Thế giới

50 USD 1 thùng dầu, thế giới thay đổi như thế nào?

Thứ Tư | 07/01/2015 19:57

Theo Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế của ĐH Harvard, giá dầu lao dốc mạnh là cú sốc “10 năm có 1” và sẽ đem đến những tác động to lớn.

Coromoto là hiệu kem ở Merida (Venezuela) nổi tiếng trên toàn thế giới vì có tới 900 vị khác nhau. Tuy nhiên, cửa hàng này đã buộc phải đóng cửa trong tháng 11 vừa qua bất chấp đây là thường là tháng bận rộn nhất trong năm. Tỷ lệ lạm phát lên tới 64% - cao nhất thế giới – khiến cửa hàng không thể mua sữa để làm kem. 

Đó là cảnh ngộ ở một quốc gia chuyên sản xuất dầu mỏ. Trong khi đó, những nước tiêu thụ nhiều dầu mà điển hình là Mỹ đang tận dụng lợi thế giá dầu giảm. Tháng 12 vừa qua, mức độ chênh lệch giữa số xe tải – loại xe tiêu thụ nhiều xăng hơn so với xe hơi – được bán ra ở Mỹ đã ở mức cao nhất kể từ năm 2005. 

Giá năng lượng giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đang khiến của cải và quyền lực dịch chuyển từ các nhà sản xuất chuyên quyền sang người tiêu dùng của xã hội công nghiệp hóa. Theo báo cáo của ngân hàng Berenberg Bank AG, điều này có thể khiến thế giới trở nên an toàn hơn. Nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ tăng lên, lực cầu yếu ớt ở Á- Âu và đồng USD mạnh lên đang đẩy dầu mỏ giảm sâu hơn nữa. 

Kenneth Rogoff – giáo sư kinh tế của ĐH Harvard – nhận định giá dầu là câu chuyện lớn nhất của năm 2015. Đây là cú sốc “10 năm có 1” và sẽ đem đến những tác động to lớn. 

Tăng trưởng kinh tế

Giá dầu thô biển Bắc – chỉ số cơ bản của thị trường dầu mỏ thế giới – đã giảm xuống còn 50,52 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Sau 3 năm giữ vững mức cao nhất trong lịch sử, giá dầu đã giảm tổng cộng 48% trong năm 2014. 

Theo nhận định của ngân hàng BNP Paribas, giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa đầu năm 2015. Trong khi đó Walter Zimmerman – chiến lược gia tại United - ICAP – nhận định nếu giảm xuống dưới 39 USD/thùng, giá hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 30 USD/thùng.

Nghiên cứu của Oxford Economics Ltd. cho thấy nước được lợi nhiều nhất sẽ là Philippines. Tăng trưởng của nước này trong 2 năm tới có thể tăng tốc lên 7,6% nếu giá dầu giảm xuống mức 40 USD/thùng. Ngược lại, kinh tế Nga có thể suy giảm 2,5% trong cùng kỳ. 

Trong số các nền kinh tế phát triển, Hồng Kông là nước được hưởng lợi lớn nhất trong khi Saudi Arabia, Nga và Các tiểu vương quốc Arab là những nước mất nhiều nhất.

Theo dự báo được NHTW Nga công bố tháng trước, kinh tế Nga sẽ suy giảm 4,7% trong năm 2015 nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Giá giảm đã khiến đồng ruble bị bán tháo và giảm giá 46% so với đồng USD – mạnh nhất kể từ năm 1998 (khi Nga vỡ nợ). 

Trong khi đó, Venezuela – quốc gia có dầu thô đóng góp 90% nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu – đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. 

Lạm phát

Một trong những nỗi lo lắng của lãnh đạo NHTW các nước là tác động của giá dầu giảm đối với lạm phát. Theo các chuyên gia kinh tế đến từ JP Morgan Securities LLC, nếu giá dầu thô tiếp tục ở dưới mức 60 USD/thùng trong quý này, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2009.

Nhóm chuyên gia này dự báo lạm phát toàn cầu sẽ đạt 1,5% trong nửa đầu năm 2015. Eurozone sẽ có lạm phát âm, trong khi tỷ lệ ở Mỹ, Anh và Nhật Bản sẽ giảm xuống mức khoảng 0,5%. Lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ suy giảm. 

Căng thẳng chính trị

Mặc dù giúp kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá nhiên liệu rẻ hơn có thể thổi bùng căng thẳng chính trị vì làm giảm nguồn thu ngân sách cũng như các phúc lợi xã hội, các chuyên gia của Citigroup nhận định trong 1 báo cáo được công bố hôm 5/1. 

Thậm chí Phó chủ tịch của tập đoàn Blackstone Byron Wien còn dự đoán Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ từ chức trong năm 2015 và Iran sẽ đồng ý dừng chương trình hạt nhân. Iran đã mất hàng chục tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ vì lệnh cấm vận của phương Tây trong bối cảnh nền kinh tế yếu ớt do những sai lầm từ thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Thị trường chứng khoán

Bức tranh đa chiều của kinh tế thế giới đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 đã giảm 1,9% trong phiên 5/1 – mạnh nhất kể từ tháng 10 – vì giá dầu xuyên thủng mốc 50 USD khiến các cổ phiếu năng lượng bị bán tháo.

Trong khi giá dầu rẻ hơn có lợi cho người tiêu dùng, chi tiêu của các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường chứng khoán. Theo Savita Subramanian và Dan Suzuki – chiến lược gia đến từ Bank of America, giá dầu ở mức 50 USD/thùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty niêm yết trong chỉ số S&P 500 giảm 6 USD/cổ phiếu. 

Fifth Third Bancorp (FITB), một trong những ngân hàng trong khu vực đã cố gắng theo đuổi sự bùng nổ của hoạt động fracking – đã giảm 12% kể từ ngày 20/6. 

Cổ phiếu của Caterpillar Inc., Joy Global Inc., Allegheny Technologies Inc., Dover Corp., Jacobs Engineering Group và Quanta Services Inc. đều đã giảm 20% so với lúc giá dầu đạt đỉnh 108 USD/thùng.

Dẫu vậy, theo báo cáo được Morgan Stanley công bố tháng trước, xét trên tổng thể thì nền kinh tế Mỹ vẫn được lợi. “Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ mạnh lên, trong khi Nga, Iran, Saudi Arabia và Venezuela sẽ yếu đi”, báo cáo của Morgan Stanley có đoạn. 

Nguồn Infonet


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày