Công Nghệ

Thị trường công nghệ chống hàng giả toàn cầu đã đạt mốc trăm tỉ USD

Tuệ Anh Thứ Tư | 29/06/2022 14:19

Ảnh: Asia Newsday.

Thị trường công nghệ chống hàng giả toàn cầu đã đạt mốc trăm tỉ USD. Trong đó, chống hàng giả bằng blockchain sẽ chiếm thị phần ngày càng lớn.
Ảnh: Asia Newsday.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, thị trường công nghệ chống hàng giả toàn cầu đã đạt 51,8 tỉ USD trong năm 2017, và có mức tăng trưởng trung bình 11,7%/năm từ 2018 đến 2025; riêng thị trường công nghệ chống hàng giả in trên bao bì được ước tính sẽ đạt 188 tỉ USD trước năm 2025. Còn theo Tổ Chức Sức Khỏe Quốc Tế (WHO) thì 10% thuốc chữa bệnh trên thế giới, đặc biệt trong các quốc gia đang phát triển là hàng giả.

 

PGS- Tiến sĩ Nguyễn Đình Quân, Giảng viên Đại học Bách Khoa TP. HCM cho biết hiện nay, công nghệ chống hàng giả hướng đến việc xác thực nguồn gốc của sản phẩm có thể được phân loại làm 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất là truy xuất thông tin nguồn gốc sản xuất, logistic, phân phối. Giải pháp thứ hai là định danh có thể xác thực: giải pháp này đòi hỏi việc sử dụng các công cụ như chip điện tử RFID, mực in nhận diện… Thứ ba là xác thực điện tử: một sản phẩm chính hiệu được đính kèm với một mã sản phẩm duy nhất phát hành bởi chính nhà sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Đình Quân, tất cả các công nghệ kể trên đều có nhược điểm là tốn kém, đòi hỏi phải có nhà cung cấp dịch vụ chuyên biệt cao, và blockchain với công nghệ sổ cái kỹ thuật số không thể chỉnh sửa đang trở thành công nghệ chống hàng giả được kỳ vọng sẽ tránh được các khuyết điểm của các giải pháp trước đây.

Mới đây, các tập đoàn ngành hàng xa xỉ vốn là đối thủ của nhau như LVMH, Prada, Cartier… đã cùng nhau để lập nên Aura Blockchain Consortium. Động thái này có thể giúp ngành hàng xa xỉ giảm bớt phần nào trong khoản tiền xấp xỉ 100 tỉ USD mất đi mỗi năm do hàng giả. Phần mềm dựa trên đám mây của Aura được ra mắt vào đầu năm 2022. Nhờ tính năng plug-in của công nghệ này, các thương hiệu có thể tích hợp nó vào trong quy trình hoạt động của mình mà không cần biết gì về blockchain.

Cho đến nay, đã có hơn 20 thương hiệu sử dụng phần mềm của Aura, với hơn 17 triệu sản phẩm được đăng ký trên nền tảng này. Theo hãng tin CNN, không chỉ các sản phẩm thời trang, blockchain còn hữu ích trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả nghệ thuật, mỹ phẩm, nước hoa và đồ nội thất cũng như cả các sản phẩm phức tạp hơn. Trong tương lai, sổ cái kỹ thuật số của blockchain còn giúp lưu trữ thông tin về việc bảo dưỡng và duy tu thiết bị, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí như xe cộ, giúp xác định giá trị sản phẩm tốt hơn khi bán lại chúng.

Đó là lý do vì sao nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz cũng tham gia vào Aura với tư cách một trong các thành viên sáng lập và lên kế hoạch sử dụng nền tảng để khám phá các khả năng khác nhau của việc số hóa thương hiệu, ví dụ tạo ra các NFT cho những trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số trong ô tô.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ blockchain vào giải pháp chống hàng giả của PGS- Tiến sĩ Nguyễn Đình Quân vừa qua cũng đạt giải ba Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022. Sản phẩm là hệ thống phần mềm hoạt động dựa trên một thuật toán blockchain, mã hóa một mã ID tạo ra "chữ ký" duy nhất của nhà sản xuất giúp xác thực hàng hóa đúng nguồn gốc, khiến hành vi làm hàng giả trở nên bất khả thi.

Có thể bạn quan tâm:

Dệt may tìm công nghệ mới để giữ chân nhãn hàng quốc tế


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày