Doanh Nghiệp

Bước đi mới của Asanzo

Thứ Ba | 20/10/2015 08:00

Chỉ sau 1 tháng ra mắt sản phẩm mới Smartbox, công ty Asanzo đã bán được 5.000 Smartbox và thu về 7 tỉ đồng.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chiếc tivi và nhóm thương hiệu nước ngoài chiếm đến 80%. Trong khi nhiều hãng lớn hướng vào đối tượng khách hàng có thu nhập khá tại thành thị, Asanzo là một thương hiệu Việt nhắm đến hàng triệu khách hàng ở nông thôn. Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp nội này cũng từng được NCĐT giới thiệu cách đây không lâu.

Ra đời năm 2014, hiện Asanzo đã đạt được con số hơn 152.000 chiếc tivi bán ra chỉ trong vòng chưa đến 2 năm kể từ khi thành lập. Còn trong 9 tháng đầu năm 2015, Công ty đã bán ra thị trường hơn 300.000 chiếc. Chiến lược để công ty này thâm nhập thị trường đơn giản chỉ là giá rẻ. Lợi thế này đã giúp Asanzo tối ưu vòng quay của chu kỳ sản xuất và thu hồi vốn nhanh hơn, chủ động được nguồn tài chính.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Asanzo đã tiếp tục đưa một sản phẩm mới ra thị trường. Ðó là Smartbox, thiết bị Android biến tivi thường thành tivi thông minh. Chỉ sau 1 tháng, Công ty đã bán được 5.000 Smartbox và thu về 7 tỉ đồng. Được biết, Asanzo đã đầu tư 50 tỉ đồng cho hệ thống, công nghệ và bản quyền sản xuất loại sản phẩm này.

Thực tế, loại thiết bị công nghệ này hiện có khá ít nhà sản xuất trên thị trường. Ngoài Smartbox của Asanzo, chỉ có thêm một số sản phẩm tương tự của VNPT Technology, HIMEDIA, Minix và một số sản phẩm của Samsung.

Theo ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Asanzo, Công ty sẽ tiếp tục đưa ra thị trường thêm 20.000 Smartbox từ đây cho đến cuối năm. Sau khi trừ hoa hồng dành cho nhà phân phối, Asanzo thu về gần 1,3 triệu đồng trên mỗi Smartbox bán ra. Nếu trừ tiếp các chi phí khác, có thể nói lợi nhuận trên từng sản phẩm là không quá cao. Vì thế, chiến lược bán giá rẻ để tăng nhanh độ phủ sẽ được Asanzo tiếp tục ứng dụng cho sản phẩm này. So với các đối thủ, Smartbox của Asanzo có giá thấp hơn khoảng 30-50%.

Để thực hiện được chiến lược giá của mình, Asanzo tiết kiệm chi phí trên từng con ốc vít. Trong khi nhiều công ty khác nhập ốc vít tính theo đơn vị con, Asanzo lại có đơn vị gia công riêng tính theo kg. Ngoài ra, Công ty còn loại bỏ tính năng thừa để sản phẩm có giá bán tối ưu. Ví dụ như tính năng 3D hay độ phân giải 4K, vốn ít được sử dụng tại Việt Nam.

“Tôi kỳ vọng Smartbox sẽ mang về doanh thu 300 tỉ đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 40% doanh thu”, ông Tam cho hay.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, Asanzo còn tận dụng lợi thế chi phí thấp để tiến sang Lào và Campuchia. Dù vậy, theo nhận định của ông Tam, 2 quốc gia này tuy có cơ hội đầu tư lớn nhưng vẫn không hấp dẫn bằng Việt Nam. “Thị trường chính sắp tới vẫn là ở quê nhà. Ðiều quan trọng và không dễ thực hiện trong thời điểm này là Asanzo phải làm cho người tiêu dùng nói chung và người Việt nói riêng biết đến thương hiệu của mình. Công ty cũng trông chờ vào tâm lý người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn”, ông nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày