Thế giới

Hai cái tên “đáng gờm” đối với Amazon

Lam Ngọc Thứ Tư | 21/02/2024 15:33

Cả Shein và Temu đều không tiếc hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số. Ảnh: Weird.

Shein và Temu đều thành công gia nhập thị trường thương mại điện tử Mỹ thông qua các chiến dịch quảng cáo thông minh với mức giá hấp dẫn.
Cả Shein và Temu đều không tiếc hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số. Ảnh: Weird.

“Mua sắm như một tỉ phú” là tựa đề cho đoạn quảng cáo của Temu xuất hiện trước công chúng trong sự kiện Super Bowl, trận tranh chức vô địch của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) của Mỹ diễn ra hằng năm, vào ngày 11/2 vừa qua. Được biết, số tiền được chi ra cho 30 giây quảng cáo tại Super Bowl là khoảng 7 triệu USD.

Chiến lược giá rẻ tại Mỹ

Theo ước tính của ngân hàng JPMorgan Chase, Temu đã chi khoảng 3 tỉ USD cho hoạt động tiếp thị trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với con số 1,7 tỉ USD trong năm 2023.

Temu là nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Boston, đồng chủ sở hữu với công ty mẹ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Pinduoduo (Trung Quốc). Những nỗ lực hiện tại của Temu cho thấy tham vọng phá vỡ thị trường thương mại điện tử Mỹ, theo bước chân của Shein, thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc đã thành công thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các chiến dịch quảng cáo thông minh với mức giá hấp dẫn. 

Cả Shein và Temu đều không tiếc hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số, nhằm để lại ấn tượng trong cuộc đua thu hút người tiêu dùng Mỹ. Năm 2023, Temu là ứng dụng được cài đặt nhiều nhất tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức, theo Business of Apps. Trong khi đó, Shein là ứng dụng mua sắm “hot” nhất trong cộng đồng thanh thiếu niên Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi mà giới chuyên gia đặt ra là liệu 2 công ty này có thể xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ không hay mức giá rẻ này có thể đem lại một sản phẩm tốt hay không?.

Thế mạnh của 2 nền tảng mua sắm này là giá cả cạnh tranh. Theo công ty nghiên cứu Moffett Nathanson, các mặt hàng thời trang của Temu có giá thấp hơn từ 2-4 lần so với các trang web thương mại điện tử Mỹ khác. Thậm chí, một chiếc bàn chải đánh răng điện, kính râm hay ba lô trên Temu chỉ có giá khoảng 1 USD.

2 nền tảng mua sắm này đều áp dụng chiến lược giá rẻ với mức chiết khấu đáng kể. Để duy trì chiến lược này, Shein và Temu làm việc trực tiếp với các nhà máy Trung Quốc, loại bỏ các khâu trung gian nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cả 2 cũng tránh những hoạt động hậu cần ở Mỹ như năng lực kho hàng lớn của Amazon. Thay vào đó là lựa chọn vận chuyển hàng hóa từ các kho ở Trung Quốc và giao cho người mua hàng ở Mỹ thông qua dịch vụ UPS, FedEx hoặc bưu điện. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc không thể đáp ứng được tốc độ giao hàng nhanh chóng, thậm chí có thể mất đến vài tuần cho một đơn hàng.

Theo The Economist, Temu hiện tập trung vào thị phần hơn là tạo ra lợi nhuận. Công ty môi giới Bernstein ước tính Temu đang lỗ khoảng 10 USD trên mỗi đơn hàng của Mỹ. Thế nhưng, nhờ sự giàu có của công ty mẹ Pinduoduo, Temu vẫn có thể hoạt động với mức lỗ tài chính đáng kể. Được biết, Pinduoduo đã kiếm được 12 tỉ USD tiền mặt từ hoạt động kinh doanh tại thị trường nội địa trong năm 2023.

Trong khi đó, Shein đang tìm cách tăng vốn đầu tư. Tháng 11/2023, Công ty đã nộp đơn IPO tại Mỹ. Nếu IPO thành công, đây sẽ là một vụ giao dịch lớn. Khi ở vòng gọi vốn hồi tháng 5/2022, Shein được định giá 66 tỉ USD.

Ai cần lo lắng?

Tuy nhiên, cho đến nay, 2 nền tảng mua sắm Trung Quốc chỉ mới chiếm được một phần nhỏ trong thị trường thương mại điện tử Mỹ. Theo Bernstein, Temu và Shein chỉ chiếm khoảng 1% thị phần, trong khi Amazon là 38%. Dẫu vậy, đây vẫn là 2 cái tên “đáng gờm” đối với Amazon. Tháng 9/2023, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ triển khai dịch vụ chuỗi cung ứng toàn diện, nhận hàng từ các nhà máy của người bán và giao đến người mua.

Shein hiện là mối đe dọa lớn nhất với các thương hiệu thời trang nhanh như Forever 21. Ảnh: CNA.
Shein hiện là mối đe dọa lớn nhất với các thương hiệu thời trang nhanh như Forever 21. Ảnh: CNA.

Tháng 12/2023, Amazon áp dụng chương trình trợ giá cho người bán, khi bán hàng thời trang có giá dưới 15 USD. Giới phân tích cho rằng những động thái này nhằm đối phó với sự cạnh tranh kép từ các đối thủ Trung Quốc.

Thực tế, Amazon không phải là người cần lo lắng bị ảnh hưởng đầu tiên. Theo eMarketer, Shein hiện là mối đe dọa lớn nhất với các thương hiệu thời trang nhanh như Forever 21, mặc dù các sản phẩm thời trang chỉ chiếm 16% doanh thu của Hãng. Còn đối với Temu, nền tảng này là mối lo ngại đối với eBay và Etsy. 

Ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng, sự mở rộng nhanh chóng của Shein và Temu tạo ra những kết quả thuận lợi trong thời gian ngắn, nhưng có thể không bền vững về nhiều mặt để cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Mỹ, chẳng hạn như năng lực kho hàng hay quản lý hàng trả lại. Nhưng hiện tại, cả Shein và Temu đều đã mua không gian kho lưu trữ tại Mỹ và hợp tác với các công ty hậu cần nội địa. 

Shein tích cực thu hút các dịch vụ chuỗi cung ứng từ Amazon, còn Temu đẩy mạnh việc bán những sản phẩm có giá trị cao hơn, như điện thoại thông minh, một bước đi mà Pinduoduo đã áp dụng thành công tại thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ đưa Temu cạnh tranh trực tiếp ở nhiều khía cạnh hơn với những “ông lớn” Amazon và Walmart.

Có rất nhiều kịch bản cho Shein và Temu trong tương lai. Bởi không chỉ cạnh tranh với các đối thủ tại Mỹ, cả 2 nền tảng này còn phải cạnh tranh với nhau. Thêm vào đó, việc TikTok Shop được ra mắt vào tháng 9/2023 cũng có thể gây trở ngại ở góc độ nào đó.

Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng Shein và Temu đã hoàn thành phần khó nhất trong việc gia nhập vào thị trường Mỹ. Việc thu hút sự chú ý ban đầu của người tiêu dùng là điều khó khăn, nhưng khi thương hiệu đã trở nên quen thuộc, việc bán nhiều sản phẩm hơn, kể cả sản phẩm có giá trị cao cũng sẽ dễ dàng hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Nền kinh tế Ấn Độ phát triển như thế nào dưới thời Thủ tướng Narendra Modi?

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày