Công Nghệ

Những bước chân biết nói: Làm sao để người Việt đi bộ nhiều hơn?

Dũng Nguyễn Thứ Năm | 14/09/2017 08:30

Sơn Phạm

Người Việt nằm trong nhóm các quốc gia đi bộ ít nhất thế giới, trung bình một người chỉ đi bộ khoảng 3.500 bước/ngày.
Sơn Phạm

Thật thú vị nếu nghe mỗi bước chân của bạn nói lên nhiều thông số kinh tế và xã hội. Báo cáo từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, thu thập dữ liệu từ 68 triệu hoạt động thể chất ở 717.527 người tại 111 quốc gia thông qua các thiết bị di động thông minh. Kết quả cho thấy, người dân Hồng Kông chăm chỉ đi bộ nhất, trung bình mỗi người đi 6.880 bước/ngày, tương đương với khoảng 6km.

Xếp ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc và thứ 3 là Ukraine với 6.189 và 6.107 bước mỗi ngày. Trong khi đó, người dân ở Indonesia có chỉ số thấp nhất với 3.513 bước mỗi ngày, Malaysia và Ả rập Saudi lần lượt là 3.963 bước và 3.807 bước. Mỹ xếp thứ 30, với số bước trung bình hằng ngày là 4.774. Người Việt nằm trong nhóm các quốc gia đi bộ ít nhất thế giới, trung bình một người chỉ đi bộ khoảng 3.500 bước/ngày.

Du khách tới Hồng Kông nếu để ý sẽ thấy điều rất thú vị nhưng cũng rất trùng hợp với nghiên cứu này: các cô gái ở đây thường có đôi chân to khỏe và họ rất tự hào mặc váy ngắn, đi giày bốt để khoe nét đẹp khỏe mạnh này. Theo Giáo sư Scott Delp, Đại học Stanford, sự chênh lệch giữa hai nhóm “chăm chỉ” và “lười” vận động tại cùng một quốc gia là thước đo chính xác về tỉ lệ béo phì. Điển hình là Thụy Điển có khoảng cách giữa nhóm “chăm chỉ” và “lười” vận động nhỏ nhất và cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ béo phì thấp nhất thế giới.

Theo Tạp chí International Journal of Obesity, các nhà nghiên cứu tiến hành theo dõi hoạt động và đo chỉ số BMI (tính bằng công thức trọng lượng cơ thể chia cho chiều cao), kích cỡ vòng eo, lượng đường huyết và mức độ cholesterol của những người tham gia. Đây đều là các chỉ số dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe và nguy cơ bị bệnh tim của mỗi người. Mỗi bước đi bộ đều giúp chúng ta giảm được nguy cơ bị bệnh tim. Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết nhiều nhân viên văn phòng ở TP.HCM chỉ đi bộ khoảng 600 bước mỗi ngày trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khoảng 10.000 bước chân. “Thay vì ngồi nhiều, bạn nên đứng lên đi lại nhiều hơn, thay vì dùng thang máy hãy chịu khó đi thang bộ”, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên.

Các kết luận trên không những là hàm ý quan trọng cho chính sách kiểm soát sức khỏe cộng đồng, giúp giảm tải cho nền y tế, mà còn khiến cho giới quản lý nhìn lại chiến lược xây dựng đô thị của địa phương mình.

Vậy tại sao người Việt ngại đi bộ? Một lý do phổ biến được đưa ra là vì điều kiện thời tiết ở Việt Nam khắc nghiệt, mùa hè nóng, mùa đông lạnh, còn mùa mưa thì nước ngập. Quá trình bê tông hóa các con đường ở đô thị và vùng quê cũng khiến cho việc đi bộ trở nên khắc nghiệt hơn. Cũng chẳng có người Việt nào muốn đi bộ trong một thành phố đã được thiết kế dành riêng cho xe máy và xe hơi, thiếu đi những phương tiện vận tải công cộng đủ hấp dẫn để người dân sử dụng. Điều này có thể nhìn thấy rõ nhất qua hình ảnh tương phản giữa xe buýt giờ cao điểm, có ít người ngồi trên xe và vây quanh là đám đông ken đặc xe máy, ô tô cá nhân.

Nhung buoc chan biet noi: Lam sao de nguoi Viet di bo nhieu hon?

Nghiên cứu của Stanford thuần về tính y tế, nhưng cũng cho thấy hầu hết những quốc gia có người dân đi bộ nhiều là những quốc gia phát triển, đã đầu tư hệ thống vận tải công cộng. Du khách Việt Nam tham quan ở các nước xung quanh phần lớn đều ngạc nhiên bởi mức độ đi bộ của người dân địa phương. Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore... sở hữu một hệ thống nhiều trung tâm thương mại, nơi những người nghiện mua sắm có thể đi bộ hết cả đêm, rất tiện lợi.

Ở Việt Nam, với đặc thù là nền kinh tế vỉa hè, chính quyền gần đây cũng đã có những động thái cụ thể để thay đổi thói quen đi bộ của người Việt. Đáng kể nhất là chương trình dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè và lòng đường, với mục tiêu lớn nhất là lấy lại không gian cho người đi bộ. Phố đi bộ cũng được lập ra ở hai thành phố sôi động nhất, cố gắng thu hút sự tham gia của người dân và khách du lịch thông qua các chương trình tạp kỹ tương tự nước ngoài. Chính phủ cũng đang từng bước nỗ lực thay đổi hạ tầng, thông qua những chương trình như xe buýt nhanh (dù chưa thành công) và tuyến tàu điện Metro. Việc cấm xe máy thậm chí cũng được đề xuất ở Hà Nội với lộ trình đến năm 2030.

Thêm một nghiên cứu khác từ Anh về chỉ số bước chân khi đi bộ cho thấy sự sôi động của nền kinh tế và trạng thái tâm lý của người dân. Các nhà nghiên cứu đã tính toán thời gian đi bộ của người dân tại 35 thành phố vào thời điểm tương đương trong cùng một ngày, trên một con phố đông đúc có vỉa hè bằng phẳng, không có chướng ngại vật và những yếu tố cản trở khách bộ hành đi với vận tốc tối đa.

Theo kết quả nghiên cứu này được đăng tải trên The Economist, người dân Singapore chỉ mất hơn 10,55 giây để đi bộ hết quãng đường 18m, vượt qua cư dân ở các thành phố bận rộn khác như Madrid (Tây Ban Nha), Tokyo (Nhật), New York (Mỹ) và London (Anh). So với năm 1994, tốc độ đi bộ của người dân toàn thế giới đã tăng 10%, trong đó sự thay đổi lớn nhất diễn ra ở các nước Viễn Đông. Tốc độ đi bộ của người Singapore tăng hơn 30%. Nhiều nghiên cứu cho biết tốc độ đi bộ là một công cụ đáng tin cậy để đo lường nhịp sống ở một thành phố. Những người ở các thành phố di chuyển nhanh thường có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nguyên nhân là do con người luôn mang tâm trạng lo lắng và vội vã nên họ ít dành thời gian cho gia đình và bạn bè, không có thời gian tập thể dục, ăn uống thiếu hợp lý, uống rượu và hút thuốc nhiều hơn dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh.

Vì thế, bạn hãy quan tâm nhiều hơn tới mỗi bước chân của mình: thong thả, thở và cười.

Dũng Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày