Kiều bào

Người Việt bốn phương (số 701)

Phùng Mỹ Thứ Hai | 19/10/2020 07:00

Ảnh: TTXVN

Các kết quả thử nghiệm cho thấy loại vaccine do Nga sản xuất an toàn với sức khỏe.
Ảnh: TTXVN

Người Việt tại Nga tình nguyện tiêm vaccine ngừa COVID-19

Từ đầu tháng 9, chính quyền thủ đô Moscow của Nga đã triển khai chương trình phổ biến vaccine vì mục đích kinh tế dành cho mọi người dân có nhu cầu tự nguyện tiêm chủng vaccine Sputnik V ngừa COVID-19.

Theo bác sĩ Angela Viktorovna, những người tham gia chương trình vaccine vì mục đích kinh tế của thành phố Moscow sẽ được theo dõi và kiểm tra sức khỏe trong vòng 180 ngày kể từ sau khi tiêm chủng.

Vaccine Sputnik V đã trải qua 2 chu trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện trước khi được cấp phép đăng ký chính thức. Vaccine Sputnik V không chứa bất kỳ thuộc tính virus nào và vì vậy khả năng người được tiêm vaccine bị ốm hay lây truyền bệnh cho những người khác đã được loại trừ.

Các kết quả thử nghiệm cho thấy loại vaccine do Nga sản xuất an toàn với sức khỏe. Dự kiến, việc sản xuất hàng loạt theo quy mô công nghiệp đối với vaccine Sputnik V sẽ diễn ra vào tháng 1.2021.

Việt Nam - Anh sẽ sớm có một hiệp định thương mại tự do song phương

Thông báo về Hiệp định thương mại tự do song phương được đưa ra trong chuyến thăm 2 ngày (29 và 30.9) của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tới Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ký kết một hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu. Do đó, 2 bên cần sớm kết thúc đàm phán, ký và đưa vào thực thi Hiệp định thương mại song phương, nhằm nắm bắt những cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho 2 nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Việt Nam đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định của khu vực Đông Á. Những năm gần đây, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định với EU, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8.2020.

Dự án nông nghiệp hỗ trợ chuyển nghề cho người gốc Việt tại Campuchia

Tính từ tháng 6.2020, Công ty THADI đã tuyển dụng hơn 500 lao động người gốc Việt và hàng ngàn lao động người Campuchia tại các tỉnh lân cận dự án nông nghiệp.
Các dự án nông nghiệp của Việt Nam tại Campuchia với thế mạnh về tính bền vững và ổn định tiếp tục tạo động lực cho nền kinh tế địa phương, đặc biệt hỗ trợ mạnh mẽ Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người gốc Việt ở khu vực Biển Hồ trong gần 5 tháng qua.

Ông Lê Thanh Hoàng, Giám đốc Điều hành Khu liên hợp Nông nghiệp Snuol thuộc Công ty THADI cho biết: Không chỉ đảm bảo công ăn việc làm ổn định, THADI đã chăm lo đời sống cho người lao động tại các dự án nông nghiệp. THADI đã quy hoạch và đang triển khai xây dựng các khu nhà ở cho nhân viên quản lý, nhà ở cho công nhân người gốc Việt và người lao động Campuchia.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, các dự án nông nghiệp có thể mở ra chương mới cho tương lai của cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia ở 5 tỉnh gồm Bamttambang, Siem Reap, Pursat, Kampong Chhnang và Kampong Thom đang nằm trong diện di dời khỏi khu vực Biển Hồ theo chính sách của Chính phủ Campuchia.

Năm 2021, THADI sẽ tiếp tục tuyển dụng hơn 8.000 lao động để triển khai chiến lược nông nghiệp quy mô, bền vững theo chuỗi khép kín trong nông trường của THADI tại Campuchia.

CricketOne trở thành Quán quân Cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu - VietChallenge 2020

Quán quân mùa giải thứ 5 của Cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu - VietChallenge 2020 thuộc về CricketOne với phần thưởng trị giá 15.000 USD tiền mặt.

Từ 200 đội thi trên khắp thế giới, Ban Tổ chức đã chọn ra 6 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất với những mô hình kinh doanh đa dạng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, dịch vụ y tế, công nghệ kỹ thuật, robotics dự Vòng Chung kết.

CricketOne là một trong những dự án đi đầu về cung cấp protein bền vững và giá cả phải chăng từ dế, giúp thay thế chất đạm động vật và ngũ cốc thông thường, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Bà Bicky Nguyen, nhà đồng sáng lập CricketOne, cũng là nữ doanh nhân tiếp theo đạt chiến thắng của mùa giải VietChallenge 2020, chia sẻ: “Với nỗ lực của toàn thể Công ty, Quán quân VietChallenge 2020 là một trong những thành quả xứng đáng nhất mà tôi và CricketOne nhận được”.

Cùng với sự thành công của Vòng Chung kết, Ban Tổ chức đã đem đến ngày hội Nhà Đầu tư Vietchallenge (VietChallenge Investor Day) như một lời cổ vũ tinh thần nhiệt huyết của các nhà khởi nghiệp được lọt vào vòng Bán kết và Chung kết của VietChallenge 2020.

ASEM thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Diễn ra trong 2 ngày 12 và 13.10, với 4 phiên thảo luận chính của gần 130 đại biểu đến từ 41 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và 7 tổ chức quốc tế và khu vực liên quan, Đối thoại Cấp cao ASEM về “Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19” được tổ chức dưới hình thức kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến.

ASEM đã kết thúc thành công với nhiều chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm của các nước, hợp tác khu vực và toàn cầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Ảnh: msn.com
Ảnh: msn.com

Đối thoại là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, được các thành viên ASEM ủng hộ mạnh mẽ, trong đó 8 nước, gồm Úc, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Ý, Nhật, Na Uy đã tham gia đồng bảo trợ và phối hợp triển khai sáng kiến.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ASEM trong năm 2020 và cũng là hoạt động thiết thực đầu tiên triển khai chỉ đạo của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM về ứng phó với COVID-19 được thông qua trong tuyên bố ngày 9.7.2020.

Việc tổ chức Đối thoại có ý nghĩa thiết thực, kịp thời, góp phần thúc đẩy triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc vì sự Phát triển Bền vững.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày