Sức mạnh kết nối của ALOV
Ảnh: Dương Tiêu.
Khoảng cách cung cầu ngày càng lớn buộc các nhà đầu tư phải quan tâm hơn đến Việt Nam nhằm duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), chia sẻ với NCĐT xung quanh vấn đề này.
ALOV vừa công bố thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam - Nhật. Đại sứ có thể chia sẻ kế hoạch đầu tiên sau khi mở rộng quy mô?
ALOV là cầu nối giữa cộng đồng người Việt trên toàn cầu với đất nước. Do đó, chúng tôi chủ yếu tiếp nhận các yêu cầu từ phía Nhật, tìm kiếm các đối tác phù hợp ở trong nước, bao gồm doanh nghiệp và địa phương để tiến hành các hoạt động kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại. Đồng thời tổ chức các sự kiện giao lưu, tìm kiếm cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp và địa phương 2 nước. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của đối tác, chúng tôi sẽ xây dựng, đề xuất các phương án hợp tác phù hợp. Gần nhất, một trong những kế hoạch là chúng tôi sẽ ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật nhằm cụ thể hóa hoạt động giữa 2 bên.
Cũng cần nói thêm, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật trẻ, năng động, có hàm lượng tri thức cao và tiềm năng rất lớn về kinh tế. Người Việt ở Nhật đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước. Năm 2011, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật khoảng 30.000 người, đến nay đã tăng lên gần 600.000 người.
Chính phủ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ALOV đang thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Việc tìm kiếm các giải pháp kết nối trong nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ chính của ALOV, trong đó việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước ra cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu là việc làm thường xuyên.
Hiện nay, rất nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, ví dụ ở châu Âu và Mỹ. Tại Nhật, cộng đồng người Việt Nam đang duy trì rất tốt bản sắc văn hóa Việt Nam, thông qua sử dụng hàng hóa trong nước nhập khẩu vào Nhật, đã trở thành một kênh rất tốt quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam với người dân Nhật. Tuy nhiên, Nhật là thị trường có nhu cầu rất lớn về hàng hóa Việt Nam nhưng cũng là thị trường tiêu chuẩn cao. Nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu, duy trì ổn định chất lượng hàng hóa, Nhật vẫn luôn là thị trường tiềm năng.
Chính phủ chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghệ cao, ALOV sẽ có những hoạt động nào cùng thúc đẩy thu hút đầu tư vào Việt Nam?
Việt Nam hiện là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhân tài người Việt đang làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thu hút đầu tư vào Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ chung của các ban ngành và tổ chức. Trong bối cảnh đó, ALOV đã và đang tiếp tục tận dụng những cơ hội để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và người Việt trên toàn cầu tiếp cận với các đối tác phù hợp trong nước, nghiên cứu và xúc tiến hoạt động đầu tư.
Hiện nay, ALOV đang xúc tiến hỗ trợ một số tập đoàn hàng không quốc tế tìm kiếm các đối tác Việt Nam để bổ sung vào chuỗi sản xuất của họ. Tình trạng thiếu máy bay, thiết bị và linh kiện máy bay sẽ không thể cải thiện trong một sớm một chiều. Do đó, việc doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các tập đoàn hàng không trên thế giới sẽ không chỉ giúp ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí phát triển, mà còn từng bước tạo vị thế cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta có thể tin rằng sẽ sớm có một số thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn hàng không và doanh nghiệp trong nước?
Mới đây, ALOV đã tiếp xúc với đại diện của Airbus và Boeing, đồng thời làm việc với Air France, hãng hàng không quốc gia của Pháp. Việc kết nối Air France với một số đối tác trong nước, dự kiến đến tháng 10 tới, sẽ cho kết quả cụ thể. Chúng tôi cũng đã làm việc với Hội Cơ khí và một số hội nghề nghiệp khác, nhằm thúc đẩy các hoạt động kết nối trong lĩnh vực này.
Hiện nay, mức độ hỗ trợ của ALOV cho nội dung này chưa cao, chủ yếu là những thông tin căn bản, thông điệp và mong muốn hợp tác giữa các bên. Phía các tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam rất phấn khởi khi các cơ hội hợp tác tương đối khả thi, nhưng cũng lo ngại cơ hội có thể rơi vào tay các nước khác nếu chúng ta không khẩn trương khắc phục các hạn chế, những tồn tại cố hữu.
Việc kết nối với các đối tác Nhật và Hàn Quốc, những quốc gia mạnh về công nghiệp và công nghệ, hiện nay của ALOV ra sao?
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Nhật và Hàn Quốc đi trước Việt Nam rất nhiều, phát triển rất tiên tiến, chúng ta có thể học hỏi trong lĩnh vực điện tử hay nhiều lĩnh vực khác, họ chia sẻ với mình sẽ rất tốt. Hiện nay, Nhật và Hàn Quốc đều là các quốc gia đang quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và công nghệ, bao gồm chip bán dẫn. Do đó, Chính phủ và nhiều tổ chức của Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư từ các quốc gia này. Chúng tôi cũng đang làm công việc của mình, tìm kiếm các cơ hội kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian tiếp cận đối tác phù hợp.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư