Bất động sản

Bất động sản công nghiệp thêm đối trọng tỉ đô

Viết Nguyên Thứ Ba | 25/08/2020 13:30

Nguồn ảnh: TL

Việc bất động sản logistics Việt Nam thiếu các tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại chính là cơ hội mà các ông lớn nhắm tới.
Nguồn ảnh: TL

Logos Vietnam Logistics Venture, một liên doanh giữa Logos và đối tác ngoại, đã được hình thành cho mục đích đầu tư vào bất động sản logistics ở Việt Nam. Đây là liên doanh thứ 4 trong năm 2020 của Logos, một tập đoàn bất động sản đến từ Úc và cũng là thành viên thuộc Công ty Quản lý quỹ ARA. Tháng 3 vừa qua, ARA đã mua lại Logos từ tay 2 nhà sáng lập. Tính đến thời điểm hiện tại, danh mục đầu tư của Logos tại châu Á - Thái Bình Dương đã lên tới 100 bất động sản hậu cần tại 9 quốc gia với tổng tài sản quản lý khoảng 9,5 tỉ USD.

 

Trở lại câu chuyện liên doanh, Logos không tiết lộ tên tuổi của đối tác tham gia liên doanh nhưng cho biết đây là một nhà đầu tư toàn cầu. Logos Vietnam Logistics Venture đặt mục tiêu huy động 1 tỉ USD toàn khu vực. Liên doanh này dự kiến sẽ dùng nguồn tiền đầu tư vào cơ sở hậu cần ở Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc...

Trong quá khứ, khi mở rộng đầu tư sang Singapore và Indonesia, Logos từng gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư chiến lược như Canada Pension Plan Investment Board (CPPIB), Ivanhoe Cambridge... Bây giờ, sau một tuần đánh tiếng (từ ngày 10.8), Logos cũng đã cơ bản thu xếp được tài chính và bắt đầu kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, Logos Vietnam Logistics Venture dự tính sẽ dành khoảng 350 triệu USD để đầu tư vào bất động sản logistics tại các vùng trung tâm như  TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Sau đó, liên doanh sẽ tiến hành các thương vụ M&A chiến lược, làm sao trong 12-18 tháng sau, Logos có thể cung cấp một lượng ổn định các cơ sở hậu cần cho khách hàng tại những địa điểm quan trọng. Xa hơn, Logos sẽ tập trung mua lại và phát triển các thương hiệu thuộc lĩnh vực logistics và đánh mạnh vào phân khúc cốt lõi là thương mại điện tử, thực phẩm và kho lạnh. Về mặt nhân sự, từ tháng 1.2020, Logos cũng đã bổ nhiệm ông Glenn Hughes, cựu Giám đốc Quản lý vốn của PwC Việt Nam, làm người đứng đầu tại Việt Nam.

 

Ông Trent Iliffe, Tổng Giám đốc Điều hành và là đồng CEO Logos, nhấn mạnh, sở dĩ Logos vẫn lập liên doanh đầu tư vào Việt Nam ngay giữa đại dịch COVID-19 vì nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mới của Việt Nam. Theo Savills Việt Nam, bất động sản công nghiệp, bao gồm bất động sản logistics (giao nhận - kho vận) đang là lĩnh vực sáng giá nhất của ngành bất động sản Việt Nam.

Nửa đầu năm nay, trong 15 tỉ USD nguồn vốn FDI thu hút được, phần lớn được sử dụng trực tiếp cho các khu công nghiệp và sản xuất. Vì thế, nhu cầu thuê kho bãi, giao nhận... gia tăng.

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, trong 261 khu công nghiệp đang hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đã đạt 76%. Nếu xét riêng các vùng trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Long An (phía Nam), Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng (phía Bắc), mức độ lấp đầy còn cao hơn.

“Hầu hết các giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái”, ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, nhận định. Đa số người thuê bất động sản logistics hiện là công ty đã có văn phòng tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất. Còn những dự án mới, từ các nhà đầu tư mới vẫn chưa thể đẩy mạnh vì vướng vấn đề đi lại do dịch. Dù vậy, theo dữ liệu từ Real Capital Analytics, tính chung khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nếu bất động sản bán lẻ giảm 68%, thì các giao dịch bất động sản công nghiệp và ngành giao nhận - kho vận chỉ giảm 24%.

Chỉ mới phục vụ cho các giao dịch, dự án cũ mà tình trạng cầu vượt cung đã xảy ra. Vì thế, báo cáo của Savills Việt Nam cho rằng, gia tăng nguồn cung trở nên cấp thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất thế giới dự định rời khỏi Trung Quốc để chuyển đến Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đang là điểm đến đáng chú ý nhờ loại bỏ hoàn toàn dịch SARS và tiếp tục ghi dấu ấn trong cuộc chiến ngăn chặn dịch COVID-19. Bên cạnh đó, dưới tác động của chiến lược “Trung Quốc +1”, thương chiến Mỹ - Trung, để giảm rủi ro và đa dạng hóa địa điểm, các tập đoàn thế giới cũng đang thay đổi, mở rộng địa điểm.
Các yếu tố khác như sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, môi trường kinh doanh ổn định, những ưu đãi thuế, các hiệp định thương mại tự do, đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp... góp phần giúp Việt Nam sáng giá hơn trong mắt nhà đầu tư.

Để đáp ứng nhu cầu mới, Đồng Nai có kế hoạch bổ sung thêm 8 khu công nghiệp. Còn BW Industrial, liên doanh giữa Becamex IDC và Warburg Pincus, cũng đã tìm cách mở rộng hoạt động, khi tăng vốn điều lệ lên 4.916 tỉ đồng (260 triệu USD) và tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp cho thuê từ 130 ha năm 2018 lên gần 500 ha trong năm nay.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL

Tính đến cuối năm 2019, BW Industrial đã phát triển hơn 10 dự án trên tổng quỹ đất 230 ha tại 6 tỉnh, thành, gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. "Mục tiêu quỹ đất BW Industrial sẽ tăng lên 3-4 lần trong vòng 3-5 năm tới", ông C.K Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial, từng chia sẻ. Liên doanh BW Industrial được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Logos Vietnam Logistics Venture.

Một số doanh nghiệp khác như Cen Land cũng đã lấn sang bất động sản logistics. Ngoài ra, JLL Việt Nam ghi nhận, nhiều nhà đầu tư cũng không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần bằng cách mua lại quỹ đất hoặc lập liên doanh với nhà phát triển công nghiệp địa phương.

Dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của mảng này. Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để đạt giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Đặc biệt, thị trường bất động sản logistics ở Việt Nam còn thiếu những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại. Đây chính là cơ hội mà các ông lớn, những liên doanh hàng trăm triệu đô như  BW Industrial, Logos Vietnam Logistics Venture nhắm tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày