Kinh Doanh

Abe vướng bê bối, kinh tế Nhật đứng trước tương lai bất định

Thứ Ba | 01/08/2017 16:17

Getty Images

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xoay quanh uy tín của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai của chương trình kinh tế Abenomics.
Getty Images

Sự bất mãn của dân chúng Nhật trước các bê bối gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho ông xuống dưới mức 30% - mức thấp nhất chưa từng có.

Kể từ tháng 5, ông Abe đã bị cáo buộc là giúp đỡ Kake Gakuen, một tổ chức giáo dục do một người bạn lâu năm của ông điều hành, giành quyền mở trường thú y trong một đặc khu kinh tế ở tỉnh Ehime. Ngài Thủ tướng đã bác bỏ những cáo buộc đó, nhưng việc này có thể khiến đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông chịu một thất bại lịch sử trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo vào tháng Bảy.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Abe cũng đã bị ảnh hưởng bởi những thất vọng về khả năng lãnh đạo của ông và các vấn đề tại Bộ Quốc phòng Nhật. Tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada từ chức vì có quan ngại rằng bà đã giúp che giấu hồ sơ nói về những nguy hiểm mà những người lính gìn giữ hòa bình của Nhật Bản  phải đối mặt ở Nam Sudan.

Thủ tướng Abe hiện chuẩn bị cải tổ nội các trong một nỗ lực nhằm lấy lại uy tín, nhưng không rõ liệu ông có thể tại vị cho đến cuộc bầu cử chủ tịch LDP vào tháng 9/2018 hay không.

Capital Economics cho biết trong một báo cáo gần đây: "Hiện nay, ông Abe có khả năng sẽ phải từ chức trước khi cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo diễn ra. Nếu ông Abe từ chức, một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là liệu kế hoạch phục hồi kinh tế Nhật Bản của ông Abe, thường được gọi là Abenomics, có đổ vỡ cùng với ông hay không".

Tiến trình cải cách đang bị đình trệ

Chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu là 3 trụ cột của chương trình Abenomics. Chính phủ của ông Abe đã thực hiện xong 2 điều đầu tiên, nhưng việc cải cách cấu trúc vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng chính trị của Abe suy yếu, những nỗ lực cải cách này có thể bị xao nhãng giữa lúc ông Abe tập trung vào việc khôi phục lại danh tiếng của mình.

Kohei Iwahara, nhà kinh tế tại Natixis Japan Securities, cho biết: "Các vụ bê bối là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Abenomics, vì tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã giảm ngay trước khi thực hiện các cải cách quan trọng. Chính phủ cần có tỷ lệ ủng hộ cao từ các công dân để thực hiện các cải cách cần thiết, vì chúng có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ".

Abe vuong be boi, kinh te Nhat dung truoc tuong lai bat dinh
Tăng trưởng GDP danh nghĩa (đường màu đỏ) và GDP thực (đường màu xanh) của Nhật Bản trước và sau Abenomics. Ảnh: Jetro

Hiện tại ông Abe khó lòng mà thực hiện kế hoạch cải cách cơ cấu gây tranh cãi, theo quan điểm của ông Tobias Harris, phó chủ tịch phụ trách Nhật Bản tại công ty Teneo Intelligence.

Những cải cách then chốt chưa được thực hiện bao gồm những thay đổi trong thị trường lao động để tăng lương, và các ưu đãi về an sinh xã hội để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Liệu Abenomics có thể tiếp tục mà không cần ông Abe?

Việc ông Abe phải từ nhiệm sớm không là điều gì lạ lẫm, khi vào năm 2007 ông cũng đã phải từ chức khi làm thủ tướng chưa đầy 1 năm.

Nhưng ngay cả khi lịch sử lặp lại, Abenomics vẫn có hy vọng sống sót.

Ông Iwahara nói. "Thật không may, hiện chưa có một chính sách nào có thay thế cho Abenomics, vì vậy các thành phần quan trọng của Abenomics sẽ vẫn được duy trì. "

Nếu ông Abe từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Nhật Kishida Fumio nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông, theo đánh giá của ông ​​Harris.

Harris nói: "Từng là thành viên nội các của ông Abe, Kishida sẽ khó mà từ bỏ hoàn toàn di sản của ông Abe. Ông Kishida là một trong những người không ủng hộ Abenomics về mặt giải quyết bất bình đẳng, nhưng điều này sẽ dẫn đến một Abenomics thân thiện hơn chứ không phải là bãi bỏ hoàn toàn Abenomics".

Mạnh Đức

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày