Công Nghệ

Apple Music: Kẻ phá bĩnh thị trường nhạc số

Thứ Ba | 14/07/2015 07:30

Apple Music thực sự là mối đe dọa cho các nhà kinh doanh nhạc số, trên thế giới và cả các đơn vị nội địa như NhacCuaTui hay Zing MP3.

Hơn một năm kể từ thương vụ khủng phải chi ra đến 3 tỉ USD để mua lại hãng âm thanh Beats, Apple đã làm nức lòng người hâm mộ bằng “bom tấn” Apple Music.

Trong bản cập nhật iOS 8.4 mới đây của Apple, thứ được mong đợi nhất chính là Apple Music. Ðây là một dịch vụ cho phép nghe nhạc từ kho nhạc trực tuyến khổng lồ từ hãng này. Tại Mỹ, để dùng Apple Music sẽ phải trả mức phí 10 USD/tháng. Nhưng Apple đang ưu ái cho người Việt khi chúng ta chỉ phải trả phí 3 USD/tháng.

Ðặc biệt, với dịch vụ này, người dùng có thể thưởng thức rất nhiều bài hát quốc tế giới hạn về mặt bản quyền và không thể có trên các dịch vụ trong nước như NhacCuaTui hay Zing MP3.

Thực tế, điều tạo nên sự bền vững trong cơ cấu doanh thu của Apple không phải là việc bán thiết bị mà chính là từ kinh doanh nội dung số như nhạc, phim và các ứng dụng. Nguyên tắc phổ biến là Apple lấy 30% doanh thu và chỉ việc xây dựng hệ thống, trong khi nội dung sẽ được các bên thứ ba trên toàn cầu đóng góp vào. Do không thể sản xuất ra iPhone mới liên tục, nên  vũ khí cạnh tranh của Apple cũng chính là nội dung số.

Apple Music được đón nhận mạnh mẽ vì có kho nhạc phong phú, giá rẻ và chất lượng cao. Ở khía cạnh chất lượng, người dùng có thể nghe nhạc trực tuyến rất nhanh và thậm chí tải về máy. Ngoài ra, người dùng tại Việt Nam còn có thêm một lý do để thích dịch vụ này vì chúng ta hiện không thể dùng các dịch vụ nghe nhạc khác như Spotify hay Google Music, dù hai kho nhạc này ít hơn Apple Music mà chi phí lại cao hơn.

Hiện Apple đã bán ra hơn 700 triệu chiếc iPhone. Giả sử chỉ 50% trong số đó có thể nâng cấp lên iOS 8.4 để dùng Apple Music thì hãng này sẽ có doanh thu hơn 1 tỉ USD/tháng và hoa hồng thu về 300.000 USD/tháng. Ðó là chưa kể đến iPad và các thiết bị khác. Sau nhiều ngày giảm liên tiếp, giá cổ phiếu của Apple cũng tăng nhẹ, quay lại mốc 128 USD/cổ phiếu sau khi Apple Music trình làng.

Apple Music thực sự là mối đe dọa cho các nhà kinh doanh nhạc số, trên thế giới và cả các đơn vị nội địa như NhacCuaTui hay Zing MP3. Cần lưu ý rằng ứng dụng NhacCuaTui vừa được Apple duyệt và xuất hiện lại trên App Store cách đây ít ngày, trong khi ứng dụng Zing MP3 thì vẫn vắng bóng vì lý do bản quyền. Đáng nói hơn, Apple sẽ xâm lấn “mảnh đất” Android của Google Music vào tháng 9 này với sự xuất hiện Apple Music dành cho Android.

Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng Apple Music không phải là vô đối vì vẫn còn đó những hạt sạn. Do phát triển rộng thì khó phát triển sâu. Nên dù mở cho người dùng Việt Nam sử dụng, nhưng chúng ta lại thấy những thể loại nhạc của Indonesia hay Malaysia, trong khi nhạc Việt Nam lại không có.

Ngoài ra, một vấn đề lớn khác chính là bản quyền. Theo ông Nguyễn Minh Kha, Phó Tổng Giám Đốc NCT, đơn vị chủ quản NhacCuaTui thì có một bài hát của nam ca sĩ Sơn Tùng-MTP đã được NCT bảo hộ độc quyền, nhưng vẫn xuất hiện trên Apple Music mà NCT không hề nhận được thông tin liên lạc nào từ Apple trước đó. Đây thật sự là câu hỏi lớn vì liệu rằng những bài hát khác ở những quốc gia khác có xảy ra tình trạng tương tự?

Dù sao, Apple Music thật sự là con bài khôn ngoan. Apple bán thiết bị mà còn củng cố nhóm khách hàng trung thành, có cách thu tiền đều đặn từ họ mỗi tháng. Nhưng một sản phẩm triển khai diện rộng chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại. Các đối thủ như Spotify hay Google Music liệu sẽ làm gì?

Vũ Hoàng Tâm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày