Chuyên đề

Công nghiệp giấc ngủ được đánh thức

Bảo Trung Thứ Tư | 18/08/2021 14:00

Thương mại hóa các thiết bị giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ tạo ra quan niệm rằng giấc ngủ là thứ mà người ta có thể mua được.

Nhịp sống hối hả ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống tinh thần, sức khỏe của con người, trong đó, nặng nề nhất là giấc ngủ. Đặc biệt, đại dịch không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà còn để lại nhiều dư chấn nặng nề về sức khỏe và tinh thần. Vì thế, chăm sóc giấc ngủ, chăm sóc sức khỏe tinh thần đang trở thành ngành công nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

ĐỔ XÔ ĐI TÌM GIẤC NGỦ NGON

Anh Minh Quân, 30 tuổi, nhân viên lập trình tại quận 3, TP.HCM, thường đeo nhẫn Oura khi ngủ. Đây là chiếc nhẫn thông minh của công ty chăm sóc sức khỏe ở Phần Lan. Chiếc nhẫn sẽ đo nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, chất lượng giấc ngủ và các cử động của anh. Ứng dụng Oura sẽ lấy các số liệu này để chấm điểm “sẵn sàng đi ngủ” cho cơ thể anh. Kết hợp với điểm “ngủ” và điểm “hoạt động” của mình, anh Quân mong cả 3 điểm đều trên 85 để “lên level”.

Các thiết bị đeo trên người thông minh như nhẫn, đồng hồ, vòng tay, thiết bị đeo đầu, thắt lưng... sử dụng phương pháp theo dõi khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ việc ngủ ngon bằng cách đưa ra các chỉ số giúp người đeo dần thay đổi những thói quen xấu, có hại cho sức khỏe làm ngủ không ngon.

Các sản phẩm này có tính năng chủ yếu là hỗ trợ cải thiện giấc ngủ thông qua theo dõi các thông số cơ thể, cung cấp thông tin hữu ích và đề xuất những gợi ý mang tính khoa học. Việc mua những sản phẩm để theo dõi các chỉ số sức khỏe đã trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây khi công nghệ phát triển từng ngày và giá thấp dần. Những ứng dụng, thiết bị đeo tay, thiết bị tập luyện đã tạo nên một phong trào sống hiệu quả. Thị trường này đã trở nên phổ biến mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch. Nhiều người có xu hướng sử dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất của họ.

Tai nghe
Tai nghe Earable

Các thiết bị này sử dụng những cảm biến chuyển động như cảm biến gia tốc chẳng hạn. Chúng sẽ phát hiện các cử động của chúng ta suốt đêm để xác định chính xác thời gian bắt đầu đi ngủ, thời gian chìm vào giấc ngủ, thời gian thức dậy, liệu chúng ta có ngủ ngon hay đang thao thức và không thể yên giấc. Một số cảm biến chuyển động thậm chí có thể cho biết chúng ta đã thức dậy bao nhiêu lần trong đêm.

Yếu tố quan trọng hơn cả chức năng phát hiện chuyển động đó là chức năng theo dõi nhịp tim. Hệ thống theo dõi nhịp tim sẽ tiến hành đo nhịp tim của người dùng theo chu kỳ khi họ đang nghỉ ngơi, sau đó sử dụng những dữ liệu đã đo được để xác định các chỉ số như số nhịp đập/phút (BPM), biến thiên nhịp tim (HRV), cũng như nhịp tim khi nghỉ ngơi (RHR). 

 

Các chỉ số trên kết hợp với thuật toán của nhà phát triển sẽ giúp xác định họ đang ở trong trạng thái ngủ hay thức, thậm chí biết được họ đang ở giai đoạn nào của giấc ngủ: vừa chợp mắt, vào giấc ngủ sâu hay đang ngủ mơ. Điểm mạnh của phương pháp này là giúp biết được thời gian nào chúng ta đang ở giai đoạn nào của giấc ngủ. Dữ liệu về các giai đoạn này rất hữu ích vì chúng có thể giải thích tại sao có đôi lúc cơ thể lại cảm thấy uể oải, đồng thời đưa những gợi ý trong việc thay đổi các thói quen, hoạt động hằng ngày hoặc môi trường để có được giấc ngủ ngon hơn.

 

Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu, ước tính cứ 3 người thì có 1 người mất ngủ và 1/10 mất ngủ kéo dài. Theo BBC Research, thị trường toàn cầu cho các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ sẽ tăng từ 81,2 tỉ USD vào năm 2020 lên 112,7 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 6,8% trong giai đoạn 2020-2025.

Các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp giấc ngủ có cơ hội giành được chỗ đứng lâu dài trên thị trường. Một số công ty công nghệ cũng mở rộng đầu tư và nghiên cứu các sản phẩm, ứng dụng phục vụ việc ngủ ngon. Darian Leader, tác giả cuốn sách Tại Sao Chúng Ta Không Thể Ngủ?, cho biết, với sự gia tăng lớn các mối đe dọa đối với sức khỏe và tình hình kinh tế xã hội hiện nay thì giấc ngủ ngon là một điều khó mà đạt được. “Đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ đưa ra tuyên bố rằng để có một đêm yên giấc, bạn cần thay một chiếc nệm mới hoặc sở hữu một sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ nào đó”, tác giả nhận định.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ GIẤC NGỦ 

Các nhà phân tích của PS Market Research tin rằng chúng ta mới chỉ bắt đầu bùng nổ thị trường hỗ trợ giấc ngủ. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu hiện trị giá 4.200 tỉ USD, khi người tiêu dùng trên toàn thế giới đầu tư vào các sản phẩm quảng cáo tăng cường sức khỏe, từ các lớp thể dục, thực phẩm tốt hơn đến hỗ trợ giấc ngủ. 

Các thị trường thiết bị hỗ trợ ngủ ngon không chỉ có những thiết bị thông minh đeo trên người, giờ đây nó đã hình thành nên một nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ với vô số sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chức năng: các loại đồng hồ thông minh có khả năng đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) như của Apple Watch hay Xiaomi Mi Band 6; giường thông minh và cảm biến giấc ngủ chuyên dụng dạng như iFit Sleep HR hoặc Eight Sleep Tracker theo dõi chuyển động, nhịp tim, hô hấp, làm mát, sưởi ấm. 

 

Hoặc công nghệ Ballistocardiography (BCG), như trong Beddit Sleep Monitor của Apple, theo dõi nhịp tim thông qua hoạt động của cơ thể, theo dõi hơi thở, tiếng ngáy và nhiệt độ phòng mà không cần phải tiếp xúc với da; hoặc gối, đồng hồ thông minh kiểu Withings, đèn điều chỉnh độ sáng như Philips Hue, lọc ánh sáng xanh. Hay như gần đây nhất là các thiết bị dạng Echo của Google và Amazon, sử dụng cảm biến radar để theo dõi giấc ngủ, có thể ra lệnh bằng giọng nói hoặc cử chỉ.

 

Trong giai đoạn 2014-2019, Bắc Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thiết bị hỗ trợ ngủ, do tỉ lệ rối loạn giấc ngủ ngày càng tăng, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe được cải thiện cũng như các sáng kiến và hỗ trợ từ những tổ chức công và tư để tăng nhận thức về rối loạn giấc ngủ.

Nhưng thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) hiện được coi là khu vực phát triển nhanh nhất về doanh thu liên quan đến rối loạn giấc ngủ do tỉ lệ tiêu thụ thuốc ngủ cao, chi phí sản xuất các sản phẩm liên quan thấp, dân số già ngày càng tăng và gánh nặng rối loạn giấc ngủ lan rộng. 

Theo báo cáo “Già hóa dân số thế giới 2019” của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (UN DESA), khu vực này chiếm tỉ trọng lớn nhất (37%) dân số già trên thế giới vào năm 2019 và dự kiến vẫn ở vị trí này đến năm 2050, từ đó thúc đẩy nhu cầu về thiết bị hỗ trợ ngủ trong khu vực.

TRÀO LƯU TẠI VIỆT NAM 

Ở Việt Nam, thị trường sản phẩm công nghệ hỗ trợ ngủ cũng đã hình thành và có những bước phát triển nhất định. Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ; 15% bị trạng thái ngủ gà gật ban ngày; 18% không thỏa mãn về giấc ngủ; 30% mất ngủ có liên hệ với bệnh tâm thần.

Đặc biệt, kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch (11/3/2020) đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp giãn cách hay phong tỏa đối với tâm lý con người. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn tâm lý cho đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU), đại dịch COVID-19 đã gây ra một số vấn đề về sức khỏe tinh thần tùy theo hoàn cảnh sống, tùy tình trạng bệnh F0, F1, F2 hoặc không có F nào. Tình trạng căng thẳng tinh thần có thể được biểu hiện ở những dấu hiệu như cảm giác bất an, sợ sệt, cáu giận, buồn rầu, lo âu, chết lặng hoặc ấm ức; ăn không ngon, chán ăn; khó tập trung và khó quyết định; khó ngủ hoặc gặp ác mộng...

Nhẫn thông minh của Oura kết nối với smartphone.
Nhẫn thông minh của Oura kết nối với smartphone.

Một giấc ngủ ngon sẽ là món quà vô giá trong thời điểm này, kéo theo đó là nhu cầu ngày càng tăng cho các thiết bị, giải pháp chăm sóc giấc ngủ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có số liệu chính thức về thị trường giấc ngủ đang mang lại doanh thu hằng năm bao nhiêu và những sản phẩm nào được xếp vào ngành kinh tế này. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế cũng mang lại những hệ quả giống nhau và các nhà đầu tư trên thế giới đã nhìn ra tiềm năng ở thị trường Việt Nam. Bởi ở đây cũng giống như các quốc gia đang phát triển khác, với áp lực công việc, tuổi thọ tăng cao, dân chúng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sắc đẹp.

Đối với các giải pháp “cứng” để hỗ trợ giấc ngủ, cũng giống Trung Quốc, tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc nam, thuốc bắc, các loại thực vật để ăn mang đặc tính thuốc được dùng khá nhiều. Đối với các giải pháp “mềm”, Việt Nam gần đây cũng xuất hiện nhiều startup trong ngành công nghiệp này.

Ru9, chẳng hạn, là một startup chuyên về nệm làm bằng chất liệu mới Memory Foam 3 lớp, khá phổ biến trên thế giới nhưng lại mới mẻ ở Việt Nam. Loại nệm này được sáng chế cho các nhà du hành vũ trụ NASA bởi khả năng giải tỏa lực ép hiệu quả, thông thoáng. Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, doanh thu năm 2020 tăng 300% so với năm 2019. Thậm chí vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, doanh thu của startup này vẫn tăng 250-290%.

Khách hàng quan tâm các loại đệm cao cấp ở một buổi triển lãm đồ nội thất tại TP.HCM.
Khách hàng quan tâm các loại đệm cao cấp ở một buổi triển lãm đồ nội thất tại TP.HCM.

Cũng sản xuất nệm nhưng Latexco cung cấp các loại xa xỉ hơn, khách hàng trước khi mua được đo đạc bằng cảm biến xem phù hợp với loại nào để được cung cấp loại nệm phù hợp. Đương nhiên giá trị nệm cũng không rẻ, lên đến hàng trăm triệu đồng. Xa xỉ không kém là các hãng AmericanStar, Therapedic, Aireloom, Spring Air... Hay như LMG World có nệm được bán với giá lên tới hàng tỉ đồng. Trước khi mua đệm, khách được đo đạc cẩn thận bằng máy Reveal by Xsensor để lựa chọn loại nệm phù hợp.

Ông Lee Hinshaw, một chuyên gia người Mỹ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành nệm, cho biết: “Chiếc nệm 1 tỉ đồng với nhiều khách hàng sẽ chẳng là xa xỉ vì họ xem đó là một khoản đầu tư. Đầu tư cho giấc ngủ, cho sức khỏe. Mấu chốt là chất lượng của giấc ngủ sẽ làm nên chất lượng toàn bộ cuộc sống của vị chủ nhân”.

Hay một startup khác từ Giáo sư người Việt ở Mỹ, Vũ Ngọc Tâm, với dự án Earable - tai nghe không dây thông minh giúp chăm sóc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các vấn đề về não bộ (rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và sự tập trung). Earable đã nhận được vốn đầu tư từ hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm có tên tuổi như 500 Startups, Smilegate Investment... Chuyển phần lớn hoạt động của Earable từ Mỹ về Việt Nam, Vũ Ngọc Tâm còn nhận được khoản tài trợ 10 tỉ đồng từ Vingroup. 

Cuối năm 2020, Earable nhận được đầu tư vòng hạt giống (Pre-seed) đến từ Founders Fund. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (Mỹ) do tỉ phú Peter Thiel sáng lập, từng đầu tư thành công vào 39 startup kỳ lân như Facebook, SpaceX, Airbnb, Spotify...

Quỹ này thường không đầu tư vào các startup từ Pre-seed (khi công ty chưa có dữ liệu vững chắc, việc đầu tư chủ yếu căn cứ vào ý tưởng và khả năng của nhà sáng lập) và Earable của Vũ Ngọc Tâm là một ngoại lệ. “Tôi tin sản phẩm của Earable sẽ làm được, vì một là thế giới cần nó và hai là chúng tôi có thể làm được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu bức thiết đó: ngủ ngon hơn để có sức khỏe tốt hơn, tăng hiệu suất làm việc để làm việc hiệu quả hơn”,  Vũ Ngọc Tâm cho biết. 

Ngành công nghiệp giấc ngủ của Việt Nam không hề bỏ ngỏ mà đang phát triển sôi động theo cách riêng. Dù vậy, thị trường còn rất mới và không nhiều nhà đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những doanh nghiệp hướng mục tiêu đến ngành công nghiệp này.

Trong khi đó, anh Minh Quân vừa đeo nhẫn Oura, vừa đeo máy đo hơi thở Keyto, đồng hồ Apple Watch và máy theo dõi đường huyết liên tục của Abbott. Vào một buổi tối anh uống rượu, mức đường huyết bị ảnh hưởng và hiệu ứng domino kéo dài cả ngày. Sushi cũng làm mức đường huyết của anh thay đổi. Anh nhận thấy rằng nó làm tăng nhịp tim, gián đoạn giấc ngủ và làm ảnh hưởng điểm “sẵn sàng” của anh vào sáng hôm sau. Giờ đây, anh Quân phát hiện ra, dữ liệu của thiết bị hỗ trợ ngủ sẽ cho biết mặc dù có thể anh cảm thấy ổn, nhưng cơ thể vẫn đang phải vật lộn để hồi phục.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày