Chuyên đề

Dựng vùng xanh cho nông sản

Sơn Nguyễn Thứ Ba | 24/08/2021 08:00

Nhân viên Bách Hoá Xanh thu mua nông sản. Ảnh: Quý Hoà

Dịch bệnh lan rộng ở nhiều tỉnh thành khiến chuỗi sản xuất, cung ứng nông nghiệp cả trong nước lẫn xuất khẩu bị đứt gãy.
Nhân viên Bách Hoá Xanh thu mua nông sản. Ảnh: Quý Hoà

30% là quy mô suy giảm giá trị xuất khẩu của nhiều loại nông sản, rau quả trong nửa cuối năm, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành đang phải đối mặt với chuỗi các thách thức bủa vây, từ nguồn nguyên liệu đứt quãng, chi phí logistics gia tăng cho đến khả năng đóng cửa của các thị trường tiêu thụ do biến chủng Delta bùng phát.

DOANH NGHIỆP, NÔNG DÂN ĐỀU NGẤM ĐÒN

Tại Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG), doanh thu thuần quý II chỉ đạt 252 tỉ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp chỉ còn lãi khoảng 18 tỉ đồng, giảm mạnh so với năm ngoái. Lý giải về thực tế này, lãnh đạo Công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh làm giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Bên cạnh đó, chi phí nhân công tăng vì nguồn lao động địa phương bị hạn chế do quy định giãn cách xã hội tại các địa phương có dự án. Bên cạnh đó, giao thông khó khăn nên chi phí thu hoạch và vận chuyển vẫn còn ở mức cao.

Cánh đồng lúa thơm xuất khẩu ở Đồng Tháp.
Cánh đồng lúa thơm xuất khẩu ở Đồng Tháp. Ảnh: Quý Hoà

Tại Tập đoàn Lộc Trời, doanh thu thuần quý II tăng mạnh 86%, đạt 2.725 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chi phí giá vốn, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 45,5 tỉ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Lộc Trời nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới vẫn còn rất nhiều thách thức do tác động của làn sóng dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến đợt bán hàng gần đây.

Tại Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), doanh thu thuần quý II chỉ đạt 792 tỉ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhiều khoản chi phí gia tăng vì ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch. Một số công ty, nhà máy của đối tác rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời, làm đứt gãy chuỗi cung ứng liên tục, gia tăng chi phí bán hàng... 

Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên phản ánh khó khăn đang bủa vây ngành nông nghiệp nói chung, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Thực tế ghi nhận, doanh nghiệp chế biến giảm sản lượng thu mua trong khi các chợ đầu mối, chợ truyền thống... đóng cửa tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác khiến cho nhiều mặt hàng nông sản rớt giá thảm. Tại Đà Lạt, những cánh đồng rau, hoa được người dân bấm bụng nhổ bỏ để lấy đất chuẩn bị cho vụ sau, bởi giá bán quá thấp không đủ bù chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội ở các địa phương khiến chi phí vận chuyển tăng gấp 3-4 lần. Trước đây, một xe tải chở rau đi một chuyến thì phải trả phí 1 triệu đồng. Hiện nay, dịch bùng phát kéo theo nhiều phí cho tài xế như xét nghiệm, khử khuẩn, xin giấy phép đi đường... nên chi phí đội lên đến 2-3 triệu đồng.

Phí lưu kho và giao hàng tăng đột biến càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí thời điểm này nhiều doanh nghiệp không tìm được container rỗng để xuất hàng. Chưa kể, cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị bào mòn. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông, thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông, thủy sản, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo ông Võ Kim Cương, Giám đốc Điều hành Công ty Food Farm thuộc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), hiện sản lượng sữa của nông trường khoảng 1,5 tấn mỗi ngày, được tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng, siêu thị ở TP.HCM. Tuy nhiên, do nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch nên vận chuyển lưu thông bị ách tắc, việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn. “Sản lượng sữa của nông trường mỗi ngày ra khoảng 1,5 tấn, nếu để quá hạn thì hàng trăm tấn sữa có nguy cơ bị đổ bỏ”, ông Cương cho biết.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy tình hình khó chuyển biến sớm. Tháng 8 là thời điểm nhiều tỉnh, thành miền Nam bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch các mặt hàng nông sản và trái cây chủ lực như mít, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, chuối, thanh long. Cung vượt cầu trong ngắn hạn khiến nhiều sản phẩm bị tồn đọng. Như rau củ quả, chỉ tính riêng tháng 8, ước tính sản lượng ở phía Nam sẽ có hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xuất khẩu sang thị trường này bị gián đoạn. 

Xuất khẩu Thanh Long sang Trung Quốc.
Xuất khẩu Thanh Long sang Trung Quốc.

Trong khi đó, ở mảng xuất khẩu, theo thống kê của Bộ Công Thương, dù đạt kim ngạch hơn 2 tỉ USD trong nửa đầu năm nay bất chấp dịch COVID-19 và khó khăn về logistics nhưng đến tháng 7, xuất khẩu rau quả đã không thể giữ được nhịp tăng. Giá trị xuất khẩu của ngành này giảm đến 16% so với tháng 6 khiến mục tiêu 4 tỉ USD của năm nay trở thành thách thức. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Một số công ty hội viên ngưng sản xuất vì không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ. Doanh nghiệp nào làm 3 tại chỗ thì quân số giảm 1/3 vì họ không lo cho công nhân ăn ở trong xí nghiệp đạt 100% được”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, dự kiến 6 tháng cuối năm, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại nhà máy chế biến thủy sản giảm 50%. Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến việc thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu rau củ quả 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 30%.

TÌM LỐI THOÁT HIỂM 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết nhiều ngày nay, việc thu mua, vận chuyển nông sản từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh về TP.HCM bị ách tắc. Kênh thu mua, phân phối truyền thống gần như đứt gãy hoàn toàn, gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp lương thực, thực phẩm trong việc tiếp nhận, tiêu thụ nông sản. 

Theo Ủy ban Nhân dân TP.HCM, hiện tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. Bất cứ một sự đứt gãy nào đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, xuất khẩu và đời sống người dân. Do đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.

 Siêu thị Co.opmart hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản cho nông dân.
Siêu thị Co.opmart hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản cho nông dân.

Trước mắt, Chính phủ dự kiến sẽ thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh” cho lưu thông nông sản, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn. Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai đề án kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho những hợp tác xã thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch, giới thiệu các đơn vị vận tải hàng hóa, hỗ trợ thủ tục pháp lý đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm (lmhtxvnmart.com.vn) trên toàn quốc, triển khai đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và cộng đồng doanh nghiệp, kết nối quốc tế. “Sàn thương mại điện tử này sẽ được triển khai xây dựng từ quý IV/2021, đưa vào vận hành thử nghiệm từ quý III/2022”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.

Saigon Co.op cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối những mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, Saigon Co.op phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.

Chuỗi Bách Hóa Xanh đưa nhóm thu mua của mình đến tận vùng trồng thanh long, bắp, nhãn, ổi của Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng để thu mua cho người dân. Ước tính, tổng sản lượng trái cây mà Bách Hóa Xanh thu mua và bán trên toàn hệ thống phân phối trong thời gian giãn cách đạt khoảng 200 tấn/ngày, trong đó riêng thị trường TP.HCM chiếm khoảng 70%. “Chỉ tính riêng bắp nếp, sản lượng này đã và đang giải cứu 30-40% cho các hợp tác xã và vùng trồng tại tỉnh Đồng Tháp”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Giám đốc ngành hàng Bách Hóa Xanh, cho biết.

Để tồn tại trước mắt, bên cạnh tìm kiếm các kênh tiêu thụ trong nước phù hợp, một số doanh nghiệp còn mạnh dạn sản xuất hay phân phối thêm những mặt hàng nông sản thiết yếu, phục vụ nhu cầu gia tăng trong giai đoạn giãn cách.

Đơn cử nhưng Dalat Hasfarm đã triển khai chương trình bán dùng thử các sản phẩm rau củ thương hiệu Hasfarm Greens+. Công ty cũng giới thiệu trang Shop Online để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc đặt mua những sản phẩm rau củ quả để gia tăng nguồn thu.

Về xuất khẩu, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức làm việc với các hãng tàu biển, thương lượng theo hướng ưu tiên vận chuyển hoặc ít nhất là vận chuyển một phần hàng lạnh. “Nếu hãng tàu biển ngừng vận chuyển hàng lạnh sẽ gây ách tắc xuất khẩu, sản xuất ra không tiêu thụ được”, ông Tùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Giải pháp đột phá để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được ngành nông nghiệp xác định là mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng.

Ngoài ra, một giải pháp trong thời gian tới nên được đẩy mạnh là tăng cường năng lực tiếp cận với các thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là những quốc gia cơ bản đã khống chế được sư lây lan của biến chủng Delta. Trong đó, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới đã hiện diện tại Việt Nam như Alibaba, Amazon có thể là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Chẳng hạn, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cùng Cục Xúc tiến Thương mại đã giới thiệu vải thiều lên sàn Alibaba.com và khai trương gian hàng vào tháng 6. Đại diện Innovative Hub, đại lý Alibaba tại Việt Nam, cho biết có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua nhiều chương trình đào tạo riêng, phù hợp cho mỗi doanh nghiệp, nhân sự các công ty theo hình thức trực tuyến hoặc những buổi offline trên quy mô rộng. 

“Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Singapore và tương lai sẽ kết nối thêm các doanh nghiệp Malaysia, thúc đẩy hợp tác, giao thương và xuất nhập khẩu giữa các quốc gia với nhau”, bà Zoe Zuo, Tổng Giám đốc Innovative Hub, chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày