Thúc đẩy tăng trưởng và kết nối khách hàng trong môi trường quảng cáo an toàn
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi điện thoại di động trở thành thiết bị ưu tiên, bộ công cụ và giải pháp kinh doanh toàn diện của Meta đang mang đến nhiều giá trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả. Theo một nghiên cứu gần đây của Meta, 53% người dùng Việt sẵn sàng mua hàng thêm từ doanh nghiệp tư vấn qua tin nhắn hiệu quả, 45% người tiêu dùng Việt Nam nhắn tin với doanh nghiệp trên mạng xã hội để mua sản phẩm/dịch vụ và 81% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho rằng họ thu được khách hàng tiềm năng chất lượng cao từ quảng cáo tin nhắn.
Chỉ cần nhấp vào quảng cáo, khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp thông qua các công cụ nhắn tin của Meta, từ đó doanh nghiệp dễ dàng kết nối với khách hàng và tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà quảng cáo thường gặp phải tình trạng quảng cáo bị từ chối do một số nguyên nhân phổ biến như: nội dung chất lượng thấp, vi phạm Tiêu chuẩn Quảng cáo và Tiêu chuẩn Cộng đồng của Meta, cũng như thiếu kiến thức về quy trình kháng cáo.
Chia sẻ về chiến dịch "Chính sách Quảng cáo và Liêm chính trong Kinh doanh" mới nhất dành cho các doanh nghiệp nhỏ, bà Phương Đặng, Quản lý Tiếp thị Sản phẩm Toàn cầu, Meta, cho biết: “ Thông qua chiến dịch này, các doanh nghiệp nhỏ sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về chính sách quảng cáo của Meta, cũng như cách khắc phục các trường hợp quảng cáo bị từ chối. Các kiến thức về liêm chính trong kinh doanh và chính sách quảng cáo đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với các thương hiệu mới và các thương hiệu sử dụng quảng cáo tin nhắn, vì các thương hiệu này cần đảm bảo việc kết nối trực tuyến một cách liền mạch với khách hàng mục tiêu thông qua tin nhắn là phương tiện chính.”
Dự án “Chính sách Quảng cáo và Liêm chính trong Kinh doanh” giúp nâng cao nhận thức về 6 chủ đề phổ biến:
Chủ đề 1: Quảng cáo liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần
Meta mong muốn tạo ra một môi trường khiến người dùng cảm thấy thoải mái, tự tin và an toàn khi thể hiện bản thân. Các nhà quảng cáo không được phép:
Khiến người xem cảm thấy tiêu cực về bản thân
Nhấn mạnh khuyết điểm cá nhân để ảnh hưởng đến quyết định mua hàng
Sử dụng hình ảnh trước và sau khi sử dụng ngay cạnh nhau
Lời khuyên dành cho các nhà quảng cáo: Meta khuyến khích các nhà quảng cáo tập trung vào việc thể hiện người dùng đang sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc thể hiện quá trình sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ đã tác động đến người dùng theo thời gian hoặc tốt nhất, tập trung vào kết quả tích cực cuối cùng do sử dụng sản phẩm.
Chủ đề 2: Quảng cáo liên quan đến kết quả phi thực tế
Sử dụng hình ảnh cơ thể lý tưởng là một trong những sai lầm phổ biến mà các nhà quảng cáo cần tránh khi tạo nội dung quảng cáo trên các nền tảng của Meta. Các nhà quảng cáo không được phép:
Khẳng định kết quả cụ thể hoặc đảm bảo đạt được kết quả, đặc biệt là những kết quả phi thực tế trong lĩnh vực sức khỏe hay giảm cân.
Lời khuyên dành cho các nhà quảng cáo: Các nhà quảng cáo nên tránh đưa ra các tuyên bố trực tiếp cho khách hàng, thay vào đó, nên tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp cung cấp thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và các tiêu chuẩn.
Chủ đề 3: Quảng cáo vi phạm quyền riêng tư và đặc điểm cá nhân
Meta mong muốn người dùng có trải nghiệm tích cực khi xem quảng cáo. Các nhà quảng cáo không được phép:
Chứa các từ ngữ ám chỉ thuộc tính cá nhân của người xem như giới tính, tình trạng sức khỏe, tình trạng hôn nhân, tình trạng tài chính…
Lời khuyên dành cho các nhà quảng cáo: Các nhà quảng cáo nên tránh sử dụng các từ ngữ như "bạn", và nên tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách chia sẻ trải nghiệm hoặc chuyên môn ưu việt của doanh nghiệp.
Chủ đề 4: Quảng cáo sử dụng thủ thuật để tránh quy trình xét duyệt
Meta khuyến khích một môi trường an toàn cho cả người dùng và doanh nghiệp. Các nhà quảng cáo không được phép:
Sử dụng ký tự Unicode hoặc ký tự đặc biệt để che giấu từ hoặc cụm từ
Dùng biểu tượng cảm xúc để hiển thị giá và dữ liệu
Che mờ hình ảnh bằng biểu tượng, bộ lọc, làm mờ, pixel hóa hoặc che vật phẩm để lách quy trình đánh giá của chúng tôi.
Lời khuyên dành cho các nhà quảng cáo: Các nhà quảng cáo nên tránh sử dụng biểu tượng cảm xúc để giảm thiểu nguy cơ bị từ chối quảng cáo do vi phạm chính sách.
Chủ đề 5: Quản lý Nội dung Tin nhắn từ Doanh nghiệp
Khi quản lý tin nhắn, doanh nghiệp cần đảm bảo giao tiếp có trách nhiệm để duy trì niềm tin của khách hàng và hạn chế bị gắn cờ là thư rác (spam). Doanh nghiệp nên tránh gửi hơn 40 tin nhắn mỗi giây hoặc gửi nhiều tin nhắn lặp lại để hạn chế làm phiền người nhận. Các doanh nghiệp cũng nên lưu ý tránh có thái độ hằn học với các khách hàng có ngôn từ kích động & thiếu văn minh
Lời khuyên từ Meta: Các doanh nghiệp nên đảm bảo sự đồng ý của khách hàng trước khi gửi nhiều tin nhắn để các tin nhắn không bị đánh dấu là thư rác (spam). Lưu ý nhân viên trả lời tin nhắn luôn có thái độ tích cực, nhã nhặn và thực hiện từ chối nhắn tin với các khách hàng có thái độ dung tục hoặc bất lịch sự
Chủ đề 6: Khắc phục sự cố quảng cáo bị từ chối
Meta sử dụng hệ thống tự động khi xét duyệt quảng cáo. Hệ thống sẽ bắt đầu tự động trước khi quảng cáo được phát hành và thường hoàn tất trong vòng 24 giờ. Quy trình xét duyệt có thể bao gồm việc kiểm tra hình ảnh, video, văn bản, thông tin đối tượng mục tiêu và cả đích đến của quảng cáo, như trang đích (landing page) hoặc website theo Tiêu chuẩn Quảng cáo của Meta. Ngoài ra, các quảng cáo có thể được xét duyệt lại, kể cả khi đã phát hành.
Chỉnh sửa hoặc tạo quảng cáo mới:
Nếu quảng cáo bị từ chối, nhà quảng cáo nên ưu tiên khắc phục vấn đề bằng cách cập nhật các thành phần đã vi phạm chính sách, như hình ảnh, video, văn bản, mục tiêu quảng cáo hoặc trang đích. Ngoài ra, nhà quảng cáo cũng có thể tạo quảng cáo mới.
Yêu cầu xét duyệt lại:
Nếu vẫn chưa rõ lý do quảng cáo bị từ chối sau khi xem lại các chính sách quảng cáo của Meta, nhà quảng cáo có thể yêu cầu xét duyệt lại. Để yêu cầu xét duyệt, hãy đăng nhập vào tài khoản quảng cáo và điều hướng đến trang Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp. Sau đó, chọn các quảng cáo mà nhà quảng cáo cho rằng đã bị từ chối không chính xác trong mục Tổng quan tài khoản, và chọn Yêu cầu xét duyệt.
Để hỗ trợ các nhà quảng cáo, Meta cung cấp Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp (Business Support Home), giúp các nhà quảng cáo có thể xem lại quảng cáo, quản lý việc tuân thủ chính sách, yêu cầu đánh giá lại nếu quảng cáo bị từ chối và đảm bảo tài khoản cũng như Trang của doanh nghiệp không bị hạn chế do các hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể truy cập Trạng thái Trang (Page Status) để kiểm tra các vi phạm liên quan đến tin nhắn hay nội dung không trả phí trên trang.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư