Doanh Nghiệp

VnFoods "luyện vàng" từ thứ phẩm thủy sản như thế nào?

Thứ Tư | 20/04/2016 08:00

Chỉ trong 6 năm, VIG và VNF đã kiện toàn ý tưởng biến “rác tôm” thành “vàng”. Doanh thu năm 2015 của Vnfoods đã tăng hơn 150% so với năm trước đó.

Mùa xuân 2011, quỹ đầu tư VIG  lần đầu “thám thính” ngành thứ phẩm thủy sản đầy tiềm năng. Cùng lúc đó, tại mũi đất Cà Mau, thiên đường của ngành nuôi trồng thủy sản nội địa, Vnfoods (VNF) được hình thành trên cơ sở mua lại một công ty có trụ sở nằm tách biệt trong nhóm khu công nghiệp có mùi. Sau vài lần thực hiện M&A 9 doanh nghiệp khác, VNF cũng hướng tới những giá trị gia tăng cho ngành thủy sản. Điểm chung cốt lõi trong chiến lược tái định vị ngành phụ phẩm thủy sản Việt Nam đã “vô tình” tạo lên liên minh VIG và VNF.

Lâu nay, VIG được coi là thuộc nhóm các quỹ đầu tư tư nhân thế hệ F2, chuyên về khối doanh nghiệp tư nhân. Một số khoản đầu tư của VIG như Galaxy Studio, Tập đoàn Thiên Minh, Nam Long...  VIG đang quản lý 2 quỹ với tổng số vốn 250 triệu USD. Quỹ đang trong giai đoạn huy động quỹ số 3 với lần đóng quỹ lần thứ nhất đạt 160 triệu USD, dự kiến đợt 2 sẽ được thêm 140 triệu USD.

Khi khảo sát địa bàn Cà Mau, ông Phạm Lê Nhật Quang, thành viên quỹ VIG, khi đó phải thốt lên: “Phí quá! Cả “kho vàng” ở đây mà lại chỉ để làm thức ăn cho vịt sao?”. Lý do là gần 10 năm trước, trên 60.000 tấn phế liệu ngành chế biến tôm (đầu, vỏ tôm) thải ra từ các nhà máy đều để…cho vịt ăn. 

Thế là VIG và VNF bắt tay vào cuộc. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi nội địa, trị giá lên tới 11 tỉ USD mỗi năm, ứng với 5% GDP. Mỗi 1 USD tăng giá của thức ăn chăn nuôi sẽ làm tăng chi phí đẩy của ngành chăn nuôi Việt Nam thêm 20 triệu USD.

Để có doanh thu tăng 15 lần trong 12 tháng đầu tiên, 5 triệu USD đầu tư từ VIG và hàm lượng chất xám cao mà VNF bỏ ra trong quá trình R&D không hề trải hoa hồng. Dịch tôm thủy phân ngay sau khi xuất hiện trên thị trường Việt Nam đã đánh bại một sản phẩm tương tự của một tập đoàn quốc tế lớn. Điều đó chứng tỏ R&D là yếu tố sống còn trong ngành này, vốn là sân chơi của các tập đoàn đa quốc gia, mạnh về vốn và công nghệ.

VNF đã mất 3 năm chỉ để thực hiện R&D. Kết quả là cho ra chuỗi 3 dòng sản phẩm phù hợp với 3 chiến lược định vị lại ngành gồm nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi (dịch tôm thủy phân), thực phẩm (dịch tôm tươi, bột tôm, gạch tôm sa tế), dược phẩm sinh học. Ở nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, với nguồn nguyên liệu phế phẩm trung bình khoảng 40.000 tấn vỏ, đầu tôm các loại mỗi năm, nhà máy luôn vận hành 24/7 từ khi đi vào hoạt động, trong khuôn viên rộng 50.000 m2.

VNF cho biết, việc kiểm soát và ổn định nguồn cung đầu vào được ưu tiên trên hết. Ngay từ khi tiếp cận, VNF chọn chiến lược ổn định theo quy mô lớn, một mặt cam kết bao tiêu hết sản lượng, một mặt cam kết thời gian tối đa từ khi thứ phẩm được tách ra khỏi dây chuyền sản xuất của nhà máy tôm đến khi VNF thu gom chỉ 30 phút. Một nguyên nhân khách quan là đầu, vỏ tôm sẽ bị phân hủy trong vòng 4 giờ đồng hồ nếu không được bảo quản lạnh đủ tiêu chuẩn. Cam kết này được đặt nền móng trên chiến thuật chuỗi phòng thu gom vệ tinh.

Tại mỗi nhà máy sản xuất của đối tác, VNF xây dựng bài bản phòng thu gom trực tiếp nguồn nguyên liệu đạt vệ sinh an toàn thực phẩm được vận hành với sự phối hợp của nhân viên từ cả hai phía. Các nhân viên này có nhiệm vụ thu gom ngay tại nguồn và điều phối nhịp nhàng hệ thống hơn 30 xe tải chuyên dụng để vận chuyển về nhà máy của VNF trong thời gian dưới 30 phút quy định.

Cách làm này giúp giảm thiểu tối đa chi phí lập các điểm thu mua lưu động, kiểm soát đồng bộ chất lượng nguyên liệu đầu vào của tất cả các nhà cung ứng ngay tại nguồn, chủ động được sản lượng thu mua phục vụ công tác điều tiết giá và năng suất thành phẩm.

Hiện tại, Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ thứ phẩm trong quá trình sản xuất tôm của 80% thị trường từ các nhà máy xuất khẩu tôm trên địa bàn Cà Mau. Quan trọng là Công ty đã ký được hợp đồng bao tiêu bền vững thứ phẩm thủy sản, kéo dài nhiều năm, với Công ty Thủy sản Minh Phú, vua tôm Việt đang có sản lượng năm 2015 khoảng 48.000 tấn.

Trước kia, rác thải chế biến từ hoạt động nuôi tôm và toàn bộ khu chế xuất tạo thành cụm ô nhiễm kép (ô nhiễm không khí và nguồn nước), khiến chính quyền Cà Mau đối mặt với áp lực gia tăng chi tiêu công đầu tư cho môi sinh hằng năm. Chính sáng kiến thiết lập chuỗi phòng thu gom ngay tại nguồn của VNF đã làm thay đổi môi trường sống của 1,2 triệu cư dân, ngư dân bản địa.    

VNF cũng bắt tay với Quỹ hỗ trợ phát triển của Chính phủ Thụy Sĩ và với 250.000 USD đầu tư không hoàn lại đã giúp VNF cô lập hoàn toàn ảnh hưởng xâm hại đến môi sinh, xử lý triệt để thứ phẩm thủy sản. Chỉ trong vòng 6 năm, bộ đôi VIG và VNF đã kiện toàn ý tưởng biến “rác tôm” thành “vàng”.

Mới đây, nhà máy thực phẩm mới tại Hậu Giang theo tiêu chuẩn “zero waste” đã hoàn thành giai đoạn 1, khép kín mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm từ phụ phẩm ngành thủy sản, lần đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn không có rác thải.

Để có được kết quả này, như đã nói ở trên, VIG luôn song hành cùng VNF trong quá trình R&D. Hơn 100 tỉ đồng tiền mặt đã được VIG đầu tư vào 4 nhóm mục tiêu lớn gồm bình ổn và kiểm soát chuỗi cung ứng; tạo ra các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao; phát triển chuỗi liên kết phân phối bền vững; phát triển thị trường tiêu thụ. Những yếu tố này tạo nên lợi thế cạnh tranh cho VNF.

Trong khi số đông đối thủ vẫn đánh giá thấp tiềm năng và quan niệm đây là ngành sản xuất “phế phẩm” thì lãnh đạo doanh nghiệp này đã đi đổi tên toàn bộ ngành nghề trong giấy phép kinh doanh sang thành “phụ phẩm”.

Theo ông Hoàng Việt Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị VNF, thông thường doanh nghiệp Việt Nam làm tốt về sản phẩm, nhưng lại bị thiếu hụt kiến thức  về nhu cầu thị trường. Vì thế, VIG nghiên cứu dòng sản phẩm dịch tôm thủy phân như một đột phá, tạo ra giá trị gia tăng hoàn toàn mới trong nguyên liệu tối quan trọng của ngành thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 2 tỉ USD bột cá Peru, bằng nguyên giá trị nhập khẩu của toàn bộ ngành dược phẩm. VNF tạo ra dịch tôm thủy phân này nhằm giúp ngành giảm phụ thuộc vào bột cá nhập khẩu có giá cao.

Rõ ràng, hướng đi của VNF là không đầu tư công nghệ hiện đại vào thị trường hiện có (thức ăn chăn nuôi) mà tạo ra phân khúc mới (chất dẫn thủy phân), nhằm vẽ lại bản đồ cung ứng nguyên liệu đầu vào của nền công nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa hiện có giá trị khoảng 6 tỉ USD.

Trong một thực nghiệm độc lập được nhóm các trường đại học trong ngành thủy sản và nông nghiệp nghiên cứu, kết quả sau 270 ngày nuôi cá tra và 80 ngày nuôi heo bằng nguồn thức ăn chăn nuôi sử dụng chất dẫn dịch tôm thủy phân, chi phí thức ăn lần lượt giảm 2% và 11%, tương ứng với mức tăng lợi nhuận ròng 42% và 25%. Đó là nhờ thức ăn của VNF đã gián tiếp giảm chỉ số tích tụ thức ăn dư thừa đến 50%, nguyên nhân chính gây nên trầm tích, bùn đáy khiến vật nuôi nhiễm bệnh chết hàng loạt. Vì thế mà năm 2015, doanh thu VNF đã tăng hơn 150% so với năm trước đó.

Và khi thị trường mì tôm đang tăng trưởng nóng, mỗi năm trên 10% thì sáng chế của VNF cho phép truyền dẫn dịch tôm tươi trực tiếp vào từng sợi mì trong quá trình chế biến đã được các công ty sản xuất mì lớn nhất Việt Nam như Masan, Colusa-Miliket… đánh giá như đột phá mới.

Một tin vui nữa là “chúng tôi đã có được giấy phép xuất khẩu sang thị trường khó tính EU”, ông Hoàng Việt Tùng, VNF, cho biết.

Cái đích xa hơn mà VNF có lẽ nhắm tới sau khi chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường ngách thứ phẩm thủy sản chính là dược phẩm y tế. Trong số 1.670 tỉ USD chi phí quốc phòng toàn cầu năm 2015, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một lượng không nhỏ được chi ra để mua vật tiêu hao y tế. Hai hoạt chất Chitin và Chitosan, chiết xuất từ vỏ tôm tươi, là thành phần chính của các biệt dược đặc trị trong nền y học hiện đại với giá trị thương mại ước tính, theo báo cáo của GIA- Global Industry Analysis, 20 tỉ USD.

Da người “nhân tạo”, keo dán vết thương và chỉ y khoa, nhựa y tế dùng trong in khớp xương chân tay … cũng được tạo ra từ 2 hoạt chất Chitin và Chitosan. Ngành dược phẩm sinh học này là thị trường tiềm năng của VNF.

Hiện tại, thách thức lớn nhất của  VNF là gia tăng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Quá trình sản xuất của VNF dựa trên yếu tố công nghệ cao và tự động hóa. Do đó, việc xây dựng thêm nhiều nhà máy đòi hỏi nguồn vốn lớn. Ngoài ra, khi bước ra sân chơi thế giới, VNF sẽ phải đối mặt với các đối thủ lớn, mạnh về vốn và bề dày hàng chục năm trong R&D các sản phẩm tương tự.

Minh Nguyệt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày