Thế giới

Ấn Độ trước cơ hội vàng giáo dục

Thứ Ba | 01/07/2025 17:22

Hệ thống giáo dục đại học Ấn Độ vẫn vướng nhiều rào cản nội tại. Ảnh: The Economist.

Chính sách siết visa của Mỹ đang mở ra cơ hội lớn cho các đại học Ấn Độ, nhưng rào cản nội tại vẫn rất lớn.
Hệ thống giáo dục đại học Ấn Độ vẫn vướng nhiều rào cản nội tại. Ảnh: The Economist.

Chính sách hạn chế sinh viên quốc tế của Mỹ đang tạo ra cơ hội hiếm có cho các trường đại học Ấn Độ. Tổng thống Donald Trump đã đóng băng ngân sách đối với các đại học mà ông cho là có quan điểm đối lập và tạm hoãn phỏng vấn visa, thủ tục bắt buộc với sinh viên quốc tế muốn nhập học trong năm nay.

Suốt nhiều thập kỷ, Ấn Độ đã chứng kiến làn sóng “chảy máu chất xám” đổ về Mỹ. Tại các Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) danh tiếng, hơn 60% sinh viên ưu tú thường chọn du học hoặc làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ. Hiện người Ấn chiếm gần 1/3 tổng số sinh viên quốc tế tại các đại học Mỹ.

Theo một số ước tính, chính sách mới của ông Trump có thể khiến lượng đơn ứng tuyển từ Ấn Độ giảm tới 25% trong năm tới. Đây có thể là cơ hội để Ấn Độ giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở năng lực cạnh tranh toàn cầu của hệ thống đại học nước này vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên lý thuyết, giáo dục đại học Ấn Độ có nhiều lợi thế. Tỉ lệ trúng tuyển vào các trường hàng đầu rất thấp, đôi khi chỉ 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức 3-9% của nhóm Ivy League ở Mỹ. Bên cạnh đó, Ấn Độ có một nửa dân số đang trong độ tuổi học đại học, cùng lực lượng học sinh đông đảo, năng động và trình độ tiếng Anh tốt.

Dù vậy, chưa có trường nào của Ấn Độ lọt top 100 đại học thế giới, trong khi Trung Quốc, mới nổi lên từ những năm 2010, đã chiếm nhiều vị trí trong các bảng xếp hạng toàn cầu.

Một trong những nguyên nhân lớn nằm ở nguồn lực tài chính. Dù chi tiêu cho giáo dục của Ấn Độ (4,1- 4,6% GDP) tương đương Trung Quốc, nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cao gấp 5 lần. Điều này giúp Bắc Kinh dễ dàng chi mạnh cho học bổng và ưu đãi để mời gọi học giả quốc tế, điều Ấn Độ không thể làm được.

Một vấn đề khác là tự do học thuật. Giảng viên đại học ở Ấn Độ thường bị ràng buộc bởi giáo trình do chính phủ quy định và chịu sự giám sát của Ủy ban Cấp phát Đại học quốc gia. Việc tổ chức hội thảo quốc tế hay đi công tác nước ngoài đều cần xin phép trung ương, gây khó khăn cho hợp tác nghiên cứu.

Công tác tuyển dụng tại các trường công cũng chịu ảnh hưởng từ chính trị, khi chính phủ nắm quyền bổ nhiệm lãnh đạo. Tình trạng can thiệp ngày càng trầm trọng. Theo Chỉ số Tự do Học thuật do Scholars at Risk và v-Dem (Thụy Điển) công bố năm ngoái, Ấn Độ bị xếp vào nhóm “bị hạn chế hoàn toàn”, mức thấp nhất kể từ thập niên 1940. Một giáo sư chính trị người Ấn hiện giảng dạy tại Mỹ nhận xét: “Các trường đại học công ở Ấn Độ là một mớ hỗn độn. Giáo trình tôi đang dạy ở Mỹ có thể khiến tôi bị bắt nếu giảng tại quê nhà”.

Các nỗ lực cải cách giáo dục đại học của đất nước tỉ dân gần đây đều chưa mang lại kết quả rõ rệt. Năm 2017, chương trình Trường đại học nổi tiếng (IoE) ra đời nhằm tăng quyền tự chủ và ngân sách cho các trường xuất sắc, nhưng quá ít trường đủ điều kiện tham gia. Năm 2020, Chính sách Giáo dục Quốc gia mới được công bố với nhiều đề xuất táo bạo, như giảm quyền kiểm soát của nhà nước trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng. Tuy nhiên, tiến độ thực thi chậm chạp do bị phản đối bởi các bang do phe đối lập kiểm soát. Đặc biệt, kế hoạch thay đổi ngôn ngữ giảng dạy từ tiếng Anh sang tiếng Hindi tại một số bang đang vấp phải chỉ trích gay gắt, vì có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh quốc tế của các trường.

Trong bối cảnh đó, khối đại học tư nhân nổi lên như một điểm sáng. Hai thập kỷ trước, Ấn Độ chỉ có chưa đến 20 trường đại học tư thục, nhưng hiện tại đã có hơn 400 trường, chiếm khoảng 1/4 số sinh viên đại học cả nước. Các trường này thường do tập đoàn lớn tài trợ, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại và chủ động thu hút giảng viên quốc tế.

Theo Giáo sư Saumen Chattopadhyay tại Đại học Jawaharlal Nehru, các trường tư mới có thể vượt mặt đại học công, nhờ có quyền tự chủ cao hơn. Không bị ràng buộc bởi các chính sách ưu tiên tuyển sinh hay cơ chế bổ nhiệm quan liêu, hiệu trưởng trường tư được toàn quyền chọn người tài. Nếu chính phủ biết hỗ trợ đúng mức mà không can thiệp quá sâu, Ấn Độ hoàn toàn có thể nuôi giấc mơ đổi vận trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ mộng lớn với trí tuệ nhân tạo

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày