Công Nghệ

Nhà khởi nghiệp lập quỹ tăng tốc cho start-up

Thứ Ba | 12/05/2015 08:30

Sự xuất hiện của quỹ tăng tốc khởi nghiệp AAP sẽ mang đến thêm sức mạnh cho cộng đồng start-up Việt.

Sau gần 10 năm khởi sự kinh doanh tại Singapore, một doanh nhân trẻ người Việt đã quyết định trở về nước để lập quỹ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Đó là câu chuyện của Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Công ty Công nghệ Alpha Vision kiêm Sáng lập của Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Alpha (AAP), quỹ tăng tốc dành cho các công ty khởi nghiệp (start-up) vừa ra mắt tại TP.HCM.

Thực tế, bên cạnh nhóm quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng đã có một số chương trình tăng tốc khởi nghiệp hướng đến các start-up công nghệ non trẻ hoạt động tại Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến dự án Vietnam Silicon Valley do Bộ Khoa học và Công nghệ đỡ đầu, hiện đã đầu tư và hỗ trợ cho 9 start-up khác nhau; hay như Topica Founder Institute đã huấn luyện cho hàng chục start-up và một vài trong số đó đã gọi vốn Serie A thành công ở mức triệu đô.

Không giống như các quỹ mạo hiểm thường chỉ đầu tư vào start-up đã có doanh thu và phát triển một thời gian, những chương trình tăng tốc khởi nghiệp này nhắm vào start-up ở giai đoạn vừa thành hình hoặc mới là ý tưởng. Tuy nhiên, do đầu tư vào start-up ở giai đoạn đầu nên tỉ lệ thành công là khá thấp, khi các công ty khởi nghiệp trải qua chương trình huấn luyện nhưng vẫn không tìm được quỹ mạo hiểm chấp nhận rót vốn. Nhận ra vấn đề này, Nguyễn Ngọc Nam quyết định xây dựng AAP theo hướng tìm đầu ra trước rồi mới tuyển chọn start-up tham gia.

“Chương trình đang tìm thêm nhà đầu tư để hướng đến hoạt động theo mô hình quỹ tăng tốc JFDI ở Singapore. Cách làm của JFDI là mỗi năm, họ sẽ tìm những nhà đầu tư quan tâm đến một vài lĩnh vực cụ thể, rồi chọn start-up hoạt động trong các lĩnh vực đó vào chương trình đầu tư và huấn luyện. Như vậy, tỉ lệ start-up gọi vốn Serie A thành công sau chương trình sẽ cao hơn. Tỉ lệ này ở JFDI là hơn 60%”, Nam cho hay.

Điều thú vị là bản thân Nam, trước khi xây dựng AAP, cũng từng là một nhà khởi nghiệp. Tốt nghiệp ban Toán - Tin trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) năm 2003, Nam giành được học bổng Cử nhân tại Đại học Quốc gia Singapore. Đến năm 2007, anh bắt đầu nghiên cứu Tiến sĩ ngành Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Công nghệ Nanyang, đồng thời khởi nghiệp với Alpha Vision chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm thông qua công nghệ điện toán đám mây (SaaS) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Nam, lý do chọn khởi nghiệp với mô hình kinh doanh SaaS là bởi sau quá trình làm việc ở một số công ty phần mềm Singapore trong thời gian đi học, anh nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở đảo quốc này có nhu cầu rất lớn cho loại hình dịch vụ công nghệ nói trên. Ngoài ra, khởi nghiệp với SaaS cũng không yêu cầu vốn đầu tư ban đầu quá nhiều.

“Khi Alpha Vision ra đời, thị trường còn ít nhà cung cấp dịch vụ SaaS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà số lượng công ty quy mô này ở Singapore lại rất nhiều. Người Singapore, đặc biệt là người gốc Hoa, rất thích kinh doanh và thị trường của họ cũng rất lớn. Nơi nào nói tiếng Anh hoặc tiếng Hoa là họ đều có mặt. Singapore tuy diện tích không bao nhiêu nhưng có đến hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ hội dành cho Alpha Vision vì thế cũng rất hấp dẫn”, Nam nhớ lại.

Chọn đúng thời điểm và thị trường để khởi nghiệp nên chỉ sau 2 năm hoạt động, Alpha Vision đã đạt doanh số 1 triệu USD với danh sách khách hàng doanh nghiệp trải rộng. Hiện tại, start-up của Nam có hơn 500 khách hàng thường xuyên tại Singapore trong tổng số khoảng 5.000 khách hàng khắp thế giới. Sản phẩm chính của Công ty bao gồm dịch vụ phần mềm theo dõi hiệu quả hoạt động marketing và phần mềm quản lý website bán hàng trực tuyến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2013, Nam chuyển Alpha Vision về Việt Nam với quan điểm muốn tận dụng hiệu quả hơn nguồn lực chất xám trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam lại tỏ ra chưa mặn mà đối với việc sử dụng SaaS.

“Thay vì bỏ ra vài trăm hoặc vài ngàn USD để mua phần mềm cộng với chi phí cho đội ngũ kỹ thuật bảo trì, doanh nghiệp Singapore sẵn sàng chi vài chục USD mỗi tháng để sử dụng SaaS cho việc kinh doanh. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn tỏ ra dè dặt. Hiện chỉ có gần 100 khách hàng là doanh nghiệp trong nước. Tại đây, Alpha Vision chủ yếu đầu tư hơn là đưa mô hình kinh doanh chính về”, anh nói.

Năm ngoái, Alpha Vision đạt doanh số 4 triệu USD. Theo Nguyễn Ngọc Nam, thị trường dịch vụ phần mềm ở Singapore hiện đã xuất hiện khá nhiều đối thủ cạnh tranh nên không còn tiềm năng như trước. Đây cũng là một phần lý do vì sao anh chuyển Công ty về nước để đầu tư vào những lĩnh vực mới. Quỹ tăng tốc AAP do Nam vừa sáng lập cũng nằm trong định hướng đó.

Cụ thể, AAP hiện có quy mô vốn 4 triệu USD, được trích ra từ lợi nhuận tích lũy của Alpha Vision. Giá trị đầu tư dự kiến vào mỗi start-up sẽ từ 25.000-250.000 USD. Hiện Quỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm không ít nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, để hướng tới việc chuẩn bị sẵn đầu ra cho các start-up tham gia chương trình.

“Quỹ mong muốn hợp tác với những nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư mạo hiểm để thu về lợi tức cao ở lĩnh vực công nghệ và phải có quan điểm đầu tư dài hơi. Hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm và khi Quỹ chọn được start-up tốt thì sẽ cùng tham gia ngay. Năm nay, AAP tập trung tìm kiếm các ứng viên start-up hoạt động trong lĩnh vực phát triển ứng dụng di động và thương mại điện tử, nhưng phải là thị trường ngách tiềm năng”, Nam cho biết.

Đại diện AAP cũng kỳ vọng các start-up tham gia vào chương trình đầu tư và huấn luyện này, sau quá trình sàng lọc trong vòng 3 tháng, có thể đạt mức định giá 2-3 triệu USD khi bắt đầu gọi vốn Serie A. Có thể nói, sau 2 năm yên ắng hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, sự xuất hiện của một quỹ tăng tốc khởi nghiệp mới rõ ràng sẽ mang đến thêm niềm tin cho cộng đồng start-up Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày