Bất động sản

Cổ phiếu khu công nghiệp sáng nhờ quỹ đất

Vũ Hoài Thứ Ba | 12/01/2021 14:00

So với năm 2006, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2019 đã tăng hơn 3 lần lên mức 38 tỉ USD. Ảnh: vnr500.com.vn

Những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những cái tên sáng giá của ngành.
So với năm 2006, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2019 đã tăng hơn 3 lần lên mức 38 tỉ USD. Ảnh: vnr500.com.vn

Việt Nam đang có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia trên thế giới thông qua việc tham gia các tổ chức thương mại như WTO, CPTPP cùng với 12 hiệp định thương mại tự do. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại đã giúp Việt Nam thu hút FDI liên tục trong những năm gần đây. So với năm 2006, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2019 đã tăng hơn 3 lần lên mức 38 tỉ USD.

Năm 2020, Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 một cách quyết đoán và nhanh chóng, nhờ đó thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Với tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN và thuộc số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương. Yếu tố này giúp Việt Nam tiếp tục duy trì tốt tốc độ thu hút FDI. Trong 11 tháng năm 2020 Việt Nam đã thu hút hơn 26,4 tỉ USD vốn FDI.

Ảnh: vnr500.com.vn
Theo số liệu được Mirae Asset trích dẫn, tính từ đầu năm 2018 đến tháng 8.2019, trong số 56 doanh nghiệp nước ngoài dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: vnr500.com.vn

Nhìn một cách khách quan, ảnh hưởng của đại dịch cùng các chính sách thuế quan của Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đẩy mạnh sự dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Vốn được đánh giá cao về tính an toàn và ổn định về chính trị, kinh tế, những thành tựu kể trên đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến trong xu hướng dịch chuyển này.

Theo số liệu được Mirae Asset trích dẫn, tính từ đầu năm 2018 đến tháng 8.2019, trong số 56 doanh nghiệp nước ngoài dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có 26 doanh nghiệp (chiếm 46,4%) chọn Việt Nam làm điểm đến, 11 doanh nghiệp chọn Thái Lan và 11 doanh nghiệp sang Đài Loan...

Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật; Lenovo từ Hồng Kông đã di chuyển sản xuất đến Việt Nam. Trong năm 2020, làn sóng dịch chuyển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tiếp tục tạo nên điểm sáng cho ngành bất động sản khu công nghiệp.

Với sự trợ lực từ ngành, nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp đã trỗi dậy mạnh mẽ. Tiêu biểu như cổ phiếu NTC của  Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, LHG của Công ty Cổ phần Long Hậu và TIP của Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa với mức tăng lần lượt 323,4%, 142,7% và 127% lũy kế từ đầu năm 2020 đến ngày 29.12.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Việt Nam đang trở thành trung điểm sản xuất của khu vực châu Á và Đông Nam Á, với lượng vốn lớn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đang rót vào để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. “Thuê đất là công việc đầu tiên trong việc mở nhà máy. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi rất lớn”, ông Tuấn nhìn nhận.

 

Ông Tuấn cũng cho biết bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đang có ưu thế với chi phí xây dựng rẻ; giá thuê trung bình rẻ hơn so với trong khu vực, chỉ từ 120-150 USD/m2 tùy khu vực; giá nhân công lao động chỉ khoảng 330 USD/tháng trong khi Thái Lan là khoảng 450 USD, Trung Quốc hơn 700 USD.

 

Mặc dù, triển vọng ngành được đánh giá khả quan nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp không mấy tích cực. Theo số liệu thống kê của Mirae Asset, tổng doanh thu của 18 doanh nghiệp đang niêm yết đạt 21.539 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.634 tỉ đồng, giảm lần lượt 6,8% và 13,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu là làn sóng di dời nhà máy tăng mạnh từ năm 2019 giúp các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao trong năm này. Quỹ đất sẵn sàng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Tổng Công ty IDICO (IDC) và Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) không còn, dẫn đến lợi nhuận suy giảm mạnh trong năm 2020. Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi năm 2020 thấp hơn ảnh hưởng đến doanh thu tài chính của nhiều doanh nghiệp.

Trong bức tranh tổng thể về lợi nhuận không khả quan của ngành, điểm sáng đã xuất hiện tại một số doanh nghiệp đạt kết quả tăng trưởng lợi nhuận sau thuế từ 30% trở lên như Công ty Cổ phần Long Hậu (37,5%), Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (35,9%), Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (64,7%)...

Theo Mirae Asset, đa số các doanh nghiệp này vẫn còn quỹ đất sẵn sàng cho thuê và được lợi từ việc giá thuê khu công nghiệp tăng trong năm 2020. Mirae Asset cũng đánh giá những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những cái tên sáng giá của ngành.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày