Doanh Nhân

Khan hiếm nhân sự trung cao cấp: Liệu có đáng lo?

Thứ Tư | 27/01/2016 09:00

Có tới 41% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết họ không thể tìm được đủ nhân sự cấp trung cấp cao người Việt cho công ty,

ACCA, Hiệp hội nghề nghiệp uy tín của anh trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán... mới vừa lập riêng một website chỉ dành cho tuyển dụng ở Việt Nam. Dù bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng Văn phòng đại diện ACCA tại Việt Nam, khẳng định họ chỉ hỗ trợ cho hội viên và không mở rộng sang lĩnh vực tuyển dụng, nhưng động thái trên đã ít nhiều cho thấy những chuyển biến mới trong lĩnh vực nhân sự tài chính.

Bà Len cho biết ACCA muốn tạo thêm nhiều “cánh cửa” nữa cho người có bằng ACCA, dù cơ hội nghề nghiệp của những hội viên ACCA đang rất tốt. Thống kê của ACCA Việt Nam cho thấy, 4,12% hội viên đang giữ cương vị Tổng Giám đốc, 31% hội viên là Giám đốc Tài chính/Giám đốc Khối quản trị rủi ro, khoảng 25,6% hội viên ở cấp trưởng phòng. Số còn lại đều là những chuyên viên cấp cao ở các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán nhóm Big4, các công ty lớn của Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy vậy, số lượng hội viên ACCA ở Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ 800 người, rất thấp so với Singapore (8.000), Malaysia (11.000), Hồng Kông (18.000). Mặt khác, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực trung cao cấp ngành tài chính của Việt Nam sẽ ngày càng tăng nhanh, ước tính cần tới 130.000 người vào năm 2020. Có thể nói, việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành tài chính luôn hiện hữu.

Ở các ngành khác, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Chẳng hạn, VietnamWorks dự đoán trong vòng 4 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu hơn 500.000 kỹ sư IT, chiếm khoảng 78% tổng số nhân lực mà ngành này cần. Hay đối với ngành du lịch, theo chia sẻ từ một lãnh đạo khách sạn 5 sao, đã nửa năm nay vẫn chưa tuyển được vị trí Phó Giám đốc bộ phận ẩm thực. 

Để giải tỏa cơn khát từ doanh nghiệp, không riêng các công ty săn đầu người mà cả những tổ chức nghề nghiệp như ACCA cũng đã vào cuộc. Dù vậy, vẫn có tới 41% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết họ không thể tìm được đủ nhân sự cấp trung cấp cao người Việt cho công ty, theo khảo sát từ Navigos Search.

Trong khi đó, từ 2 năm trước, báo cáo của Anphabe cho thấy 54% nhân sự cao cấp có mong muốn tìm một công việc xứng tầm hơn. Vì thế, dù được đãi ngộ, tình trạng nhảy việc vẫn xảy ra phổ biến ở đội ngũ này. Chuyện thu hút và giữ người tài đối với doanh nghiệp chưa bao giờ  “đỏ mắt” và bị động đến vậy.

Đó là chưa kể việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành từ cuối năm ngoái. AEC sẽ mở ra những cơ hội mới về tự do dịch chuyển việc làm trong ASEAN cho các lao động có tay nghề, đến từ 8 ngành gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Thách thức “chảy máu” chất xám lại càng đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng, dù đạt bằng cấp quốc tế, kể cả du học nước ngoài về và được xếp vào đội ngũ nhân lực trung cao cấp, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng và bản lĩnh để ngồi “ghế nóng”, cầm trịch điều hành quản lý công ty một cách trôi chảy, tốt đẹp. Đặc biệt, nếu đặt lên bàn cân so sánh với các nước, trình độ của nhà quản lý Việt Nam nói chung vẫn kém hơn hẳn. Chẳng hạn, tiếng Anh đã trở thành một trong 3 tiêu chí hàng đầu trong tuyển dụng nhân sự cấp quản lý. Nhưng báo cáo của Navigos Search chỉ ra, trong khi chỉ 2% người tham gia phỏng vấn ở Singapore cho biết họ gặp trở ngại về tiếng Anh, con số này tại Việt Nam là 31%.

Nhân sự Việt Nam cũng non kém hơn về khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp, về tư duy toàn cầu, tầm nhìn chiến lược, trong khi đây lại là những yêu cầu cấp thiết. Nói như ông Nguyễn Quốc Phồn, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Business Development Service (Đức), thì khi doanh nghiệp được chỉ huy bởi một người ở tầm thấp hơn so với nước ngoài, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp nước ngoài là thấp hơn. Đó phải chăng là lý do nhiều ngân hàng của Việt Nam như Techcombank, MaritimeBank từng thuê Tổng Giám đốc ngoại?

Ngoài vấn đề chất lượng nhân sự như đã đề cập, xét mặt bằng thu nhập, nhiều ngành ở Việt Nam đang trả lương ngang ngửa, thậm chí cao hơn so với các nước trong khu vực. Theo khảo sát của Công ty Robert Walters, vị trí quản lý ở các công ty Việt Nam trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, tài chính, logistics, nhân sự, công nghệ... có mức lương trung bình 5.000-7.000USD/tháng. Nếu làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, con số này sẽ cao hơn 15-20%, thậm chí gấp đôi. Trong khi đó, điều kiện làm việc cũng như các đòi hỏi trong tuyển dụng ở Việt Nam lại dễ dàng hơn.

Hiện tại, để tham gia vào các vị trí cố vấn, điều hành cho các doanh nghiệp ở nước ngoài, hưởng lương tối thiểu 250.000 USD/năm mà Robenny Corporation (Canada) chào mời, các ứng viên phải đáp ứng nhiều điều kiện ngặt nghèo cũng như trải qua được các vòng khảo sát. Bởi thế, dù Robenny đang quản lý 6.500 nhân sự cao cấp trên khắp toàn cầu, nhưng các ứng viên đến từ Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1%, thấp hơn cả Campuchia (3%).

“Rõ ràng, khi nhân lực trung cao cấp thỏa mãn các tiêu chí và muốn đi ra nước ngoài thử sức, chúng ta nên ủng hộ họ”, ông Nguyễn Thành Nam, một trong những người sáng lập FPT, từng phát biểu. Theo ông, đó là cách để học hỏi cái hay, cái tốt ở xứ người, có thêm kinh nghiệm và sẽ là trải nghiệm thú vị, giúp nhà quản lý trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Chuyên gia Robert Trần, Tổng Giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương thì khẳng định, để một nhân sự cao cấp Việt Nam có thể thăng tiến hoặc được cất nhắc lên những vị trí cao nhất trong doanh nghiệp, đủ khả năng về làm việc cho Robenny hay các tập đoàn nước ngoài khác, họ cần luân phiên tham gia quản lý ở thị trường các quốc gia lân cận.

Có thể nói, với xu thế này, khan hiếm nhân lực quản lý giỏi ở Việt Nam sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Dù vậy, ông Robert Trần cho rằng, doanh nghiệp không nên ứng phó theo hướng chỉ tạo những điều kiện tốt về thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội cọ xát và huấn luyện đào tạo để thu hút giữ chân người tài... Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý không phụ thuộc vào người nào, sao cho người này ra đi thì có người khác thay vào, không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.

Thủy Ngọc


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày