Công Nghệ

Quyết đánh thuế Facebook!

Hoàng Hà Thứ Tư | 23/09/2020 13:00

Nguồn ảnh: Quý Hòa

Các tập đoàn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google phải có trách nhiệm ở những thị trường mà họ đang kinh doanh.
Nguồn ảnh: Quý Hòa

"Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có thì cũng phải góp sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói như vậy khi tiếp đại diện của Netflix, một dịch vụ cung cấp phim qua internet toàn cầu.

Dấu hỏi lớn

Tuy nhiên, việc thu thuế các công ty cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới như Netflix vẫn còn nan giải. Dù cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản cảnh báo nghiêm khắc, nhưng Netflix vẫn chưa tuân thủ việc kiểm duyệt nội dung và thực hiện nghĩa vụ thuế từ doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm tại Việt Nam. Tương tự, Facebook và Google dù đang thu lợi hàng tỉ USD từ quảng cáo tại Việt Nam, nhưng khoản thuế từ 2 tập đoàn khổng lồ này vẫn là dấu hỏi lớn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu truy thu, số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

 

Theo eMarketer, năm ngoái, Facebook thu về 69,7 tỉ USD từ quảng cáo, chiếm 98% tổng doanh thu. Một doanh nghiệp đăng quảng cáo phải thanh toán cho Facebook 1,72 USD cho mỗi lượt xem quảng cáo đó. Năm 2019 có đến 90 triệu doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trên thế giới sử dụng Facebook trong kinh doanh.

Tại Việt Nam, báo cáo Social Media Stats cho thấy năm 2019 Việt Nam có 57,43% người dân sử dụng Facebook và con số này tiếp tục tăng, cùng với các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng của mạng xã hội này. Còn theo Brandcast Delivered 2020, Việt Nam có 350 kênh với hơn một triệu người đăng ký theo dõi, kéo theo đó là các tính năng kiếm tiền quảng cáo từ nền tảng này.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cứ phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam là phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, việc đánh thuế Netflix, Facebook hay Google vẫn gặp khó khăn vì họ không đặt văn phòng ở Việt Nam. Trong khi đó, các đại lý quảng cáo của các công ty này tại Việt Nam cho rằng, họ chỉ đơn thuần là đơn vị thu hộ.

 


“Không thể để các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, hưởng lợi trên đất nước ta nhưng lại không nộp thuế, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và gây bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế”,  Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định.

Hợp lực bịt kẽ hở

Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) dự đoán tốc độ tăng trưởng năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỉ USD. Sự bùng nổ này đặt ra thách thức mới cho ngành thuế.

Bằng những phương thức luồn lách như đặt văn phòng đại diện và mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ, nhiều công ty công nghệ né hoặc trốn được nhiều loại thuế. Những tập đoàn công nghệ đa quốc gia đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ một cách hợp pháp.

Đó là lý do các nước trong nhóm G20 đang xem xét sửa đổi các quy định thuế để siết chặt dòng tiền của các công ty internet. Theo đó, một giao dịch sẽ được đánh thuế dựa trên nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi các công ty không có văn phòng ở đó. Đây sẽ là cơ sở để các tập đoàn lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google phải có trách nhiệm ở những thị trường mà họ đang kinh doanh.

Tại khu vực ASEAN, các nước như Singapore, Thái Lan và Malaysia... cũng đang cân nhắc các loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến, theo chia sẻ của ông Steven Sieker, Trưởng nhóm thuế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hãng luật Baker McKenzie. Thái Lan và Philippines... đang xem xét việc đánh thuế VAT 7-12% đối với các tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Amazon, Netflix, Spotify và Google. Trong khi đó, theo quy định của Indonesia, các công ty nước ngoài có doanh thu ít nhất 41.000 USD từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số hoặc có ít nhất 12.000 lượt truy cập mỗi năm phải trả 10% thuế VAT.

Nguồn ảnh: vietnamesegoogleblog.com
Nguồn ảnh: vietnamesegoogleblog.com

Về giải pháp của Việt Nam, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng ngành thuế sẽ phối hợp với những đơn vị như các công ty quản lý về hạ tầng, các ngân hàng thương mại, kể cả các trung gian thanh toán để hỗ trợ ngành thuế chia sẻ thông tin, tăng cường quản lý và làm việc trực tiếp với các công ty công nghệ nước ngoài như Google, Facebook.

Ngành thuế cũng phối hợp với cơ quan thuế quốc tế để quản lý thuế các đơn vị hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Do nắm được dòng tiền, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể nộp thay bằng cách khấu trừ thuế trên dòng tiền qua ngân hàng, nếu doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài không nộp thuế, bởi đã có cơ chế ủy nhiệm thu thuế qua ngân hàng.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát những giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Các giao dịch mua bán trên Facebook thực hiện qua thẻ tín dụng, nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này và sẽ chặn trong trường hợp phát hiện vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Phạm Đạt, Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon), tư vấn rằng, cơ quan thuế nên thành lập trung tâm dữ liệu hoạt động thương mại qua biên giới. Tất cả sàn giao dịch đều phải điều chuyển thanh toán qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng truy cập và sử dụng dữ liệu của trung tâm quốc gia này để kiểm tra thông tin một cách toàn diện và phối hợp kiểm tra khi cần thiết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày