 5 năm. 

Để đơn giản phép tính, chúng ta hãy quy đổi những giá trị này theo tháng. Với giả định mỗi tháng bạn uống 20 ly trà sữa, mỗi ly có giá 50.000 đồng thì mỗi tháng sẽ tốn khoảng 1 triệu đồng để uống trà sữa. Nếu đem 1 triệu đồng đi đầu tư đều đặn mỗi tháng, với tỉ suất bình quân 10%/năm, số tiền có sau 5 năm là hơn 76,4 triệu đồng và sau 10 năm là 203,8 triệu đồng. Như vậy, nếu “hy sinh” sở thích trà sữa vào năm 20 tuổi thì năm 30 tuổi, bạn có thể trở thành triệu phú chỉ bằng tiền uống trà sữa.

 

Trên thực tế, thời gian bắt đầu đầu tư càng sớm, số tài sản tích lũy được sẽ càng nhiều. Những người thực sự hiểu giá trị của thời gian thường đạt được thành công vượt trội, bao gồm cả việc tích lũy tài sản, nhưng điều này cũng đòi hỏi một số phương thức thực tiễn.

“Những người trẻ tuổi mới bước vào xã hội thường có số tiền tiết kiệm mỗi tháng không quá nhiều, nhưng bằng cách tận dụng sức mạnh của thời gian và hiệu ứng lãi kép, họ đều có thể tích lũy được khối tài sản đáng kể và đạt được ước mơ của mình”, ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), chia sẻ với NCĐT.

Tổng Giám đốc của PHFM cho rằng, thời điểm bắt đầu kế hoạch đầu tư có ảnh hưởng lớn và lâu dài đến việc tích lũy tài sản trong tương lai. Tuy nhiên, điểm quan trọng là ngoài việc tận dụng sức mạnh của thời gian, còn phải tìm ra những phương pháp đầu tư an toàn và hiệu quả để tối đa hóa hiệu ứng lãi gộp trong việc gia tăng tài sản. Mặt khác, ngay cả với thời gian đầu tư dài, các phương pháp đầu tư không phù hợp có thể làm giảm đáng kể kết quả tích lũy trên.

Công thức đầu tư cho người trẻ
Bài học đầu tiên dành cho các nhà đầu tư trẻ tuổi là mức độ an toàn và lợi nhuận của một khoản đầu tư có mối quan hệ nghịch đảo. Ngay cả một nhà đầu tư muốn mạo hiểm để đổi lấy lợi nhuận tiềm năng thì việc đạt được mức lợi nhuận tăng bền vững không phải là điều dễ dàng. Một nhà đầu tư trẻ chưa có đủ kinh nghiệm khó có thể đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả một cách liên tục như các công ty quản lý tài sản với đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên sâu và quy trình nghiên cứu chuyên nghiệp.

 

Ông Lu Hui Hung cho rằng phương pháp đầu tư phù hợp và hiệu quả nhất đối với các bạn trẻ là hằng tháng hãy đầu tư số tiền tiết kiệm của mình vào quỹ mở đầu tư cổ phiếu thông qua sản phẩm đầu tư định kỳ SIP (Kế hoạch đầu tư có hệ thống). Giao phó việc kiểm soát rủi ro và phân bổ tài sản cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp có thể giúp nhà đầu tư cá nhân gia tăng đáng kể khả năng đạt được mục tiêu đầu tư trong dài hạn. Những người trẻ chỉ cần tập trung vào việc thiết lập năng lực tài chính và tạo thói quen tiết kiệm, đầu tư thường xuyên một cách có kỷ luật.

Với thu nhập hằng tháng từ 10-15 triệu đồng, Tổng Giám đốc của PHFM khuyên các bạn trẻ nên lập một quỹ khẩn cấp tương đương 3-6 tháng chi tiêu. Sau khi tạo được vùng đệm tài chính để đối phó với những bất ổn trong cuộc sống, họ sẽ sẵn sàng hướng tới mục tiêu đầu tư càng sớm càng tốt.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Việt Nam hiện nay có khoảng 100 quỹ đầu tư, nhưng chỉ có khoảng 20-30 tổ chức làm ăn chuyên nghiệp và hiệu quả, số còn lại cũng khá khó khăn trong hoạt động. Ông Lực cho rằng quy mô thị trường quỹ ở Việt Nam còn rất nhỏ bé, tổng tài sản mà các quỹ quản lý cho nhà đầu tư chỉ tương đương 700.000 tỉ đồng, rất nhỏ so với quy mô toàn thị trường. So sánh với các nước trong khu vực, quy mô thị trường quỹ tại Thái Lan đang gấp 40 lần so với Việt Nam.

“Số lượng nhà đầu tư đang tham gia đầu tư qua quỹ rất thấp. Chúng ta có 8 triệu tài khoản chứng khoán, nhưng chỉ có khoảng 250.000 nhà đầu tư đã đầu tư thông qua quỹ đầu tư, chỉ hơn 3% so với số lượng nhà đầu tư toàn thị trường. Chúng tôi rất mong muốn số lượng này sẽ tăng lên”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ. “Đa số các nhà đầu tư khác trên thế giới mà chúng tôi quan sát, họ thường ủy thác qua một trung gian, có thể là công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư. Kinh nghiệm đầu tư qua các nhà đầu tư tổ chức trung gian thì lợi nhuận cao hơn, rủi ro ít hơn”, ông nói thêm.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày