Trung Quốc đối phó với thảm họa nhân khẩu học
Dân số già hóa dẫn đến lực lượng lao động của Trung Quốc suy giảm trong thập kỷ qua. Ảnh: The Economist.
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do tốc độ dân số già hóa nhanh chóng, tỉ lệ sinh ở mức thấp báo động.Hiện nay, tỉ lệ dân số trên 60 tuổi là 297 triệu người, chiếm 21% tổng dân số Trung Quốc, quốc gia này sẽ có sự tăng trưởng nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2050, số lượng này sẽ tăng lên 520 triệu, chiếm 38% tổng dân số. Trung Quốc đã chứng kiến việc giảm dân số liên tiếp trong hai năm qua. Đồng thời, lực lượng lao động của quốc gia này cũng đã suy giảm trong thập kỷ vừa qua.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy giảm do dân số già hóa. Đến nay, Chính phủ đã cố gắng tăng tỷ lệ sinh, hiện chỉ ở mức 1,2, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Thủ tướng Trung Quốc đã đề xuất một "chiến lược quốc gia mạnh mẽ" để đối phó với vấn đề già hóa dân số, bao gồm từ chương trình bảo hiểm đến cải cách lương hưu.
Không chỉ Trung Quốc, mà Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt với vấn đề giảm dân số, dự kiến sẽ giảm nhanh hơn trong hai thập kỷ tới.
Giải quyết vấn đề
Trong bốn thập kỷ qua, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 9%/năm, nhờ vào sự hỗ trợ của một lượng lớn người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trong số họ đã đến tuổi nghỉ hưu. Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đang già hóa đi trước khi giàu. Khi dân số Nhật Bản bắt đầu suy giảm vào năm 2008, GDP bình quân đầu người của họ là khoảng 47.500 USD, trong khi của Trung Quốc chỉ là 21.000 USD. Điều này có thể buộc Trung Quốc phải cắt giảm đầu tư vào năng suất để chăm sóc người già.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu. Đàn ông thường nghỉ hưu ở tuổi 60, phụ nữ văn phòng ở tuổi 55, và công nhân nhà máy ở tuổi 50. Kể từ khi quy định này được thiết lập, tuổi thọ trung bình đã tăng từ dưới 60 lên gần 80. Ông Bert Hofman từ Đại học Quốc gia Singapore nói rằng, nếu Trung Quốc tăng tuổi lao động như Nhật Bản, có thể có thêm 40 triệu người làm việc vào năm 2035.
Trung Quốc cũng đang tận dụng tốt hơn lực lượng lao động hiện có. Một nửa số người trong độ tuổi 20-24 đã học đại học hoặc cao đẳng, so với chỉ 7% người sắp nghỉ hưu. Tuy nhiên, ở nông thôn, ít người hoàn thành cấp ba. Nâng cao kỹ năng cho nhóm này là cần thiết. Hofman ước tính rằng, nếu không có thay đổi, sự suy giảm lực lượng lao động có thể làm giảm 1% tăng trưởng GDP hàng năm trong thập kỷ tới. Nhưng một lực lượng lao động làm việc lâu hơn và được giáo dục tốt hơn có thể giảm bớt tác động này.
Bên cạnh việc áp dụng chính sách nâng cao độ tuổi nghỉ hưu, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tích hợp máy móc, công nghệ để giảm bớt gánh nặng lao động, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công. Theo thông tin từ Liên đoàn Robot Quốc tế, trong năm 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 50% lượng robot công nghiệp trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh chỉ ra rằng, nếu Trung Quốc có thể tăng số lượng robot lên đến 3 triệu vào năm 2050, thì "lợi tức từ robot" có thể bù đắp được hơn một nửa sự thiếu hụt lao động trong tương lai.
Nếu thách thức đầu tiên của Trung Quốc là làm thế nào để cải thiện lực lượng lao động, thì thách thức thứ hai làm thế nào để đảm bảo cho người già có quyền lợi xứng đáng. Hiện nay, lương hưu vẫn là một giải pháp phổ biến, với mức trả trung bình khoảng 3,600 nhân dân tệ (500 USD)/ tháng, chiếm 50% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có đủ tiền để chi trả cho các chi phí cơ bản ở hầu hết các khu vực thành thị. Để duy trì mức phúc lợi hiện tại, chi tiêu cho lương hưu sẽ cần tăng gấp đôi, lên tới 10% GDP vào năm 2050, gấp đôi so với mức chi tiêu ở Anh hiện nay (khoảng 5% GDP).
Để giảm bớt gánh nặng, Chính phủ đã cân nhắc việc thực hiện một số biện pháp nhất định. Như việc thuyết phục nhiều người đăng ký nhận lương hưu tư nhân giúp họ có thể tự lập kế hoạch lương hưu cho tương lai. Nhưng đến nay chỉ có 50 triệu người đăng ký bởi các ưu đãi giảm giá hóa đơn điện thoại và vẫn còn rất nhiều tài khoản trống.
Điều này khiến cho Chính phủ đứng trước những lựa chọn khó khăn, buộc các công ty đóng góp nhiều hơn vào quỹ lương hưu do nhà nước quản lý, tăng thuế để bù đắp khoảng trống tài chính hoặc điều chỉnh chế độ lương hưu. Tuy nhiên, mỗi lựa chọn đều có những hậu quả riêng. Việc tăng thuế đòi hỏi cải cách hệ thống tài chính toàn diện, trong khi giảm lương hưu có thể đẩy nhiều người già vào cảnh nghèo đói. Theo một nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, 13% người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sống với mức dưới 300 nhân dân tệ mỗi tháng vào năm 2020. Do đó, việc giảm lương hưu không phải là lựa chọn ưu tiên.
Phát triển nền kinh tế bạc
Chính phủ đang đối mặt với thách thức đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi trong khi phát triển nền kinh tế phù hợp với nhu cầu của họ. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã cam kết phát triển "nền kinh tế bạc," một ngành công nghiệp tập trung vào sản phẩm và dịch vụ cho người già, dự kiến sẽ đạt giá trị 30 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2035. Các công ty đang tận dụng cơ hội này để sản xuất thiết bị y tế thông minh và các sản phẩm dinh dưỡng như canxi ngày càng tăng. Thị trường tã người lớn cũng được dự đoán sẽ vượt qua thị trường dành cho trẻ sơ sinh vào năm 2025.
Chính phủ đang đối mặt với thách thức đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi trong khi phát triển nền kinh tế phù hợp với nhu cầu của họ. Nguồn ảnh: alizila.com. |
Cùng lúc, chính phủ đang hỗ trợ đầu tư vào công nghệ mới như robot và liệu pháp gen, cũng như tạo ra việc làm mới như người hộ tống y tế. Tuy nhiên, theo ước tính từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ và Kinh doanh Trùng Khánh, với sự gia tăng người già mắc bệnh mãn tính và khuyết tật, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc lâu dài sẽ cần sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ chính phủ, với chi phí dự kiến tăng gấp ba lên 247 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.
Tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Chính phủ đã triển khai các chương trình cải tạo nhà ở cho người già, lắp đặt thang máy, tay vịn và hệ thống báo động. Đồng thời, các cơ quan cung cấp dịch vụ giao hàng cộng đồng giá rẻ, và trợ cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người khuyết tật hoặc mất trí nhớ. Tuy nhiên, Chính sách cải cách cho các viện dưỡng lão của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức về chất lượng, số lượng cũng như vấn đề về nhân sự, với chỉ 500.000 người chăm sóc được đào tạo so với nhu cầu ước tính là 6 triệu người. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực lớn từ phía chính phủ để cải thiện tình hình và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Có thể bạn quan tâm:
Trà sữa Trung Quốc khuấy động thị trường nước ngoài
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư