Warren Buffett khóc ròng vì COVID-19

Ngô Ngọc Bảo Châu Thứ Ba | 12/05/2020 04:30

Dịch COVID-19 đã khiến cho đế chế Berkshire Hathaway của Buffett lỗ hàng chục tỉ USD.

Cuộc họp cổ đông thường niên năm nay của Berkshire Hathaway ở Omaha vào đầu tháng 5 vắng lặng thấy rõ do lệnh phong tỏa trong đại dịch. Ngay cả đối tác lâu năm của Warren Buffett là Charlie Munger cũng không tham dự mà ở tại nhà ở Los Angeles. Đồng hành với Buffett lần này là Greg Abel, Phó Chủ tịch Berkshire giám sát các công ty không thuộc lĩnh vực bảo hiểm của Tập đoàn. Abel ngồi ở một bàn riêng, cách bàn của Buffett.

Thay vì đối mặt với hàng ngàn cổ đông cuồng nhiệt, đông nghẹt như những năm trước thì năm nay Buffett phát biểu trong một hội trường vắng tanh, dù có sức chứa hơn 17.000 người, trong khi bài phát biểu của ông được livestream. Đây là lần đầu tiên Berkshire họp thường niên qua mạng.

Lỗ nặng vì COVID-19
Sự vắng lặng của cuộc họp thường niên năm nay cũng đồng điệu với tâm trạng của Buffett khi Berkshire công bố khoản lỗ lên tới 49,7 tỉ USD trong quý I/2020 do ảnh hưởng bởi COVID-19. Đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn này, trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 21,7 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. 

Nếu không tính lợi nhuận hoạt động, tổng mức lỗ đầu tư quý I/2020 của Berkshire lên tới 54,5 tỉ USD. So sánh với mức lợi nhuận từ đầu tư 56,3 tỉ USD của cả năm 2019, có thể nói COVID-19 đã quét sạch tất cả thành quả mà Berkshire đã đạt được trong năm qua. Điều đó cũng cho thấy sức tàn phá của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với một tập đoàn sở hữu danh mục đầu tư khổng lồ và rộng khắp. 

 

Khoản lỗ đầu tư của Berkshire cũng đồng hành với đà giảm chung của thị trường chứng khoán: chỉ số S&P 500 đã giảm 20% trong quý I. Các khoản nắm giữ lớn nhất của Berkshire cũng là những công ty dẫn dắt chỉ số S&P 500 như America Express, Apple, Bank of America, Coca-Cola và Wells Fargos với số cổ phần nắm giữ lên tới gần 125 tỉ USD.

Mức lỗ quá lớn cũng che lấp cả mức tăng 6% trong lợi nhuận hoạt động của Berkshire, vốn dựa trên tình hình kinh doanh của các công ty con thuộc sở hữu và do Tập đoàn vận hành như hãng bảo hiểm Geico. Buffett xem đây là thước đo chính xác hơn về bức tranh toàn cảnh của Tập đoàn.

Ông từ lâu cho rằng lãi hay lỗ trên giấy từ các khoản đầu tư thường không có ý nghĩa trong việc đánh giá sức khỏe chung của Tập đoàn. Dẫu vậy, vẫn rất khó mà phớt lờ mức độ thiệt hại ở một danh mục đầu tư mà bao gồm cả cổ phần trong các tập đoàn tài chính lớn như Bank of America và America Express, khi cả hai công ty này đều chứng kiến lợi nhuận giảm sâu trong quý I.

Danh mục đầu tư của Berkshire cũng có các hàng không lớn nhất nước Mỹ, vốn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo báo cáo thường niên, tính đến cuối năm 2019, Tập đoàn nắm giữ cổ phần đáng kể tại các hãng hàng không, trong đó có 11% ở Delta Air Lines, 10% ở American Airlines, 10% ở Southwest Airlines và 9% ở United Airlines.

Thậm chí một số doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% vốn của Berkshire như hãng đường sắt Burlington Northern Santa Fe (BNSF) và các nhà bán lẻ như See’s Candy cũng bị tác động bởi làn sóng phong tỏa mà đã làm rung chuyển toàn bộ nền kinh tế Mỹ.  Một điểm sáng ở Berkshire là mảng bảo hiểm. Geico báo lãi tăng 28% trong quý I, đạt 984 triệu USD.

Cơ hội thâu tóm tài sản giá rẻ?
Warren Buffett thường hứng thú với một thị trường chứng khoán đi xuống vì đó là cơ hội thâu tóm tài sản tốt với giá rẻ. Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 này thì không. Gần đây ông không thực hiện một thương vụ nào và cũng không gom vào cổ phiếu khi giá nhiều cổ phiếu chao đảo trong tháng 4 do dịch COVID-19. Và dù Berkshire sở hữu lượng tiền mặt kỷ lục 137,3 tỉ USD (số liệu quý I) nhưng Buffett tuyên bố số tiền này “không phải là quá lớn để có thể chống đỡ kịch bản xấu nhất”.

“Chúng tôi không chuẩn bị cho một vấn đề duy nhất mà chuẩn bị cho những vấn đề đôi khi sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông nói. Lời này lại đến từ một người từng dõng dạc tuyên bố: “Cứ mỗi một thập niên, những đám mây đen sẽ che kín khắp bầu trời kinh tế và trong một phút chốc chúng sẽ đổ cơn mưa vàng. Khi cơn mưa vàng ấy đến, chúng ta phải chạy ra ngoài hứng mưa bằng thau chứ không phải bằng muỗng”.

 

Không chỉ vậy, lần này Buffett đã làm điều ngược lại khi cho biết trong tháng 4 Berkshire đã bán toàn bộ cổ phần trong 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ. 

“Chúng tôi thoái vốn khỏi ngành này với khoản lỗ không nhỏ”, Buffett nói và thừa nhận đã phạm sai lầm khi đầu tư vào ngành hàng không. Giới phân tích cho rằng, động thái bán ra của Buffett hàm ý sâu xa hơn về tình hình kinh tế thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng, chứ không chỉ là thách thức của ngành hàng không.

Vì sao lần này Buffett cẩn trọng như thế? Thực ra, ông vẫn luôn là người cẩn trọng. Ông sẵn sàng bỏ lỡ một cơ hội còn hơn là nhảy vào quá sớm. “Tôi không lo lắng về những thứ mà mình bỏ lỡ”, ông thường nói như thế.

Berkshire cho biết Tập đoàn đã tiếp tục bán ra chứng khoán trong tháng 4, với tổng giá trị 6,5 tỉ USD, phần lớn chuyển số tiền này thành trái phiếu kho bạc Mỹ, một loại tài sản cực kỳ an toàn. Trong quý I, Berskhire chỉ mua vào 1,7 tỉ USD cổ phiếu quỹ, phần lớn mua ở thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 khi giá cổ phiếu đang trượt đà cùng với thị trường, nhưng sang đầu tháng 4 lại không tiếp tục mua vào, theo quan sát của James Shanahan, chuyên gia phân tích tại Edward Jones. “Nếu Buffett không nhìn thấy cơ hội ở chính cổ phiếu của công ty mình thì chúng ta cũng nên kết luận rằng đợt bán tháo trên thị trường gần đây cũng không phải là cơ hội tốt để mua vào”, ông nói.

Giữa lúc giới chính trị đang phân cực và tranh cãi về việc có nên mở cửa nền kinh tế sau phong tỏa cùng sự bất an của nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư, Buffett đã khuyến cáo về những thách thức cực kỳ cam go ở phía trước. Ông nói về khả năng sẽ có làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 và thế giới có thể thay đổi một cách sâu sắc trong những năm tới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày