Thế giới

Ô tô và TV Trung Quốc "ồ ạt" vào Nga

Lam Ngọc Thứ Hai | 10/07/2023 17:07

Hãng xe Geely (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 3 về doanh số tại Nga. Ảnh: Nikkei Asia.

Làn sóng rời khỏi Nga của các doanh nghiệp phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Trung Quốc ở thị trường này.
Hãng xe Geely (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 3 về doanh số tại Nga. Ảnh: Nikkei Asia.

Sau khi các nhà sản xuất Hàn Quốc rời khỏi Nga do xung đột từ căng thẳng Nga - Ukraine, hàng điện tử tiêu dùng và ô tô Trung Quốc ồ ạt tràn vào và đang dần lấp đầy khoảng trống ở thị trường này.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, 2 “gã khổng lồ” ngành sản xuất ô tô Trung Quốc là Great Wall Motor và Geely đã lần lượt trở thành hãng xe đứng thứ 2 và thứ 3 về doanh số bán hàng tại thị trường ô tô Nga. Vị trí đứng đầu thuộc về nhà sản xuất ô tô AvtoVAZ của Nga.

Cả Great Wall và Geely đều ghi nhận doanh số tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước và thế chỗ 2 thương hiệu Kia và Hyundai Motor của Hàn Quốc. Được biết, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vào năm 2021, Kia và Hyundai Motor là 2 hãng xe chiếm lĩnh vị trí thứ 2 và thứ 3 về doanh số tại Nga.

 

Hiện tại, Kia đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong khi Hyundai xếp thứ 11 bởi Tập đoàn Hyundai Motor, đồng thời là công ty mẹ của Kia, đã dừng mọi hoạt động sản xuất tại Nga. Tháng 3/2022, Hyundai đã cho ngừng hoạt động nhà máy ở St. Petersburg, cũng là nơi sản xuất ô tô của thương hiệu Kia. Truyền thông Hàn Quốc sau đó cũng cho biết Hyundai có khả năng sẽ bán lại nhà máy này.

Không riêng lĩnh vực ô tô, mảng điện tử tiêu dùng, bao gồm TV, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Haier và Hisense cũng đang dần thay thế các đối thủ Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics. Tương tự các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu, LG và Samsung đã ngừng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga với lý do lo ngại các vấn đề nhân đạo và chuỗi cung ứng.

Theo hãng tin Nikkei Asia, chính phủ Nga đã hợp pháp hóa hoạt động nhập khẩu song song mà không cần nhận được sự cho phép của các nhà sản xuất hay phân phối chính thức. Động thái này được cho là để đáp ứng nhu cầu nội địa đối với các mặt hàng điện tử và hàng hoá tiêu dùng hàng ngày. Và thời gian quan, hàng hoá của Hàn Quốc đã được nhập khẩu vào Nga thông qua các nước thứ ba. Tuy nhiên, hình thức nhập khẩu này phải chịu thêm nhiều chi phí vận chuyển và mất nhiều thời gian để giao hàng.

Việc nhập khẩu “đường vòng” này đã khiến giá trung bình của 1 chiếc TV do Hàn Quốc sản xuất ở Nga tăng khoảng 20%. Do đó, người tiêu dùng Nga đã lựa chọn giá rẻ bằng cách sử dụng sản phẩm từ Trung Quốc.

Các thiết bị điện thoại thông minh cũng không ngoại lệ. Một trong những yếu tố quan trọng mà người Nga đòi hỏi ở điện thoại thông minh là khả năng sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến tại Nga với chức năng tương tự như thời điểm trước khi Nga bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt.

Theo dữ liệu từ M.Video, trong nửa đầu năm 2023, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc đã chiếm hơn 70% thị trường Nga. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều người dân Nga lựa chọn sử dụng hàng Trung Quốc vì sự tiện lợi.

“Làn sóng rời khỏi Nga của các doanh nghiệp phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc chẳng cần phải làm gì mà thị phần ở thị trường Nga vẫn tăng lên”, ông Naoya Hase, Giám đốc Văn phòng Moscow thuộc Hiệp hội Thương mại Nhật Bản với Nga & NIS, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Phố Wall "trải thảm tiền" chiêu mộ thực tập sinh

Nguồn Nikkei Asia


Tin nổi bật trong ngày