Thế giới

Thế giới lo ngại trước làn sóng di cư của người dân Trung Quốc

Bảo Hân Thứ Năm | 25/01/2024 16:48

Cung đường Pracha Rat Bamphen ở Bangkok. Ảnh: Atikhom Saengchai.

Được thúc đẩy bởi suy thoái kinh tế, có hơn 1,1 triệu người đã rời khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019.
Cung đường Pracha Rat Bamphen ở Bangkok. Ảnh: Atikhom Saengchai.

Theo lời thầy phong thủy, đoạn giữa của đường Pracha Rat Bamphen ở Bangkok trông giống như bụng rồng, khiến cung đường này trở thành địa điểm tốt lành, có thể khiến chủ nhà hoặc chủ doanh nghiệp phát tài nếu xây dựng cơ ngơi tại đây.

Vì vậy, khi làn sóng doanh nhân Trung Quốc bắt đầu đổ đến Bangkok sau đại dịch, nhu cầu bất động sản đang tăng cao. Đối với một số người dân địa phương, đó là cơ hội cả đời để bán hoặc cho thuê nhà của họ. Ông Chanaphon Rittayamai, một cư dân lâu đời tại khu vực cho biết giá của nhà hàng xóm hiện đạt 15 triệu baht (420.000 USD), cao hơn 50% so với dự kiến.

Giờ đây khu phố này tràn ngập các biển hiệu bằng tiếng Quan Thoại, quảng bá mọi thứ từ đồ ăn cho đến dịch vụ sản xuất video.

Làn sóng định cư nước ngoài của người Trung

 

Do suy thoái kinh tế, có hơn 1,1 triệu người đã rời khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019. Trong các cộng đồng vốn không phải là điểm đến thường xuyên của tiền Trung Quốc, dòng người di cư đang mang đến những thay đổi, một số được hoan nghênh, một số thì không. Khi mà xu hướng này lấn át các thương gia địa phương trên đường phố ở trung tâm thành phố Bangkok, công nghiệp hóa nhiều vùng nông thôn Việt Nam và củng cố giá trị biệt thự ven biển ở Nhật.

Trong làn sóng người di cư Trung Quốc gần đây có ông Liu Bing, đồng sở hữu một nhà hàng trên đường Pracha Rat Bamphen chuyên về lẩu Mala, một món ăn có mùi thơm từ ớt Tứ Xuyên gây tê miệng. Nhà hàng mới mở cửa vào tháng 12, nhưng ông Liu đã có kế hoạch cho 3 chi nhánh khác trong năm nay. Ông cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang bất ổn. Chúng tôi thích môi trường và nhịp sống hiện tại ở Thái Lan”.

Ngay cả khi chính phủ trải thảm chào đón, cộng đồng dân địa phương vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về người Trung Quốc nhập cư. Một lời chỉ trích thường được ghi nhận là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc không làm được gì nhiều cho nền kinh tế trong nước vì chủ sở hữu của họ lấy lao động, nguyên liệu thô và hàng hóa từ đại lục.

Sự chuyển đổi và căng thẳng trên đường Pracha Rat Bamphen làm nổi bật tác động mà làn sóng di cư hậu đại dịch của Trung Quốc mang đến cho các cộng đồng trên toàn cầu.

Trung Quốc không công bố dữ liệu về tình trạng di cư, nhưng số liệu do Liên Hiệp Quốc tổng hợp cho thấy, sự gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Số lượng di cư ròng hàng năm trung bình đạt hơn 191.000 trong thập kỷ tính đến năm 2019, nhưng đã tăng lên hơn 310.000 mỗi năm trong 2 năm qua. Những con số này sẽ không giảm trong tương lai gần, theo Juwai IQI, một công ty tư vấn bất động sản ở Kuala Lumpur, ước tính hơn 700.000 người sẽ rời Trung Quốc trong 2 năm tới.

Những người rời đi bao gồm từ những người rất giàu mua bất động sản sang trọng ở Singapore hoặc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho đến những người rất nghèo cố gắng vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ - Mexico. Nhưng nhóm rời đi lớn nhất lại đến từ tầng lớp trung lưu: công nhân lành nghề, chủ doanh nghiệp nhỏ và chuyên gia có trình độ học vấn.

Tác động sâu rộng đến cộng đồng địa phương

Đối với một số người, ra đi là để theo đuổi cơ hội kinh tế. Khi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc, nhiều cơ sở thay thế đã mọc lên tại các quốc gia lân cận.

Tại thành phố Bắc Ninh, phía Bắc Việt Nam, đâu đâu cũng có dấu ấn của cư dân người Hoa. Các nhà hàng địa phương sử dụng mã QR trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc để nhận đơn đặt hàng đồ ăn và Google Dịch để trao đổi với thực khách. Các quán karaoke và tiệm masage mới nằm rải rác trên đường phố.

Công việc ở nhà máy được trả lương khá cao. Ông Đào Xuân Cường, người giám sát các khu công nghiệp trong khu vực, cho biết quản lý cấp cao có thể kiếm được tới 65.000 USD/năm, gấp khoảng 16 lần mức lương trung bình ở địa phương. Mức thu nhập đó đã tạo ra một khu vực thịnh vượng của Trung Quốc gần trung tâm thành phố, với đầy những biệt thự lớn và những chiếc SUV sang trọng. 

Làn sóng này cũng có tác động tốt đến người lao động địa phương. Bên ngoài nhà máy thuộc sở hữu của Goertek, một công ty Trung Quốc sản xuất AirPods cho Apple tài xế xe ôm Đàm Thanh Chương cho biết các khu công nghiệp đang thay đổi cuộc sống của ông. "Khi còn trẻ có những ngày tôi không thể kiếm đủ tiền để mua dù chỉ một hạt gạo”, ông nói. Ngày nay, ông Chương 70 tuổi và gia đình kiếm được ít nhất 2.750 USD/tháng bằng cách cho những người nhập cư làm việc trong các nhà máy điện tử thuê phòng.

Các quốc gia với số dân di cư ròng lớn nhất (ước tính vào năm 2023). Ảnh: Bloomberg.
Các quốc gia với số dân di cư ròng lớn nhất (ước tính vào năm 2023). Ảnh: Bloomberg.

Ngay cả Nhật vốn có truyền thống cảnh giác với người nhập cư cũng đang nới lỏng các hạn chế để thu hút doanh nhân và nhà đầu tư. Thị thực quản lý kinh doanh, cấp quyền cư trú cho những người đầu tư 5 triệu yen (34.000 USD) vào một doanh nghiệp, rất phổ biến đối với người Trung Quốc: Trong 9 tháng đầu năm ngoái, 2.768 công dân Trung Quốc đã vào Nhật theo cách này, vượt qua kỷ lục hằng năm là 2.576 vào năm 2022. 

Song, vẫn có những ý kiến trái chiều khi làn sóng nhập cư dẫn đến giá bất động sản địa phương tăng cao và các tác động khác.

Mặc dù con số không lớn so với các quốc gia khác nhưng lượng khách đến có tác động đáng chú ý tại các thành phố nhỏ. Chẳng hạn như tại Okinawa, tỉnh nghèo nhất Nhật với nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch. Nơi đây tự hào có làn nước màu ngọc lam, rạn san hô và đồ ăn hấp dẫn khẩu vị của người Trung Quốc. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tại thành phố ven biển này, số lượng cư dân Trung Quốc đã tăng 16% từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2022, bất chấp các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt của COVID-19.

Theo người dân địa phương, một khu phố được xây dựng trên đất khai hoang hiện là nơi sinh sống của cộng đồng người Trung Quốc giàu có ngày càng tăng, nhiều người trong số họ làm nghề thương mại hoặc ngành du lịch. Một chủ nhà người Nhật cho biết hàng tuần ông nhận được thư từ các công ty bất động sản đề nghị mua nhà của mình một điều bất thường ở Nhật, nơi giá nhà hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Ông Masao Tamashiro, một cư dân địa phương 72 tuổi, nói: “Có cảm giác như chúng tôi đang trên bờ vực. Chúng tôi cần nghĩ cách tạo ra một cộng đồng mới để duy trì truyền thống của mình”.

Có thể bạn quan tâm: 

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang giảm dần

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày