Thế giới

Năm 2025 sẽ như thế nào sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống?

Gia Khánh Thứ Sáu | 29/11/2024 07:44

Ảnh: i Ben Hickey.

Mỗi động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump giờ đây đều được thế giới dõi theo.
Ảnh: i Ben Hickey.

Điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chuyển sang bảo hộ mạnh mẽ? Khi nước Mỹ, một siêu cường quốc, đưa ra chính sách ngoại giao không còn thân thiện? Và khi chiến tranh liên tục bùng nổ, các đối thủ hợp lực cùng nhau, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mọi thứ từ chăm sóc sức khoẻ đến các hoạt động quân sự?

Thế giới sắp tìm ra câu trả lời.

Ông Donald Trump đã hứa hẹn về những thay đổi lớn trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Lời hứa nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực, nhưng việc quản trị một đất nước trên thực tế không phải lúc nào cũng như những lời hùng biện lúc vận động tranh cử. Hoàn thành được bao nhiêu mục tiêu đặt ra sẽ phụ thuộc vào nhân sự mà ông lựa chọn cho bộ máy điều hành mới và những người mà ông bổ nhiệm gần đây cho thấy sự trung thành, tính hiếu chiến.

Những thách thức trong chính sách đối ngoại sẽ sớm diễn ra. Ông Trump đã nhiều lần nói sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine chỉ trong một ngày và ông có áp lực phải sớm đạt được thoả thuận đó. Việc này được xem là động thái đầu tiên trong chính sách ngoại giao "cơ bắp" với hệ quả sẽ lan rộng khắp thế giới. Nếu ông Trump gây sức ép, buộc Ukraine chấp nhận mất lãnh thổ, nhưng có thể bảo đảm an ninh và cản bước Tổng thống Vladimir Putin trong dài hạn, thì uy tín của nước Mỹ (và của bản thân ông) sẽ được nâng cao. Nhưng nếu ông đẩy Ukraine vào một thỏa thuận hòa bình mất cân xứng khiến nước này dễ bị Nga tấn công hơn, thì ông Putin sẽ thắng. Sự tồn tại của Ukraine khi đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu châu Âu có thể bảo vệ được Ukraine hay không, một bài kiểm tra mà họ có khả năng sẽ thất bại. Còn Trung Quốc và các nước đối lập sẽ cho rằng: Những lời hứa của Mỹ chỉ là hão huyền.

Ông Donald Trump. Ảnh: Evan Vucci.
Ông Donald Trump. Ảnh: Evan Vucci.

Thách thức đối với khu vực Trung Đông lại khác. Ông Trump có thể thành công trong việc khiến Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Nhưng lại khó có thể dẫn dắt Israel theo hướng giải pháp lâu dài duy nhất, công nhận nhà nước Palestine. Về phía Iran, ông Trump có lẽ sẽ giữ lập trường cứng rắn, một phần vì nước này được cho là đã âm mưu ám sát ông. Nhưng chiến dịch "gây sức ép tối đa", bao gồm các lệnh trừng phạt tăng cường đối với Iran của chính quyền Trump sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) vào năm 2018, giờ đây lại kém hiệu quả hơn trước, vì Iran đã xây dựng một mạng lưới "mập mờ" để bán dầu của mình, chủ yếu là cho Trung Quốc.

Lựa chọn địa chính trị quan trọng nhất sẽ là cách đối phó với Trung Quốc. Mặc dù nền kinh tế này hiện tại đang yếu, Trung Quốc vừa là đối thủ hung hăng vừa đáng gờm hơn so với khi ông Trump lần đầu tiên trở thành Tổng thống vào năm 2017. Một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ xảy ra nhanh chóng, và câu hỏi đặt ra là liệu ông có hỗ trợ Philippines hay sẽ từ bỏ?

Trung Quốc cũng sẽ cho thấy mức độ cực đoan của ông Trump về thuế quan. Ông đã hứa sẽ đánh thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (và 10-20% đối với tất cả các quốc gia khác). Đây có phải là lời đe dọa để đàm phán hay phản ánh mong muốn thực sự tách nền kinh tế của Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc? Điều đó sẽ trở nên rõ ràng vào năm 2025.

Nhưng đứng đầu sự ưu tiên của ông Trump có thể là vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Có thể sẽ có những động thái mạnh tay trục xuất hàng loạt trong thời gian tới. Việc cắt giảm thuế cũng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự vì gói thuế nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Ông cũng đã hứa thêm về việc ra gói cắt giảm thuế mới trị giá 10 nghìn tỉ USD trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Nhưng mặc dù đảng Cộng hòa nắm giữ cả hai viện của Quốc hội, các nhà lập pháp vẫn lo lắng về việc phá vỡ ngân sách ở quy mô đó.

May mắn thay, phần mang tính ảnh hưởng nhất trong chương trình nghị sự trong nước của ông Trump nằm ở việc bãi bỏ quy định và tái tạo bộ máy chính phủ, từ quy định về thuốc đến mua sắm quân sự. Những cải cách này sẽ quyết định tốc độ nước Mỹ áp dụng và phổ biến các công nghệ tiên tiến bao gồm công nghệ sinh học và AI . Tỉ phú Elon Musk sẽ chịu trách nhiệm cho mảng này. Lời hứa cắt giảm ngân sách liên bang 2 nghìn tỉ USD của tỉ phú Elon Musk là vô lý. Nhưng ý tưởng rằng nước Mỹ cần cải cách chính phủ để duy trì vị thế dẫn đầu trong các công nghệ mới cấp tiến chắc chắn là đúng.

Tỉ phú Elon Musk đã trở thành
Tỉ phú Elon Musk đã trở thành Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), một cơ quan mới sẽ hoạt động ngoài chính phủ liên bang. Bộ này cũng sẽ làm việc với Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng để tiến hành các khuyến nghị của mình. Ảnh: Getty Images.

Nếu ông Trump thực sự muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại, thì đây là mảng mà chính quyền của ông nên tập trung. Theo The Economist, thật trớ trêu nếu người đàn ông yêu thích thuế quan lại dẫn đầu trong việc thúc đẩy các công nghệ có thể định hình lại hoặc thay thế nhiều công việc của người Mỹ. Nhưng mở rộng vị thế dẫn đầu của nước Mỹ trong AI sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai và an ninh quân sự của nước này hơn bất kỳ phần nào khác trong chương trình nghị sự MAGA (Make America Great Again). Và giờ thì sân khấu là của Elon Musk.

Có thể bạn quan tâm: 

Năm 2025: AI sẽ đến bước ngoặt vỡ mộng hay thời khắc bứt phá?

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày